Căn cước công dân gắn chíp sẽ tích hợp giấy phép lái xe, thẻ ngân hàng
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành phối hợp với Bộ Công an tích hợp thông tin đăng ký ô tô, giấy phép lái xe, thẻ ngân hàng... với căn cước công dân để tạo thuận lợi cho người dân trong giao dịch.
- 28-02-2022Được dùng căn cước công dân gắn chíp thay cho thẻ BHYT
- 05-01-2022Không đổi thẻ Căn cước công dân khi hết hạn bị xử phạt như thế nào?
- 16-11-2021Cấp Căn cước công dân gắn chíp trên xe buýt tại Hà Nội
Đây là một trong những nội dung tại Thông báo 62/TB-VPCP ngày 01/3/2022 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 do Văn phòng Chính phủ ban hành.
Cụ thể, về các nhiệm vụ liên quan đến triển khai dịch vụ công trực tuyến, kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
- Các bộ, ngành, địa phương khẩn trương đẩy mạnh:
+ Triển khai các dịch vụ công trực tuyến, tập trung triển khai 25 dịch vụ công thiết yếu tại Đề án để phục vụ người dân và doanh nghiệp, bảo đảm hoàn thành trong 6 tháng đầu năm 2022;
+ Phối hợp với Bộ Công an triển khai tích hợp các giấy tờ công dân (bao gồm: tích hợp thông tin thẻ Bảo hiểm y tế, Giấy đăng ký xe ô tô; Giấy phép lái xe, thẻ ngân hàng…) để sử dụng thẻ Căn cước công dân và ứng dụng VNEID, tạo thuận lợi cho người dân trong các giao dịch;
+ Phối hợp với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông chuẩn bị nền tảng, kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành, nhất là các cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp, thuế, hải quan, ngân hàng, giấy phép lái xe, bảo hiểm, y tế, giáo dục, tiếp theo là cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia và chứng khoán.
Trong đó, những cơ quan chưa có hạ tầng công nghệ thông tin hoặc hạ tầng công nghệ thông tin chưa bảo đảm thì nghiên cứu, sử dụng chung hạ tầng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để bảo đảm tiết kiệm, đồng bộ, hiệu quả.
- Bộ Tư pháp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc, cơ sở dữ liệu an sinh xã hội, y tế, thông tin vắc-xin, xét nghiệm COVID-19, Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo đảm xác thực chính xác thông tin.
- Bộ Công an khẩn trương:
+ Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương cập nhật cơ sở dữ liệu dùng chung về người dân, trên cơ sở Luật Căn cước công dân và Luật Cư trú năm 2020, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành;
+ Xây dựng, phát triển hệ thống và cấp định danh phương tiện, động sản, bất động sản, triển khai các dịch vụ chia sẻ dữ liệu để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội;
+ Phối hợp với các bộ, ngành chưa có hệ thống công nghệ thông tin hoặc đang quyết định đầu tư xây dựng, chủ động cập nhật dữ liệu vào hệ thống dân cư, sau khi các cơ quan, đơn vị có hạ tầng thì chuyển bàn giao.