Cần đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt các quy hoạch cấp quốc gia mang tính cấp thiết
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành. Ảnh: TTXVN
Đoàn giám sát của Quốc hội đề nghị cần ưu tiên đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt các quy hoạch cấp quốc gia mang tính cấp thiết như giao thông, điện lực, thủy lợi...
- 30-05-2022Loạt dự án đô thị ở Quảng Nam trễ hẹn do vướng mặt bằng
- 30-05-2022Gần 148 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công thực hiện 5 tháng đầu năm, tăng 9,5%
- 30-05-2022Xuất nhập khẩu 5 tháng đạt 305 tỷ USD
Nội dung và chất lượng quy hoạch từng bước được cải thiện
Tại phiên thảo luận của Quốc hội về công tác quy hoạch sáng 30/5, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành
Theo Đoàn giám sát của Quốc hội, công tác lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch và lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia đã được triển khai tích cực, đạt được kết quả bước đầu, tiến độ được đẩy nhanh trong thời gian gần đây, nhất là sau khi Quốc hội quyết định giám sát chuyên đề tối cao về nội dung này.
Trong tổng số 111 quy hoạch được lập theo quy định của Luật Quy hoạch có 110/111 quy hoạch đã được phê duyệt nhiệm vụ, trong đó 41/42 quy hoạch cấp quốc gia , 6/6 quy hoạch vùng, 63/63 quy hoạch tỉnh.
Đến nay, có 7/111 quy hoạch đã được quyết định hoặc phê duyệt, bao gồm: Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, 4 quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực giao thông vận tải , Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long và Quy hoạch tỉnh Bắc Giang. Ngoài ra, nhiều quy hoạch các cấp cũng đang trong quá trình tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai: 1 quy hoạch tỉnh đang trình phê duyệt; 5 quy hoạch tỉnh đã thẩm định xong và đang hoàn thiện hồ sơ để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt; 14 quy hoạch ngành quốc gia, 18 quy hoạch tỉnh đã gửi lấy ý kiến và chuẩn bị thẩm định. Về cơ bản, các nhiệm vụ lập quy hoạch được phê duyệt trong thời gian qua đã tuân thủ quy trình, thủ tục, nội dung quy định tại Luật Quy hoạch, Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07/5/2019 của Chính phủ.
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: TTXVN
Với việc xây dựng hệ thống quy hoạch quốc gia như trên, số lượng quy hoạch được lập cho cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh còn 111 quy hoạch, gồm: 1 quy hoạch tổng thể quốc gia, 1 quy hoạch không gian biển quốc gia, 1 quy hoạch sử dụng đất quốc gia, 39 quy hoạch ngành cấp quốc gia, 6 quy hoạch vùng và 63 quy hoạch tỉnh. Như vậy, số lượng quy hoạch đã giảm từ 3.654 quy hoạch thời kỳ trước khi Luật quy hoạch có hiệu lực xuống còn 111 quy hoạch, giảm 3.543 quy hoạch (giảm 97%).
Về quá trình quy hoạch ngành quốc gia, Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về công tác quy hoạch nhận thấy: Các Bộ, ngành đã có sự phối hợp chặt chẽ. Qua báo cáo của Bộ, ngành và các phiên họp của Đoàn giám sát, có thể thấy các quy hoạch ngành quốc gia đã được tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt theo đúng quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền tại Luật Quy hoạch. Đặc biệt, quá trình lập quy hoạch đã thực hiện lấy ý kiến góp ý của các Bộ, ngành và địa phương có liên quan, nhất là các nội dung có sự giao thoa giữa các quy hoạch, để bảo đảm sự đồng bộ, tính liên kết của hệ thống quy hoạch quốc gia trong bối cảnh các quy hoạch được lập đồng thời.
Về lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch tỉnh, đến nay, đã có 24 quy hoạch tỉnh được lập xong, bao gồm 1 quy hoạch đã được phê duyệt (Bắc Giang); 5 quy hoạch đã được thẩm định và đang hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Tuyên Quang, Lào Cai và Thanh Hóa) và 18 quy hoạch đã gửi xin ý kiến và chuẩn bị thẩm định. Các địa phương còn lại đang tích cực triển khai và hầu hết đều cam kết phấn đấu hoàn thành xong trước ngày 31/12/2022.
"Nhìn chung, công tác lập, thẩm định quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 đã được Chính phủ và các địa phương chủ động chỉ đạo và tổ chức triển khai đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục" - Đoàn giám sát của Quốc hội nêu rõ.
