MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cần có các vùng kinh tế đặc biệt để phát triển kinh tế quốc gia bền vững

Chiều nay 25/5, kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV bước vào phiên thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội và quyết toán ngân sách năm 2015.

Đại biểu Phạm Phú Quốc, Tổng giám đốc SCIC Tp. Hồ Chí Minh mở đầu phiên thảo luận tại tổ.

Theo đại biểu, GDP năm 2016 phụ thuộc nhiều vào các yếu tố cấu thành trong đó có công nghiệp khoáng sản dầu thô; dựa vào các gói kích kinh tế và vấn đề ngoại thương.

Kinh tế Việt Nam thiếu chủ động để hướng tới nền kinh tế độc lập, chủ động với 96 triệu dân. Các nước phát triển có quan hệ ngoại thương nhiều với nước ta lại có chính sách bảo hộ thương mại, vì thế ngoại thương lâu dài sẽ bị ảnh hưởng. Và đại biểu cho rằng, việc tính toán chất lượng GDP cần phải tính đến tính độc lập của nền kinh tế bao gồm kinh tế nhà nước và kinh tế tư nhân.

Đại biểu phân tích tiếp, quý 1/2016 tăng trưởng 5,48% nhưng cả năm chỉ tăng 6,21%. GDP quý 1 luôn có sự liên đới với cả năm. Quý 1 năm nay chỉ tăng 5,1%, với dự báo IMF lạc quan là Việt Nam sẽ tăng 6,5%, tương tự như ADB. Nhưng với những khó khăn hiện hành, đại biểu dự đoán tăng trưởng cả năm chỉ đạt 6,3%.

Để đảm bảo tăng trưởng bền vững, đại biểu kiến nghị:

Thứ nhất, cần tạo môi trường thông thoáng hơn để kêu gọi đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nền kinh tế phát triển.

Thứ hai, ít phụ thuộc vào một số thị trường lớn, nên phân bổ ra kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân, kinh tế nhà nước.

Thứ ba, mời gọi FDI theo định hướng, tức là có định hướng ưu tiên ngành nào đó, và đặc biệt phải gắn với bảo vệ môi trường. Cần hình thành các quỹ bằng các dòng tiền lớn có thể đầu tư và tái đầu tư được song hành với hạn chế FDI và ODA (bản chất ODA phí rất cao).

Về phát triển kinh tế tư nhân, Chính phủ đã ra nghị quyết, chiến lược là phát triển kinh tế, tập đoàn, nhưng phải có hành động cụ thể, phải cùng các tập đoàn kinh tế không phân biệt tư nhân, nhà nước. Nếu có tiềm lực thì tăng thêm năng lực cho các tập đoàn Nhà nước để nâng tầm cho nền kinh tế.

Đại biểu cũng cho rằng, cộng đồng DNNVV chúng ta đã có luật, nhưng cộng đồng DN và nền kinh tế rất cần các tập đoàn kinh tế vững chắc. Khi cả cộng đồng phát triển thì ngân sách quốc gia sẽ có điều kiện tăng thu. Đại biểu nhấn mạnh việc phải hình thành trung tâm kinh tế để nâng tầm thứ hạng quốc gia. Từ việc có được trung tâm tài chính mới có thể lành mạnh hóa về mặt tài chính để doanh nghiệp phát triển.

Đại biểu cũng đề xuất cần sớm hình thành các bộ luật liên quan cho các đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt như là Phú Quốc, Vân Đồn…Kiến nghị Quốc hội sớm ban hành cơ chế đặc biệt cho các khu vực kinh tế.

Về cơ cấu lại DNNN, cần đẩy mạnh cơ cấu lại, làm sao để các cơ quan này hoạt động đúng yêu cầu đặt ra. Điều đó đòi hỏi các đơn vị này phải có bộ máy nhân sự thấu hiểu về kinh tế thị trường, vận hành hiệu quả nguồn vốn được giao, bảo toàn nguồn vốn của Nhà nước.

Cuối cùng đại biểu nhấn mạnh cơ chế các doanh nghiệp Nhà nước tự vay tự trả trên thị trường quốc tế mà không động đến nợ công là cánh tay nối dài của ngân sách địa phương và nền kinh tế. (Ông lấy ví dụ TP.HCM ngày hôm qua mưa có 2 tiếng nhưng ngập lụt, câu hỏi đặt ra là lấy nguồn vốn đâu để cải tạo hạ tầng. Nếu có chính sách huy động vốn độc lập thì dễ hơn nhiều). Đại biểu khẳng định đây là lối ra cho việc phát triển kinh tế vững bền.

Tùng Lâm – Dũng Trần

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên