CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ: KHÔNG NÓI SUÔNG! (*): Vướng đâu gỡ đó
Một trong những điểm nhấn về cải thiện môi trường đầu tư của TP HCM thời gian qua là mô hình hoạt động của Tổ công tác về đầu tư do chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong làm tổ trưởng.
- 27-04-2021Hơn 1,3 tỷ USD đổ vào 17 dự án khu công nghiệp ở Bắc Ninh
- 27-04-2021Tập đoàn Anh muốn đầu tư 500MW điện mặt trời áp mái tại Đồng Nai trong năm 2021
- 27-04-2021Ninh Thuận xây dựng dự thảo phát triển điện gió biển trong 10 năm tới
Trong 3 năm, kể từ khi thành lập, Tổ công tác về đầu tư đã kết luận hướng dẫn xử lý vướng mắc cho 92 dự án, trong đó 51 dự án bất động sản, 21 dự án liên quan phát triển hạ tầng kỹ thuật, giao thông, 18 nội dung liên quan đến phát triển hạ tầng xã hội, phục vụ người dân và 2 dự án liên quan đến hoạt động sản xuất.
Mô hình "phản ứng nhanh"
Tổ công tác về đầu tư đã tập trung tháo gỡ vướng mắc cho 35 dự án với tổng mức đầu tư hơn 320.000 tỉ đồng, đến nay cơ bản thực hiện xong nội dung chỉ đạo, các khó khăn đã được tháo gỡ, đang triển khai thực hiện các bước đầu tư tiếp theo…
Dự án có vốn đầu tư nước ngoài điển hình được tháo gỡ là của Công ty Lotte Properties HCMC. Tại hội nghị sơ kết hoạt động của Tổ công tác về đầu tư và lấy ý kiến góp ý kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư của TP năm 2021 vừa qua, UBND TP đã trao nghị quyết của Chính phủ cho Công ty Lotte Properties HCMC triển khai dự án Khu phức hợp thông minh - Thủ Thiêm Eco Smart City tại khu chức năng số 2A trong khu đô thị mới Thủ Thiêm với tổng vốn đầu tư 20.100 tỉ đồng. Dự án này hướng đến mục tiêu hình thành và phát triển khu trung tâm tài chính, thương mại - dịch vụ tổng hợp và dân cư đa chức năng.
Việc dự án Eco Smart City được Chính phủ chấp thuận tiếp tục thực hiện là cột mốc quan trọng, cho thấy nỗ lực của chính quyền TP trong việc giải quyết các khó khăn, vướng mắc đối với dự án có vốn đầu tư nước ngoài, góp phần nâng cao môi trường đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội.
Từ năm 2020, dịch Covid-19 đã tác động mạnh đến nền kinh tế, hoạt động của các doanh nghiệp (DN) và nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài. Trong bối cảnh hạn chế đi lại và nhập cảnh giữa các nước, công tác hỗ trợ nhập cảnh cho các nhà đầu tư, chuyên gia và người nước ngoài được TP rất coi trọng, nhằm bảo đảm hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN không bị gián đoạn.
Tháng 5-2020, TP bắt đầu thành lập tổ công tác chuyên trách nhằm rà soát, nắm bắt nhu cầu nhập cảnh từ các DN, qua đó có kế hoạch phân bổ và thực hiện các biện pháp cách ly, phòng chống dịch theo quy định. Như với Hàn Quốc, lãnh đạo UBND TP cho biết từ tháng 6-2020 đến nay, TP đã tạo điều kiện cho 2.117 chuyên gia, kỹ sư, nhà đầu tư, nhà quản lý của các DN nước này và người thân nhập cảnh TP HCM, chiếm gần 11% số trường hợp người nước ngoài được hỗ trợ.
