MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cần bao nhiêu tiền để 'lột xác' Cảng hàng không Phù Cát?

Đơn vị tư vấn đề xuất phương án phát triển Cảng hàng không Phù Cát (tỉnh Bình Định) về phía Nam, xây dựng nhà ga hành khách T3... Chi phí đầu tư xây dựng dự kiến khoảng 13.993 tỷ đồng.

Cục Hàng không Việt Nam đang lấy ý kiến Dự thảo hồ sơ điều chỉnh Quy hoạch Cảng hàng không (CHK) Phù Cát giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

"Lộ" nhiều bất cập

CHK Phù Cát, trước đây là sân bay Phù Cát (thuộc xã Cát Tân, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định), được Mỹ xây dựng từ những năm 1960 - 1970.

Hiện, nhà ga hành khách T1 CHK Phù Cát được cấp phép đưa vào khai thác vào năm 2018 với năng lực là 1.500.000 hành khách/năm; nhà ga hành khách T2 được cấp phép đưa vào khai thác vào năm 2019 với năng lực 600.000 hành khách/năm. CHK Phù Cát không có nhà ga hàng hóa riêng, sử dụng nhà ga hành khách để làm khu vực xử lý hàng hóa.

Trong giai đoạn đến năm 2020, CHK Phù Cát được quy hoạch là cảng hàng không cấp 4C (theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế - ICAO), sân bay quân sự cấp I với công suất 1,2 - 1,5 triệu hành khách/năm, 5.000 tấn hàng hóa/năm. CHK này có 7 vị trí đỗ tàu bay với loại máy bay khai thác là: A320, A321 và tương đương.

Giai đoạn năm 2030, Phù Cát là cảng hàng không cấp 4E, sân bay quân sự cấp I; công suất 4 triệu hành khách/năm, 50.000 tấn hàng hóa/năm. CHK đến thời điểm này sẽ có 12 vị trí đỗ tàu bay, loại máy bay khai thác là các loại tàu bay code E trở xuống như: B777, A320, A321 và tương đương.

Thời điểm hiện tại, CHK Phù Cát cơ bản đã hoàn thành được các hạng mục công trình chính giai đoạn quy hoạch đến năm 2020.

Cần bao nhiêu tiền để 'lột xác' Cảng hàng không Phù Cát? - Ảnh 1.

Nhà ga hành khách T1 CHK Phù Cát chuyên phục vụ hành khách các chuyến bay nội địa. Ảnh: H.T

Theo đó, các hạng mục công trình thực hiện theo quy hoạch đã phát huy tác dụng, góp phần nâng cao năng lực vận chuyển của CHK Phù Cát, đáp ứng nhu cầu vận chuyển tăng rất nhanh trong những năm gần đây.

Tuy nhiên, so với nhu cầu phát triển thực tế, vẫn còn một vài điểm bất cập. Cụ thể, hệ thống đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ tàu bay được xây dựng từ trước giải phóng, qua các thời kỳ đã được cải tạo sửa chữa đáp ứng điều kiện khai thác hàng không dân dụng.

Cùng với đó, việc khai thác tàu bay A320/321 vẫn phải giảm tải theo tính toán. Cho đến nay, đường cất hạ cánh vẫn chỉ được sửa chữa tạm thời, do đó, cần nhanh chóng cải tạo sửa chữa cơ bản để đảm bảo an toàn khai thác và đảm bảo đủ điều kiện cải tạo nâng cấp sau này theo quy hoạch.

Chưa hết, quy hoạch vị trí khu nhà xe ngoại trường và khu khẩn nguy cứu hỏa chưa thực sự hợp lý, ảnh hưởng khả năng phát triển các công trình khác. Sân đỗ ô tô, đường nội bộ khu hàng không dân dụng chưa được xây dựng đầy đủ, đồng bộ cùng nhà ga hành khách. Khu cấp nhiên liệu, các công trình dịch vụ hàng không, phi hàng không khác… chưa được xây dựng theo quy hoạch được duyệt.

Đáng chú ý, dự báo công suất của CHK Phù Cát còn thấp, chưa phù hợp với tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh Bình Định và tốc độ tăng trưởng thực tế, cũng như dự báo phát triển của vận tải hàng không trên địa bàn…

Sẽ xây dựng mới nhà ga T3

Thời gian qua, CHK Phù Cát đã có sự tăng trưởng rất nhanh, nhiều hạng mục công trình chính bị quá tải và lượng khai thác thực tế vượt xa so với dự báo (sản lượng khai thác năm 2019 đạt 1,575 triệu hành khách, 2.705 tấn hàng hoá; năm 2022 đạt 2,362 triệu hành khách, 905 tấn hàng hoá).

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống CHK, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, giai đoạn đến năm 2030, CHK Phù Cát là sân bay cấp 4C, công suất đạt 5 triệu hành khách/năm; giai đoạn định hướng đến năm 2050 là cảng hàng không cấp 4C, công suất 7 triệu hành khách/năm.

Trong dự thảo điều chỉnh Quy hoạch CHK Phù Cát giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đề xuất nhiều phương án trong việc quy hoạch các công trình hàng không dân dụng của CHK Phù Cát.

Cần bao nhiêu tiền để 'lột xác' Cảng hàng không Phù Cát? - Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát thực địa tại CHK Phù Cát hồi đầu tháng 2. Ảnh: T.S

Trong đó, đơn vị tư vấn đề xuất phương án phát triển khu hàng không dân dụng về phía Nam trên khu đất quốc phòng chuyển mục đích sử dụng sang đất hàng không dân dụng.

Giai đoạn đến năm 2030, di chuyển các công trình quân sự trên khu đất phía Nam nhà ga hành khách rộng 76.69 ha để xây dựng khu hàng không dân dụng. Điều chỉnh vị trí xây dựng sân đỗ trực ban sẵn sàng chiến đấu và các công trình phụ trợ (nhà trực, phục vụ kỹ thuật...) diện tích khu đất khoảng 29.8 ha.

Bên cạnh đó, giữ nguyên nhà ga T1 hiện hữu (có công suất 1,5 triệu hành khách/năm); nhà ga T2 hiện hữu chuyển đổi thành nhà ga hàng hóa đáp ứng công suất 12.000 tấn hàng hóa/năm; xây dựng nhà ga hành khách T3, công suất 3,5 triệu hành khách mỗi năm. Tổng công suất toàn cảng đạt 5 triệu hành khách/năm.

Đến năm 2050, mở rộng nhà ga hành khách T3 đạt công suất thiết kế 7 triệu hành khách mỗi năm; tiếp tục khai thác, sử dụng nhà ga T1, T2 hiện hữu theo nhu cầu.

Theo đơn vị tư vấn, phương án này có ưu điểm là các công trình được quy hoạch đồng bộ đáp ứng mục tiêu quy hoạch; đảm bảo công suất theo quy hoạch được duyệt, có thể mở rộng để phát triển; thuận lợi khi thi công, hạn chế ảnh hưởng đến nhà ga đang khai thác…

Nhưng phương án cũng có hạn chế là ảnh hưởng đến hiện trạng, quy hoạch các công trình quốc phòng tại sân bay; chi phí đầu tư xây dựng lớn; phát sinh thêm khối lượng di dời, xây dựng hoàn trả các công trình quân sự hiện có trên đất quốc phòng dự kiến thu hồi; không sử dụng được hạ tầng có sẵn của khu quân sự do không phù hợp với khai thác hàng không dân dụng.

Thêm vào đó, thủ tục, thời gian thu hồi và chuyển đổi mục đích sử dụng đất quốc phòng kéo dài; chưa thể triển khai đầu tư các công trình hàng không dân dụng trên đất quân sự chuyển đổi do phải bảo đảm hoạt động bình thường của khu quân sự…

Dù vậy, đơn vị tư vấn đề xuất lựa chọn phương án này. Theo tính toán, chi phí đầu tư xây dựng dự kiến khoảng 13.993 tỷ đồng; trong đó, giai đoạn từ 2021 - 2030 khoảng 7.685 tỷ đồng, giai đoạn đến 2050 cần  khoảng 6.308 tỷ đồng.

Đơn vị tư vấn cũng cho rằng, trong phần tính toán kinh phí đền bù, di dời, giải phóng mặt bằng, số liệu là tạm tính do còn nhiều thông tin cần xác thực rõ, nhất là khối lượng và chi phí để di chuyển các công trình thuộc khu quân sự tại CHK Phù Cát.

Theo Nguyễn Tri

Nhà đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên