Cần đánh giá toàn diện đề xuất tăng giờ làm thêm
Các đại biểu Quốc hội có nhiều ý kiến khác nhau về đề xuất tăng giờ làm thêm tối đa theo đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH.
- 01-05-2019Sửa đổi Bộ luật Lao động: 15 tuổi có thể được làm thêm giờ?
- 02-06-2017Gần 50% người lao động không muốn làm thêm giờ
- 16-07-2015Làm thêm giờ được "nới lỏng" 300 giờ/năm, doanh nghiệp vẫn than "khó"
“Đa số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đồng ý mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa từ 300 giờ lên 400 giờ , trên cơ sở nguyên tắc thỏa thuận. Tuy nhiên, chỉ áp dụng đối với một số ngành, nghề và cần trình QH danh mục những ngành, nghề được làm thêm tối đa 400 giờ/năm…”.
Đó là báo cáo của Tổng thư ký QH về tổng hợp ý kiến của các ĐBQH tại phiên thảo luận tổ kỳ họp thứ 7, QH khóa XIV, liên quan đề xuất mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm việc tối đa trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi).
Phải có danh mục ngành, nghề được tăng giờ làm thêm
Báo cáo cũng nêu rõ có ý kiến ĐBQH đề nghị chỉ mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa đến mức 350-360 giờ.
Nhiều ý kiến đề nghị giữ như quy định hiện hành, không mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa vì thời giờ làm việc bình thường của người lao động (NLĐ) ở nước ta còn cao hơn so với các nước. Do đó, đề nghị Chính phủ cần quy định chi tiết về điều kiện tổ chức làm thêm giờ nhằm bảo đảm sức khỏe cho NLĐ, không được huy động NLĐ làm thêm giờ liên tục trong một khoảng thời gian và phải bố trí thời gian nghỉ giải lao hợp lý.
Bên cạnh đó, phân tích kỹ những lợi ích khi tăng giờ làm thêm đối với NLĐ (thu nhập tăng thêm, bữa ăn ca, giảm chi phí sinh hoạt ở nhà) và người sử dụng lao động (tận dụng được nguồn nhân lực có tay nghề, không phải tuyển dụng lao động mới, giảm thiểu chi phí về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế, các chi phí quản lý khác...). Đồng thời, lấy ý kiến rộng rãi về nội dung này để giải trình thuyết phục và phù hợp với thực tiễn.
Một số ý kiến đề nghị cân nhắc nên quy định trả lương lũy tiến khi làm thêm giờ, không áp dụng tăng giờ làm thêm đối với khu vực công vì hiện nay đang thực hiện khoán kinh phí tránh lãng phí ngân sách.
Một số ý kiến đề nghị cần nghiên cứu, bổ sung quy định ràng buộc để bảo đảm tính khả thi của cơ chế thỏa thuận vì NLĐ luôn yếu thế, không có cơ hội để đàm phán. Nhưng có ý kiến đề nghị bổ sung vai trò, trách nhiệm của tổ chức đại diện NLĐ khi thỏa thuận về làm thêm giờ…
Công nhân lao động nặng nhọc là đối tượng được QH xem xét cẩn thận trước đề xuất tăng giờ làm thêm. Ảnh: HUỲNH TRƯỜNG GIANG
Đề xuất hai phương án mới về tiền lương ngày lễ
Về tiền lương làm thêm giờ, có một số ý kiến đồng ý với quy định của dự án Bộ luật Lao động (tiền lương làm thêm giờ phải cao hơn tiền lương giờ làm việc tiêu chuẩn, ít nhất bằng 150% nếu làm thêm giờ vào ngày thường, 200% nếu làm việc vào ngày nghỉ hằng tuần và 300% nếu làm việc vào ngày nghỉ lễ, tết. Việc trả lương lũy tiến cao hơn mức trên thì do hai bên thỏa thuận).
Nhưng cũng nhiều ý kiến đề nghị phải quy định có điều kiện và phải nghiên cứu để xây dựng phương án trả lương lũy tiến tiền lương làm thêm giờ nhằm bảo vệ NLĐ và để người sử dụng lao động cân nhắc hài hòa hơn khi quyết định tổ chức làm thêm giờ.
Nhiều ý kiến đề nghị cần đánh giá tác động toàn diện về sức khỏe, tuổi thọ, thực chất nhu cầu làm thêm của NLĐ, năng suất lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động, cơ hội việc làm của lao động trẻ, việc sa thải lao động lớn tuổi… nhất là với lao động nữ. |
Có ý kiến đề nghị từ 200 giờ trở xuống thì trả lương như hiện hành, từ giờ thứ 201 trở lên thì phải lũy tiến, từ giờ thứ 301 thì mức lũy tiến phải cao hơn nữa. Cũng có ý kiến đề nghị đối với tiền lương làm thêm giờ từ giờ thứ 301 trở đi phải được quy định trong thỏa ước lao động tập thể hoặc do quá trình thương lượng tập thể quyết định.
Tuy nhiên, có ý kiến ĐB đề xuất hai phương án mới. Cụ thể, phương án 1 đối với ngày thường là 150% cho 2 giờ đầu, 2 giờ tiếp theo là 200% và tịnh tiến ở các giờ tiếp theo. Đối với ngày nghỉ hằng tuần tính 2 giờ đầu là 200%, 3 giờ tiếp theo là 250% và 300% cho giờ tiếp theo. Đối với ngày nghỉ lễ là 300% cho 2 giờ đầu và 350% cho giờ thứ ba và 400% cho giờ thứ tư.
Phương án 2, ngày thường tăng 250%; ngày nghỉ hằng tuần là 300% và ngày nghỉ lễ, nghỉ tết là 400%.
“Có ý kiến ĐB đề nghị cân nhắc quan điểm trả lương lũy tiến làm thêm giờ vì sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ…” - Tổng thư ký Quốc hội thông tin.
“Công nhân không có nhu cầu đi làm quần quật”
Trước đó, bàn về đề xuất tăng thời gian giờ làm thêm, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) cho rằng việc tăng giờ làm thêm có hai mặt. Nhưng theo nữ ĐB, xét bản chất vấn đề và sự tiến bộ của xã hội, việc đặt ra vấn đề tăng giờ làm thêm có vẻ như đi ngược lại vấn đề của xã hội.
Hiện công nhân không có nhu cầu làm thêm nhưng vì lương thấp phải làm thêm để trang trải cuộc sống. “Ai cũng có nhu cầu hưởng thụ, giải trí, chăm lo con cái. Chứ không phải có nhu cầu đi làm quần quật như vậy, một ngày làm đến mười mấy tiếng như vậy. Xét trên một khía cạnh nào đó thì QH làm sao để người công nhân làm ít giờ nhưng tiền lương và thu nhập tăng lên…” - ĐB TP.HCM nêu quan điểm.
Theo đó, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng nên tạo điều kiện để NLĐ có thời gian tái tạo sức lao động. Và điều đó có lợi cho công nhân lẫn người sử dụng lao động.
Pháp luật TPHCM