MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Cần gì nhảy qua hàng rào 2 mét, tôi chỉ cần tìm được hàng rào 30 centimet và vượt qua nó mà thôi!": Suy nghĩ phải khác biệt mới vượt trội để thành công

28-02-2019 - 21:19 PM | Sống

Cứ chạy theo suy nghĩ của người khác thì bạn mãi mãi chỉ là kẻ theo sau, phải tạo ra sự khác biệt mới đủ bản lĩnh để dẫn đầu.

Kurt Cobain, một rocker huyền thoại và là trưởng nhóm nhạc Nirvana đã có câu nói như thế này: "They laugh at me because I’m different. I laugh at them because they’re all the same." (Họ cười tôi vì tôi khác họ. Tôi cười họ vì họ quá giống nhau).

Chẳng biết từ khi nào, trong xã hội lại xuất hiện các quan điểm cho rằng nếu bạn có cách cư xử, lối sống khác biệt, đi ngược lại với số đông thì sẽ bị cười chê và cho là "sai khác với chuẩn mực xã hội". Phần đông chúng ta hay áp đặt lối suy nghĩ chủ quan của bản thân mình, cho đó là lẽ đúng đắn và ép buộc người khác phải làm theo mà không biết, đó là phương pháp mài mòn sự sáng tạo, hủy hoại sự nghiệp nhanh nhất.

Đôi khi, dám gai góc, dám dũng cảm để trở nên khác biệt sẽ dễ dàng mang lại thành công hơn là trí thông minh. Tài năng của bạn có thể khiến mọi người ấn tượng, nhưng nếu bạn không tạo ra khác biệt của riêng mình, bạn mãi mãi mờ nhạt trong đám đông. Hãy nhìn những thiên tài, dù ở quá khứ hay hiện tại, thường có những thói quen cực kỳ khác biệt, cùng với đó là sức sáng tạo đến "điên rồ". Nhà bác học Albert Einstein thường ngủ ít nhất 10 tiếng mỗi ngày, gần gấp rưỡi thời gian ngủ trung bình của người Mỹ ngày nay (6,8 tiếng). Trong khi nhiều người cho rằng ngủ là lãng phí thời gian thì nhờ giấc ngủ mơ về một con bò bị giật điện, Einstein nảy ra ý nghĩ về thuyết tương đối hẹp.

Steve Jobs đã nói: "Sáng tạo chính là sự phân biệt giữa người đứng đầu với kẻ theo sau". Dám khác biệt, dám sáng tạo, chúng ta mới có thể tìm ra hướng đi đúng đắn nhất cho bản thân và tiến tới thành công bằng tốc độ nhanh nhất của mình.

Cần gì nhảy qua hàng rào 2 mét, tôi chỉ cần tìm được hàng rào 30 centimet và vượt qua nó mà thôi!: Suy nghĩ phải khác biệt mới vượt trội để thành công - Ảnh 1.

1. Sáng tạo không hẳn là tạo ra cái mới

Xưa có một ông vua bị một con mắt chột và một cái chân thọt, ông ta muốn vẽ chân dung của mình truyền lại cho hậu thế. Ông lệnh cho các quan tìm họa sĩ giỏi từ khắp đất nước về kinh thành làm chuyện này. Họa sĩ đầu tiên đến và vẽ cho nhà vua một bức chân dung thật hơn người thật. Nhưng khi xem tranh, nhà vua bỗng nổi giận lôi đình, cho người lôi họa sĩ kia ra chém đầu ngay lập tức. Họa sĩ thứ hai lại đến. Ông ta vẽ nhà vua như là một con người không khiếm khuyết, thậm chí rất hoàn hảo. Tuy nhiên, giống như lần trước, nhà vua xem xong thì đầu họa sĩ vẫn rơi. Thời gian trôi qua, không ai nhớ nổi đã có bao nhiêu người rơi đầu vì không làm nhà vua hài lòng.

Bỗng có một họa sĩ trẻ vô danh tới trước hoàng cung xin được vẽ chân dung nhà vua. Tất cả đều hoài nghi và lo sợ cho cái đầu của anh ta. Vậy mà chưa đầy một ngày, anh ta đã vẽ xong bức chân dung của hoàng đế. Bất ngờ thay, đầu anh ta không rơi xuống đất, còn được vô vàn châu báu mang về. Còn vị thiên tử thì hạnh phúc ngắm nghía bức chân dung của mình hoài mà không chán. Nhà vua nhìn "mình" trong tranh đang cưỡi ngựa bắn cung, con mắt chột nheo lại, cái chân thọt khuất sau thân ngựa mà gật gù: "Thật oai phong, lẫm liệt làm sao!"