Dự án Khu phức hợp thông minh - Thủ Thiêm Eco Smart City được tiếp tục triển khai nhờ sự nỗ lực của lãnh đạo TP trong giải quyết khó khăn và vướng mắc của nhà đầu tư. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Hàng loạt dự án được tháo gỡ
Từng gặp nhiều khó khăn và mất mấy năm không thể chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho dự án nhà khuôn mẫu kỹ thuật cao tại quận 7 và đã được TP hỗ trợ tháo gỡ xong, ông Nguyễn Văn Trí, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lập Phúc, cho hay với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND TP, thời gian gần đây, các sở - ngành đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện tốt hơn cho DN tiếp cận, hoàn tất các thủ tục liên quan đến hoạt động đầu tư lẫn sản xuất - kinh doanh. "Cán bộ của các sở nhiệt tình tư vấn, hỗ trợ các thủ tục hành chính. Còn nhớ có lần tại một sở, tôi làm xong thủ tục giấy tờ đã 17 giờ, hết giờ làm việc, nhân viên hành chính đã ra về; tôi may mắn gặp anh trưởng phòng hành chính nhiệt tình khởi động máy tính trở lại, đăng nhập hệ thống và giúp hoàn tất quy trình thủ tục" - ông Trí kể và cho biết dự án đã được khởi công xây dựng từ năm 2020, dự kiến cuối năm 2021 sẽ hoàn thiện và đi vào hoạt động từ năm 2022.
"Sở Công Thương và Trung tâm Phát triển Công nghiệp hỗ trợ (trực thuộc sở) đã rất tích cực làm cầu nối cho DN với các sở - ngành khác như Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Quy hoạch Kiến trúc, Cục Thuế… đẩy nhanh tiến độ giải quyết vướng mắc cho DN" - ông Trí cho hay và nói thêm các sở - ngành cũng đã tư vấn, hỗ trợ Công ty TNHH Lập Phúc lập hồ sơ vay vốn theo chương trình kích cầu đầu tư của TP HCM theo Nghị quyết 16 cho dự án này. Kết quả là công ty được TP duyệt cho vay hơn 70 tỉ đồng theo cơ chế bù 100% lãi suất trong vòng 7 năm. "Những cải cách kịp thời trên tinh thần "vì DN phục vụ" của chính quyền TP trong thời gian qua thể hiện quyết tâm hiện thực hóa cam kết đồng hành với DN của lãnh đạo TP, qua đó giúp DN yên tâm đầu tư phát triển sản xuất" - ông Trí nói.
Đại diện Tập đoàn Novaland cho biết DN có hơn 40 dự án đã và đang triển khai tại TP HCM. Trong quá trình phát triển dự án, tập đoàn gặp không ít khó khăn, vướng mắc bởi các chính sách pháp luật liên quan đến quản lý đất đai. Một số dự án ách tắc kéo dài, DN đã nhiều lần gặp gỡ lãnh đạo TP để nêu những vướng mắc, kết quả một vài dự án đã được tháo gỡ, như dự án căn hộ của Novaland ở quận 2 đã được giải quyết cấp sổ hồng. Những dự án khác do tập đoàn phát triển như dự án trên đường Cô Giang (quận 1), dự án ở quận 8... cũng đã được cấp giấy phép triển khai tiếp.
Một chủ đầu tư dự án tại quận 8 có quy mô 1.000 căn hộ cũng vui mừng cho biết đã được sở - ngành TP triển khai sớm các thủ tục để cấp sổ hồng cho cư dân chỉ sau hơn 1 năm bàn giao nhà. "Nếu lãnh đạo, chính quyền TP không hỗ trợ và nhanh chóng triển khai thủ tục, chúng tôi sẽ rất khó khăn trong việc thực hiện cam kết với cư dân" - đại diện chủ đầu tư dự án này chia sẻ.
Theo Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong, cải thiện môi trường cần xuất phát từ chính những khó khăn, vướng mắc của DN, nhà đầu tư trên thực tế với những giải pháp đồng bộ, toàn diện, quyết liệt, giải quyết tới nơi tới chốn. Với quan điểm sự phát triển của DN cũng chính là sự phát triển của TP, ông Phong đã nhiều lần yêu cầu các sở - ngành nâng cao tinh thần trách nhiệm, khẩn trương rà soát các hồ sơ dự án đã tiếp nhận, đẩy nhanh tiến độ giải quyết và trả kết quả hồ sơ cho DN, nhà đầu tư theo đúng thời gian luật định. "Trường hợp có khó khăn do công tác phối hợp liên quan đến nhiều cơ quan khác nhau hoặc do quy định pháp luật chưa rõ ràng, đề nghị các đơn vị phải có văn bản báo cáo ngay với UBND TP để chỉ đạo giải quyết, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng "ngâm" hồ sơ, nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người đến liên hệ giải quyết thủ tục" - Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
Tổn thất lớn
Ông Nguyễn Minh Khang, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư LDG, cho rằng việc các dự án tại TP HCM ách tắc vì thủ tục, pháp lý kéo dài thời gian triển khai dự án cho các DN là một tổn thất lớn cho TP. Bởi khi dự án tại TP HCM chậm, các DN phải vận động và triển khai các dự án ở các địa phương khác. Đặc biệt, nguồn cung nhà ở tại TP sẽ khan hiếm, cơ sở hạ tầng cũng không thể đẩy nhanh, nguồn thu thuế và các hoạt động liên quan cũng chậm trễ...
Phải minh bạch, rõ ràng
Chuyên gia kinh tế, tiến sĩ Huỳnh Trung Minh
Điều cần cải thiện nhất của TP HCM là thủ tục hành chính, nhất là đối với những nhà đầu tư, DN làm ăn đàng hoàng họ luôn mong muốn sự minh bạch, rõ ràng. Thời gian qua, dù thủ tục hành chính của các sở, ban, ngành, cơ quan nhà nước trên địa bàn TP đã có sự cải thiện theo hướng tích cực nhưng trong quá trình nói chuyện với các DN, họ vẫn than phiền nhiều nhất về thủ tục hành chính, xin giấy phép, làm hồ sơ... ở cơ quan nhà nước. Nếu không "biết điều" sẽ khó được nhanh chóng, đúng hạn. Thực tế đây là sự nhũng nhiễu, gây khó khăn cho DN, nhà đầu tư, cần tiếp tục phải thay đổi.
Chuyên gia kinh tế, tiến sĩ Huỳnh Trung Minh
Thời gian qua, một số địa phương trên cả nước nổi tiếng trong thay đổi thủ tục hành chính, tạo thông thoáng, đột phá về môi trường đầu tư, trong khi TP lại đang có dấu hiệu chậm lại, thiếu sự bứt phá, thiếu sự quyết tâm. Dù TP đã được thông qua cơ chế đặc thù tại Nghị quyết 54 nhưng dường như chưa đủ, đặc thù nhưng vẫn thường xuyên phải gửi văn bản hỏi ý kiến bộ, ngành, hỏi Thủ tướng Chính phủ với những dự án trọng điểm phát sinh vướng mắc trên địa bàn... Nếu đã là cơ chế đặc thù, cần khung pháp lý rõ ràng cho chính quyền TP được quyền tự quyết với mục tiêu lớn nhất là đột phá về cơ chế, môi trường đầu tư, để thu hút thêm nhiều nhà đầu tư, DN trong và ngoài nước.
Nếu không, khi một trục trặc nào đó xảy ra với một số dự án trọng điểm, như trong lĩnh vực bất động sản chẳng hạn, một vấn đề phát sinh với DN hoặc dự án nào đó là các DN khác, dự án khác cũng bị "vạ lây", phải tạm ngừng đồng loạt không thể triển khai...
Thái Phương ghi
(*) Xem Báo Người Lao Động ra từ ngày 26-4
Người lao động