Theo đánh giá của một số địa phương, nội dung và chất lượng quy hoạch tỉnh từng bước được cải thiện so với trước đây, việc áp dụng phương pháp tích hợp quy hoạch sẽ khắc phục được sự chồng chéo, xung đột giữa các quy hoạch riêng lẻ; nâng cao sự gắn kết liên ngành, liên vùng; mở ra các cơ hội, không gian phát triển mới, hình thành các ngành nghề đầu tư, kinh doanh mới; đảm bảo mục tiêu phát triển cân đối, hiệu quả, bền vững giữa các ngành, vùng lãnh thổ và cả nước.
Làm sao để Luật Quy hoạch thực sự đi vào cuộc sống?
Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về công tác quy hoạch cũng thẳng thắn nhận diện những hạn chế trong triển khai thi hành Luật Quy hoạch và chỉ ra một số nguyên nhân.
Luật Quy hoạch có nhiều quy định mới cả về nội dung và phương pháp lập quy hoạch, để thực hiện cần nhiều thời gian để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung 73 luật, pháp lệnh có liên quan và ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật Quy hoạch, căn cứ trên Luật Quy hoạch và các văn bản luật, pháp lệnh được sửa đổi, bổ sung.
Việc tổ chức lập các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia là nhiệm vụ mới, phức tạp và lần đầu tiên được triển khai đồng thời ở tất cả các cấp, các ngành, dẫn đến khó khăn trong tổ chức thực hiện. Quy trình lập quy hoạch phải triển khai qua 2 bước là lập, thẩm định, phê duyệt Nhiệm vụ lập quy hoạch và lập, thẩm định, phê duyệt Quy hoạch, ở mỗi bước đều cần thực hiện các thủ tục lựa chọn tư vấn và tổ chức thẩm định, do vậy mất nhiều thời gian để thực hiện quy trình theo quy định.
Diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030, các đơn vị tư vấn khó khăn hoặc không tiếp cận được thực địa để khảo sát, nghiên cứu và lập quy hoạch.
Nguồn vốn cho công tác quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia sử dụng vốn đầu tư công, do vậy, nhiều quy hoạch phải chờ kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025 được Quốc hội thông qua mới có cơ sở triển khai thực hiện.
Một số văn bản hướng dẫn chi tiết các luật, pháp lệnh sửa đổi một số điều có liên quan đến quy hoạch được ban hành chậm; còn có nội dung chưa thống nhất.
Để Luật Quy hoạch thực sự đi vào cuộc sống, Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội đề nghị cho phép hướng dẫn quy trình lập quy hoạch để lập quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh tại Điều 16 Luật Quy hoạch để thể hiện cách thức tích hợp quy hoạch.
Cho phép hướng dẫn trình tự, thủ tục ban hành Kế hoạch thực hiện quy hoạch được quyết định hoặc phê duyệt tại Điều 45 của Luật Quy hoạch, trong đó quy định cụ thể việc phân kỳ đầu tư triển khai các công trình, dự án.
Sử dụng từ nguồn kinh phí chi thường xuyên theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước để chi cho việc lập, thẩm định, điều chỉnh, công bố các quy hoạch chưa được phân bổ kinh phí.
Áp dụng hình thức chỉ định thầu để lựa chọn đơn vị tư vấn lập quy hoạch cấp quốc gia và quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh chưa lựa chọn được tư vấn bảo đảm chất lượng, hiệu quả, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.
Chính phủ chỉ đạo khẩn trương hoàn thành lập, phê duyệt hoặc quyết định các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia, trong đó cần ưu tiên tập trung nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định và phê duyệt các quy hoạch cấp quốc gia mang tính cấp thiết, ảnh hưởng đến việc điều hành phát triển kinh tế xã - hội của đất nước; phấn đấu hoàn thành quy hoạch tổng thể quốc gia và các quy hoạch ngành hạ tầng chủ chốt (quy hoạch ngành giao thông, quy hoạch năng lượng, quy hoạch phát triển điện lực, quy hoạch thủy lợi, đê điều...) trong thời gian sớm nhất.
Về giải pháp dài hạn, Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo tổng kết toàn diện tình hình triển khai thực hiện Luật Quy hoạch và các luật, pháp lệnh có liên quan đến quy hoạch; kiến nghị các giải pháp sửa đổi, bổ sung các luật, pháp lệnh này để đề xuất đưa vào chương trình xây dựng pháp luật, pháp lệnh hằng năm nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về công tác quy hoạch.
VTV News