Từ câu chuyện trên chúng ta có thể thấy rằng, không cần tạo ra những điều to tát, lớn lao, người ta vẫn có thể đạt được thành công khi thỏa sức sáng tạo bằng việc thay đổi cái cũ một cách tinh tế.

Cần gì nhảy qua hàng rào 2 mét, tôi chỉ cần tìm được hàng rào 30 centimet và vượt qua nó mà thôi!: Suy nghĩ phải khác biệt mới vượt trội để thành công - Ảnh 2.

Thay đổi góc nhìn, thay đổi tư duy mới có thể thay đổi kết quả cuối cùng.

2. Thay đổi để kích thích tiềm năng của chính mình

Nhà bác học Albert Einstein từng nói rằng: "Ai cũng là thiên tài. Nhưng nếu bạn đánh giá một con cá bằng khả năng leo cây, nó sẽ sống suốt đời với niềm tin rằng nó là kẻ đần độn."

Mọi người sinh ra đều có tài năng riêng của mình, nhưng đa phần chúng ta không hề hay biết. Muốn tìm ra và thúc đẩy tiềm năng ấy, chúng ta phải không ngừng thử thách bản thân, nếm trải mọi lĩnh vực, mọi công việc, mọi điều mà mình không dám làm trước đây.

Từng có một người lính luôn bị chúng bạn cười nhạo vì tính cách nhát gan của mình. Dù đã trải qua rất nhiều trận đánh, anh ta vẫn chỉ là một anh lính quèn mà không đạt được chút thành tựu nào cả. Vì vậy, anh quyết định thay đổi và tự nhủ trong lòng: "Cho dù phải chết trên chiến trường, tôi cũng không muốn sống như thế này nữa." Kể từ đó, mỗi khi tập luyện, anh luôn là người đầu tiên lao vào mục tiêu. Trên chiến trường thực sự, anh xung phong là kẻ dẫn đầu. Sau đó, nhờ tinh thần chiến đấu dũng cảm, cuối cùng anh đã được cấp trên thăng chức làm thượng úy. 

Có người thấy vậy mới hỏi: "Anh không sợ chết nữa à?"

Anh lính trả lời: "Chết thì có ai không sợ, nhưng khao khát thay đổi hình ảnh hèn nhát trước kia còn mạnh hơn cả nỗi sợ hãi. Mỗi khi xung phong đầu tiên, thật ra tôi cũng run dữ lắm, nhưng bắt buộc chân mình phải lập tức tiến lên!"

Nếu không dám trải nghiệm, không dám vượt qua khó khăn mà chỉ chui rúc trong mai rùa nhút nhát, làm sao anh lính quèn có thể trở nên nổi bật, nhận được sự chú ý của cấp trên rồi thăng quan tiến chức như vậy.

3. Không ngừng tò mò

Cần gì nhảy qua hàng rào 2 mét, tôi chỉ cần tìm được hàng rào 30 centimet và vượt qua nó mà thôi!: Suy nghĩ phải khác biệt mới vượt trội để thành công - Ảnh 3.

Tri thức là nguồn vốn cần thiết để khơi nguồn sáng tạo và khác biệt.

Một câu nói nổi tiếng của Albert Einstein chính là: "Điều quan trọng là không ngừng câu hỏi. Đừng bao giờ đánh mất sự tò mò thánh thiện."

Mọi sự vật, hiện tượng trong cuộc sống đều có nhiều khía cạnh, tính chất và được con người nhận thức một cách chủ quan theo lăng kính cá nhân. Luôn đặt ra câu hỏi giúp bạn tiếp nhận thông tin theo một hướng khác. Cách nhìn nhận sự việc khác biệt này sẽ giúp bạn nhìn nhận sự việc đa chiều hơn, phát hiện ra nhiều khả năng hơn so với bình thường. 

Chỉ có "câu hỏi" mới giúp bạn đào sâu hơn nữa bề mặt của vấn đề, bước qua những ranh giới mà ít người có khả năng tiếp cận tới. Bằng cách không ngừng trả lời các câu hỏi như: Đó là gì? Tại sao nó được làm theo cách đó? Khi nào nó được thực hiện? Người phát minh ra nó? Nó đến từ đâu? Làm thế nào nó hoạt động?... Bạn có thể phát huy khả năng sáng tạo và tạo ra sự thay đổi khác biệt cho bản thân mình.

Phương Thúy

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên