MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cận cảnh khoá đào tạo được săn đón nhất nhì thế giới: Chỉ nhận học viên bằng nửa Harvard nhưng đầu ra có những người trở thành thủ tướng Anh, người giàu nhất châu Á và cả nữ tướng ngành ô tô

11-04-2023 - 21:00 PM | Tài chính quốc tế

Cận cảnh khoá đào tạo được săn đón nhất nhì thế giới: Chỉ nhận học viên bằng nửa Harvard nhưng đầu ra có những người trở thành thủ tướng Anh, người giàu nhất châu Á và cả nữ tướng ngành ô tô

Những tưởng đây sẽ là một khoá học yêu cầu chuyên môn cao, học viên lại được huấn luyện những kỹ năng vô cùng đặc biệt dành cho những nhà lãnh đạo thế kỷ 21.

Trường Graduate School of Business (GSB) của Đại học Stanford là nơi luôn khuyến khích sinh viên mơ những giấc mơ lớn. Khi cựu sinh viên Rishi Sunak thuộc khoá 2006 của trường trở thành thủ tướng Anh trẻ tuổi nhất lịch sử, chủ nhiệm khoa đã đón nhận tin tức này như một lẽ dĩ nhiên.

GSB tự hào cung cấp chương trình MBA tinh hoa nhất thế giới. Lớp học có tổng cộng 420 sinh viên, ít hơn một nửa so với khoá đào tạo MBA của Harvard Business School.

Mặc dù không phải sinh viên nào tốt nghiệp cũng trở thành những lãnh đạo cấp cao, họ có thể theo gót cựu học viên Mukesh Ambani – người đàn ông giàu nhất châu Á, hoặc “nữ tướng” ngành ô tô Mary Barra của General Motors.

Điều này biến GSB trở thành nơi lý tưởng để hướng đến công việc quản trị trong tương lai. Bằng chứng rõ ràng nhất chính là các khoá đầy ắp học viên. Tại đây, những ông chủ bà chủ tương lai dành thời gian để chia sẻ về những điều quan trọng đối với sự nghiệp của họ. Và những điều đó sẽ xác định cách thức điều hành những công ty thành công nhất thế giới.

Đào tạo quản trị liên quan đến việc đọc các nghiên cứu tình huống (case study), nghiền ngẫm các báo cáo tài chính và tạo những bảng thống kê phức tạp. Giống như mọi chương trình MBA khác, GSB có các lớp về kế toán, tài chính và mô hình máy tính bắt buộc phải hoàn thành trong 2 học kỳ đầu tiên của hành trình tổng cộng 6 học kỳ.

Tuy nhiên, khi nhìn vào 3 lớp học nổi tiếng nhất của GSB, một bức tranh đào tạo các lãnh đạo thế kỷ 21 thú vị hơn sẽ xuất hiện. Cả ba lớp học này không yêu cầu khả năng tính toán thần tốc. Thay vào đó, trường hướng tới mục đích trau dồi cho học viên sự kiên định trong nội tâm lẫn trong ngoại giao. Các sinh viên dường như đều công nhận rằng không phải kỹ thuật chuyên môn mà chính những kỹ năng mềm này sẽ quyết định thành công của họ.

Cận cảnh khoá đào tạo được săn đón nhất nhì thế giới: Chỉ nhận học viên bằng nửa Harvard nhưng đầu ra có những người trở thành thủ tướng Anh, người giàu nhất châu Á và cả nữ tướng ngành ô tô - Ảnh 1.

Khuôn viên trường

Lớp đầu tiên có tên là “Con đường dẫn đến Quyền lực”. Dòng mở đầu của đề cương môn học nhấn mạnh rằng chính sự thiếu nhạy cảm và kỹ năng giải quyết tình huống đã khiến nhiều người tài mất đi cơ hội thăng tiến, thậm chí là mất cả công việc của họ. Vì thế, mục tiêu của lớp học này là để đảm bảo học viên không bị “mất ghế” một cách lãng phí.

Học viên được dạy rằng cách để duy trì quyền lực là tránh “vẽ đường” cho người kế nhiệm. Những khoá đào tạo MBA “bắt trend” rất sát với những sự kiện thực tế. Sau một bài giảng, sinh viên đã nhận ra rằng cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tự tạo đối thủ cho mình khi tán thành cho ông Ron DeSantis làm thống đốc Florida vào năm 2018. Vậy làm thế nào để đề phòng những đối thủ nhiều mưu mô? Đó là nắm giữ nhiều vai trò trong một tổ chức.

Nếu lớp học thứ nhất huấn luyện các nhà lãnh đạo tương lai giải quyết đối thủ từ bên ngoài, thì lớp “Cảm xúc và Trực giác” hướng họ nhìn vào hình ảnh của chính mình trước công chúng.

Môn học được cho là nổi tiếng nhất của GSB đã có khoảng nửa thế kỳ nay. Mục đích của nó là giúp học viên đánh giá cách họ tiếp xúc với người khác có phải cách họ muốn được đối xử hay không. Phần lớn thời gian của lớp học sẽ là những buổi trò chuyện theo nhóm 12 người và một buổi thư giãn cuối tuần.

Chủ đề thảo luận trong lớp học này là không giới hạn. Họ có thể kể về tình trường, về sức khoẻ tinh thần, định hướng nghề nghiệp… Học viên được hướng dẫn quan sát hành vi của bạn bè xung quanh, từ biểu hiện cảm xúc đến kỹ năng giải quyết vấn đề.

Cận cảnh khoá đào tạo được săn đón nhất nhì thế giới: Chỉ nhận học viên bằng nửa Harvard nhưng đầu ra có những người trở thành thủ tướng Anh, người giàu nhất châu Á và cả nữ tướng ngành ô tô - Ảnh 2.

Hình ảnh minh hoạ

Đỉnh điểm của khoá học là một hoạt động khiến nhiều người… rơi nước mắt. Các sinh viên được yêu cầu xếp thành hàng theo mức độ ảnh hưởng của bản thân. Những ai thuyết phục được người khác về sự thông minh của bản thân có thể chen nhau vị trí đầu hàng. Những người xếp cuối hàng có thể cảm thấy chạnh lòng.

Tuy nhiên, trong bài tập khó khăn này, học viên có cơ hội khám phá bản thân. Chỉ khi biết được điểm yếu của mình, họ mới có thể hành động để giảm thiểu chúng. Đối với một số học viên, họ sẽ học cách nói năng rõ ràng hơn, học cách bớt cau mày và mỉm cười nhiều hơn.

Lớp học thứ ba là “Quản lý các Doanh nghiệp đang phát triển”. Trọng tâm của lớp học này là đối phó với các tình huống nhạy cảm mà nhiều nhà quản trị thường mắc sai lầm. Chẳng hạn như làm thế nào để sa thải một ai đó? Làm thế nào để bạn từ chối lời khuyên không hữu ích từ một nhà đầu tư lớn? Làm thế nào để bạn trả lời một nhà báo tọc mạch?

Lớp học sẽ bao gồm hoạt động nhập vai. Một số ít sinh viên sẽ được gọi ngẫu nhiên vào mỗi buổi để thực hiện xử lý những tình huống giả định như vậy. Giáo sư và các sinh viên khác có thể đưa ra phản biện.

Mặc dù đào tạo rất nhiều kỹ năng, vẫn có những tố chất của một người lãnh đạo mà tự thân học viên phải phát triển mà không có khoá đào tạo nào có thể dạy được.

Tham khảo: The Economist

Thiên Di

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên