Cần có trung tâm dữ liệu bất động sản để xác định giá đất sát thị trường
Theo chuyên gia, để xác định giá đất tiệm cận với giá thị trường cần phải có dữ liệu thị trường bất động sản, thông qua trung tâm đăng ký về đất đai, nhà ở.
- 09-05-2023Nhức nhối nhà ở xã hội: "Số dự án được cấp phép mới đếm trên đầu ngón tay, trong khi nhu cầu rất lớn"
- 07-05-2023Chuẩn bị lên phố, các huyện Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức đấu giá đất: Giá khởi điểm cao nhất lên tới hơn 71 triệu đồng/m2
- 07-05-2023UBND tỉnh ủy quyền cho UBND huyện quyết định giá đất cụ thể
Tại Tọa đàm: "Tháo gỡ những điểm nghẽn cho thị trường bất động sản năm 2023" do Báo Tiền Phong tổ chức, ông Trần Xuân Lượng, Tiến sĩ chuyên ngành Bất động sản, Đại học Kinh tế Quốc dân hoan nghênh nhà nước đã rất nỗ lực đưa ra các giải pháp, chính sách tháo gỡ cho thị trường bất động sản thời gian qua.
Tuy nhiên, theo ông Lượng đây mới chỉ là giải pháp ngắn hạn, như cơn gió mát làm dịu đi tình hình thị trường. Còn giải pháp căn cơ, dài hạn theo ông Lượng ngoài cải cách Luật, thể chế thì cần phải cải cách Bộ máy tổ chức.
Đồng thời, phải xây dựng bằng được trung tâm dữ liệu bất động sản quốc gia để quản lý giao dịch đất đai, bất động sản.
Theo ông Lượng, tất cả các Nghị quyết, Nghị định, chính sách, quy hoạch, định giá, bồi thường… đều phải dựa vào dữ liệu của thị trường. Vậy làm thế nào để có được dữ liệu thị trường? Nếu không có dữ liệu thị trường thì sẽ không thể đưa ra những chính sách chính xác và sát với thị trường được.
Để xác định giá đất sát thị trường, ông Lượng cho rằng cần có cơ quan thẩm định độc lập để xác định giá đất và phải có bộ dữ liệu chuẩn để định giá đất. Muốn xác định giá đất tiệm cận được thị trường thì cần phải có dữ liệu của thị trường.
"Trước giai đoạn 2006, chúng ta bắt buộc giao dịch BĐS phải qua sàn. Từ 2014 đến nay thì bỏ quy định này. Đây là kênh dữ liệu rất quan trọng. Đến nay dữ liệu về BĐS gần như bằng 0. Để có được dữ liệu thị trường BĐS, cần có trung tâm đăng ký về đất đai về nhà ở. Trung tâm này có thể xã hội hóa, hoặc như là một dịch vụ công của nhà nước. Tất cả các giao dịch về đất đai, nhà ở người dân phải tự khai báo", ông Lượng phân tích.
Theo ông Lượng, từ việc có dữ liệu sạch, chúng ta sẽ đề ra những quyết sách, chính sách đúng và trúng. Từ dữ liệu sạch mới có được quy hoạch sạch, có được giá đất tiệm cận thị trường, có được giá đất tiệm cận thị trường sẽ bồi thường thỏa đáng, bồi thường thỏa đáng mới không có tranh chấp, khiếu kiện, không có biểu tình.
Ngoài ra, từ giá đất chuẩn sẽ đánh thuế chuẩn, thu được tiền sử dụng đất chuẩn, tiền cho thuê đất chuẩn và thu ngân sách tối đa. Từ đó sẽ tái đầu tư cho lợi của cộng đồng.
Theo thống kê, tính đến tháng 2/2023 cả nước có hơn 1.000 dự án vướng thủ tục pháp lý. Trong đó, TP HCM có khoảng 116 dự án và TP Hà Nội có khoảng 140 dự án vướng pháp lý. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp gặp sức ép khi không có nguồn thu, dự án có nhưng không thể triển khai vì rào cản pháp lý. Báo cáo của Bộ Xây dựng mới đây cho biết, nhiều dự án gặp khó khăn, vướng mắc, triển khai chậm do quy định về phương pháp định giá đất rất khó xác định đâu là giá "thị trường" (chiếm trên 50% vướng mắc của các dự án) do cơ quan chức năng e ngại, sợ trách nhiệm gây thất thoát nếu định giá thấp hơn thị trường; nhiều trường hợp định giá cao hơn nhiều giá giao dịch thực tế gây khó khăn cho doanh nghiệp triển khai thực hiện.
Tiền phong