‘Cái khó ló cái khôn’, người dân Mỹ đang dùng mọi cách để ứng phó với giá thực phẩm leo thang, từ tăng gia sản xuất cho đến đi săn bắt động vật
Khi giá thực phẩm đắt cắt cổ trở thành điều bình thường mới, người tiêu dùng buộc phải tìm ra cách để duy trì bữa ăn trên bàn.
- 28-02-2024Cú rung chuyển toàn ngành ô tô: Apple chính thức dừng cuộc chơi với dự án xe điện, giấc mơ iCar tan thành mây khói
- 28-02-2024Chính phủ Mỹ lại đối mặt kịch bản đóng cửa
- 28-02-2024Bị Trung Quốc "soán ngôi", Mỹ nỗ lực cũng không thể bắt kịp ở một chỉ số - Chuyên gia nói gì?
Người Mỹ đang tích cực tìm cách cắt giảm các chi phí để duy trì bữa ăn trong bối cảnh lạm phát và giá lương thực tăng cao.
Gần đây, tờ Wall Street Journal, trích dẫn dữ liệu từ Bộ Nông nghiệp Mỹ, đưa tin người tiêu dùng Mỹ đang chi nhiều tiền hơn cho thực phẩm trong 30 năm qua. Người Mỹ đã chi 11,3% thu nhập khả dụng của họ cho thực phẩm vào năm 2022, nhiều hơn đáng kể so với mức chi kể từ năm 1991.
Chi phí ăn tại nhà hàng đã tăng 5,1% trong tháng 1/2024 so với cùng kỳ năm ngoái và giá hàng tạp hóa tăng 1,2% trong cùng khoảng thời gian.
Business Insider đưa tin trước đó rằng ngay cả khi lạm phát bắt đầu dịu bớt, giá thực phẩm vẫn tiếp tục tăng. Giá các thực phẩm phổ biến như thịt bò và đường tăng cao ngất ngưởng.
Đi ăn tiệm cũng trở nên đắt đỏ khi các nhà hàng tăng giá và cắt giảm khẩu phần để duy trì hoạt động kinh doanh.
Trong khi đó, Giám đốc điều hành WK Kellogg Gary Pilnick và Giám đốc điều hành PepsiCo Ramon Laguarta đang kêu gọi tầng lớp trung lưu Mỹ ăn ngũ cốc cho bữa tối và dùng Doritos làm món ăn phụ để chống lại việc tăng giá.
Chi phí thực phẩm tăng cao có thể sẽ diễn ra trong thời gian dài. Nhưng khi giá thực phẩm đắt cắt cổ trở thành điều bình thường mới, người tiêu dùng buộc phải tìm ra cách để duy trì bữa ăn trên bàn.
WSJ đã thu thập hàng trăm phản hồi của độc giả về cách ứng phó với giá cả tăng cao. Nhiều người cho biết họ đã thực hiện nghiêm ngặt chính sách không ăn ngoài, trong khi những người khác sử dụng phiếu giảm giá khi đi chợ hàng tuần. Mua số lượng lớn để được giá thấp và mua thực phẩm không dễ bị hỏng cũng là một trong các biện pháp.
Một phụ nữ ở Las Vegas cho biết cô và chồng đã chuyển từ việc thường xuyên chế biến những bữa ăn có nhiều nguyên liệu như gà cacciatore sang các món đơn giản hơn, như mì cá ngừ hầm.
“Đó chỉ là mì trứng, cá ngừ đóng hộp, súp nấm kem đóng hộp, hành và tỏi”, Sarah Smith nói với tờ báo. “Tuy không tốt cho sức khỏe nhưng nó vẫn là thức ăn.”
Bernard Brothman, một giám đốc nhân sự đã nghỉ hưu, nói với WSJ rằng ông đã tăng sản lượng cây trồng trong khu vườn của mình để bù cho các sản phẩm mua từ cửa hàng tạp hóa.
Brothman cho biết, ông chi khoảng 200 USD (4,9 triệu VND) cho phân bón và hạt giống. Kết quả là ông tiết kiệm được hàng trăm USD trong chi tiêu cho cửa hàng tạp hóa khi cải xoăn, cà rốt, bí và cà chua do ông trồng đến mùa.
Có người còn quay trở lại những điều cơ bản, dựa vào bản năng săn bắt hái lượm của tổ tiên chúng ta.
Nancy Randall và gia đình sáu người ở Houston của cô tiết kiệm tiền bằng cách tự tìm kiếm thực phẩm. Randall nói với tờ báo rằng họ ăn những con hươu và con cá chính tay mình săn bắt được, thường là 8 con hươu mỗi năm. Sau đó, họ sẽ cấp đông thịt để chế biến dần.
Những người được hỏi khác cho biết họ ứng phó với việc tăng giá bằng cách sử dụng triệt để các ưu đãi giảm giá dành cho người cao tuổi và lập bảng chi tiêu về các đồ dùng tạp hóa và bữa ăn của họ.
Nhịp Sống Thị Trường