"Cái chết ngọt ngào" phá hỏng tim, gan, thận... từ thói quen hảo ngọt của người Việt
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, bản chất của con người là hảo ngọt (thích ngọt). Tuy nhiên, chế độ ăn thừa đường có thể gây ra hàng loạt bệnh lý nguy hiểm cho con người.
- 07-11-2019"Cái chết trắng" đến từ thói quen thích ăn đậm vị để ngon miệng của hàng triệu người Việt
- 27-10-2019Cơ thể có 3 triệu chứng này chứng tỏ bạn mệt mỏi đến độ đang tiến gần hơn đến cái chết, cần phải kịp thời nghỉ ngơi
- 16-10-2019Nếu như đường là "cái chết trắng" thì nước ngọt là một loại thuốc lá mới
LTS: Nhịp sống hiện đại cuộc sống con người trở lên nhanh và vội vã hơn. Con người không có quá nhiều thời gian để lựa chọn đồ ăn, tự nấu ăn và tìm hiểu về những thực phẩm tốt cho sức khoẻ. Thay vào đó là những thực phẩm ăn nhanh, đồ nướng, chiên, rán... được chúng ta sử dụng nhiều hơn.
Hiện nay, chúng ta đang có khuynh hướng ăn theo ý thích, chiều chuộng vị giác của mình. Ít ai biết được cách ăn đó có thể gây ra những hệ lụy bệnh tật nguy hiểm.
Trước mối nguy của bệnh tật trong ăn uống sắp "ập tới", chúng tôi xin gửi tới độc giả tuyến bài cảnh báo: "Kiểu ăn uống tàn phá lục phủ ngũ tạng".
Cái chết từ đường
Đường là một thứ gia vị không thể thiếu trong cuộc sống của con người. Gần như tất cả các thực phẩm đều có mặt của đường. Với bản tính của con người hảo ngọt nên số lượng tiêu thụ đường trong thực phẩm ngày càng tăng.
Cái chết đến từ đường là "cái chết trắng của sự ngọt ngào". Vì đường vào cơ thể có sinh ra năng lượng nhưng là năng lượng rỗng không xây dựng cơ thể. Chế độ ăn thừa đường gây ra các bệnh lý chuyển hóa theo thời gian làm hỏng tim, thận, gan…
TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, Phó Tổng thư ký Tổng hội y học Việt Nam cho hay, người cổ đại trước kia hoạt động săn bắn chỉ ăn khoảng 50gram đường/năm.
Chúng ta đang ăn quá nhiều đường so với nhu cầu.
Hiện nay, con người đang ăn lượng đường thừa so với khuyến cáo của sức khoẻ. Các nhà dinh dưỡng trên thế giới khuyến cáo lượng đường nên ăn chỉ nên dưới 20gram đường/ngày. Thêm nữa, mức tiêu thụ này vẫn còn rất nhiều tranh cãi vì nó vẫn khá cao.
"Một ví dụ đơn giản về mức tiêu thụ đường của con người hiện nay đang quá nhiều như sau: Nếu chúng ta chỉ cần uống một cốc nước trà sữa 500ml đã đủ lượng tiêu thụ đường trong 2 ngày", TS. Sơn lưu ý.
Đường có mặt trong mọi thực phẩm, nước uống và nó được ví như là chất gây nghiện. Khi ăn nhiều thiếu cân đối sẽ gây ra những bệnh lý nguy hiểm.
Theo TS. Sơn, ăn thừa đường sẽ gây ra tình trạng thừa cân, béo phì do đường gây ức chế tế bào đốt chất béo và tăng lượng insulin gây rối loạn trao đổi chất trong cơ.
Nó còn làm tăng hormone Ghrelin khiến cơ thể thèm ăn, tăng nguy cơ thừa cân béo phì và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Hiện nay, bệnh tim mạch đang là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong những bệnh lý hệ của béo phì.
"Ngoài thừa cân béo phì, chế độ ăn nhiều đường còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, ung thư tuyến tuỵ, bệnh gút…",TS. Sơn cảnh báo.
Ăn đồ ngọt gây hại cho gan
TS. Từ Ngữ, Tổng thư ký Hội dinh dưỡng Việt Nam cho biết thêm, đường có hai loại đường đơn và đường đa. Đường đơn khi ăn vào sẽ hấp thu thẳng vào máu và làm tăng đường huyết. Đường đa có chủ yếu trong các loại ngũ cốc, được hấp thu trong quá trình phân hủy từ đường đa thành thường đơn.
Ăn thừa đường sẽ chuyển hóa thành mỡ và tích mỡ trong cơ thể. Đường được chuyển hóa thành lipid trong gan và sẽ ảnh hưởng tới gan tăng nguy cơ mắc các bệnh lý gan, gan nhiễm mỡ nếu ăn quá nhiều đường.
Đường có mặt trong rất nhiều sản phẩm tiêu dùng hàng ngày.
TS. Từ Ngữ cho biết: "Khi ăn nhiều đồ ngọt tuyến tụy hoạt động nhiều làm lượng insulin trong máu tăng là nguyên nhân chính gây ra bệnh tiểu đường.
Hệ quả lâu dài của bệnh lý tiểu đường nếu không được kiểm soát có thể gây ra hỏng thận, hỏng gan, tăng huyết áp và rất nhiều biến chứng khác".
Theo chuyên gia ăn thừa đường còn kéo theo hàng loạt các vấn đề xấu của cơ thể như: hỏng răng, suy giảm hệ thống miễn dịch, mất ngủ, trầm cảm, suy giảm trí nhớ…
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo chỉ nên tiêu thụ dưới mức 5%/tổng lượng calo/ngày để tránh nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tiểu đường, béo phì…
"Hạn chế ăn đường tinh không là chưa đầy đủ mà cần phải hạn chế ăn các sản phẩm có chứ đường như: bánh kem, socola, đồ ăn nhanh, bánh kẹo ngọt, nước ngọt, nước trái cây đóng chai, cà phê, nước tăng lực… Khi chọn mua thực phẩm cần lưu ý tới thành phần đường", TS. Từ Ngữ khuyến cáo.
Ngoài ra, để phòng tránh bệnh tật cần phải có lối sống lành mạnh, ăn đủ dưỡng chất, uống đủ nước, ngủ đủ giấc và luyện tập thể dục thường xuyên.
TS.Từ Ngữ cho hay, chế độ ăn thừa và thiếu đường đều không tốt cho cơ thể. Thiếu đường sẽ ảnh hưởng tới chức năng của não và gan. Thừa đường sẽ gây hại hàng loạt các bệnh lý nguy hiểm ảnh hưởng tới ngũ tạng. Ăn đủ đường là các tốt nhất bảo vệ cơ thể khỏi bệnh tật đang rình rập.
Bài 6: Cái chết đến từ thói quen thích ăn hàng làm hỏng đại tràng
Trí thức trẻ