Cần Giờ sẽ là khu đô thị du lịch – nghỉ dưỡng không thua gì Pattaya của Thái Lan: Tầm nhìn của 30 năm sau
Trao đổi với Trí Thức Trẻ, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. HCM cho biết Cần Giờ có nhiều tiềm năng, lợi thế mà nếu được khai thác tốt, sẽ là cơ hội “vàng” để huyện đảo bứt phá mạnh mẽ.
- 08-06-2017Giá nhà, đất nhảy múa theo cầu Cát Lái, Cần Giờ
- 19-05-2017Các siêu dự án tại Củ Chi, Cần Giờ mới chỉ là ý tưởng, TPHCM chưa chính thức giao đất cho bất cứ doanh nghiệp nào
- 04-05-2017Chuyên gia địa ốc cảnh báo giá đất Cần Giờ tăng ảo và nguy cơ "bong bóng xì hơi"
- 18-04-2017Cần Giờ sẽ là KĐT du lịch - nghỉ dưỡng không thua gì Pattaya của Thái Lan nếu cơ chế đi trước một bước
Ông đánh giá thế nào về tiềm năng phát triển của huyện Cần Giờ - TP. HCM?
Thứ nhất, Cần Giờ bản thân có khu dự trữ sinh quyển thế giới, không chỉ duy nhất tại Việt Nam mà còn được UNESCO công nhận. Đấy là điều đặc sắc không nơi nào có được. Thứ hai, trong lịch sử, nơi đây có di chỉ người tiền sử, đồng thời đây còn là chiến khu rừng Sác, tức là có lịch sử truyền thống lâu đời, có thể phát triển được loại hình du lịch về nguồn. Thứ 3, Cần Giờ là huyện duy nhất của TP. HCM giáp biển, với 15 km đường biển.
Trước đây, Cần Giờ được quy hoạch để phát triển nông nghiệp – thuỷ sản. Tuy nhiên, hiện huyện đã được định hình lại, lấy du lịch làm mũi nhọn hàng đầu.
Vậy để du lịch trở thành mũi nhọn phát triển, cần phải làm gì?
Phải phát triển hạ tầng du lịch mà trước nhất là hạ tầng giao thông. Hiện đã có đường Vành đai 3 kết nối từ Bến Lứt qua Cần giờ đến Long Thành với cầu Bình Khánh, cầu Phước Khánh.
TP. HCM đã quyết định làm thêm cầu Cần Giờ nối Nhà Bè với Cần Giờ để phát triển huyện đảo.
Bên cạnh đó, cũng có kế hoạch nâng cấp đường rừng Sác, hiện quy hoạch bề ngang của đường đang là 60m sẽ được nâng cấp lên để đảm bảo tốc độ giao thông trên dưới 100km/h.
Giao thông đường thuỷ bằng tàu cao tốc nối Cần Giờ với Quận 1; Cần Giờ - Vũng Tàu. Kết nối bằng máy bay trực thăng từ sân bay Tân Sơn Nhất đi Cần Giờ cũng là khả năng được cân nhắc. Bên cạnh đó là ước mơ có được cây cầu vượt biển hiện đại nối liền Cần Giờ - Vũng Tàu dài khoảng 17km.
Thứ hai là phải phát triển được cơ sở lưu trú với hệ thống các khách sạn, resort, phục vụ được cho các đối tượng từ trung lưu đến thượng lưu. Không chỉ ở cơ sở vật chất, mà nhân viên cũng phải đảm bảo chất lượng, thông thạo ngoại ngữ. Các vật phẩm lưu niệm cũng phải được chú trọng, không thể để vào khu du lịch Việt Nam cứ thấy đồ ngoại bày bán, như vậy rất phi lý.
Thứ 3, có một vấn đề quan trọng mà tôi được biết, đó là du khách đang ngại tắm biển. Vì biển ở Cần Giờ đang bị ảnh hưởng do nước từ 3 dòng sông lớn là Sài Gòn, Vàm Cỏ, Đồng Nai – vốn bị ô nhiễm nặng đổ ra. Đây là điều nan giải. TP. HCM đang nỗ lực làm dự án cải thiện môi trường nước. Nếu thành phố và các tỉnh trong lưu vực làm được điều đó, chất lượng nước sẽ dần trở lại bình thường, quá trình này có thể mất trên dưới 30 năm.
Nhìn lại 20 năm trước của dòng sông Sein (Paris) cũng không tắm được, ông Jaques Chirac bấy giờ là thị trưởng đã cam kết làm sạch sông trong 5 năm. Kết thúc nhiệm kỳ, ông đã xuống tắm trên dòng Sein để chứng minh sông đã sạch. Mình phải có hình tượng tương tự để du khách yên tâm tắm biển.
Trước mắt khi biển chưa tắm được, các tập đoàn lớn đang có ý tưởng xây dựng những hồ biển nhân tạo, có thể tắm tương tự nước biển thật.
Ông có thể nói rõ hơn về những tập đoàn đang có ý định đầu tư vào Cần Giờ?
Hiện đang có những tập đoàn có ý định đầu tư hoặc đề nghị đầu tư vào Cần Giờ. Tập đoàn được đầu tư và giao đầu tư trên 1.000 Ha thành phố lấn biển là VinGroup. Tuần Châu cũng đề nghị đầu tư một thành phố tương đương 2.800 Ha nhưng không biết họ có quyết tâm theo đuổi không, đó vẫn là ẩn số.
Tôi tin rằng nếu có những dự án này, du lịch Cần Giờ sẽ có những bước chuyển mình đáng kể. Bởi huyện không thể phát triển theo hướng nông nghiệp, thuỷ sản được, mà phải là du lịch.
Chúa đảo Đào Hồng Tuyển hồi tháng 4 khi nói về Cần Giờ có nhận xét nếu có cơ chế phù hợp, Cần Giờ sẽ phát triển không thua kém Pattaya của Thái Lan, ông nghĩ sao về nhận xét đó?
Như tôi đã nói, hiện khách du lịch đang ngần ngại xuống tắm biển ở Cần Giờ vì nghi ngại nguồn nước. Để làm sạch nước, không chỉ là nỗ lực của huyện mà còn là nhiều tỉnh và TP.HCM. Đó là kế hoạch cải tạo, nỗ lực dài hơi. Tôi nghĩ anh Tuyển nói cái đó với tầm nhìn của 30 năm sau.
Ông có đề xuất gì về cơ chế chính sách để thu hút nhà đầu tư?
Với Vingroup, tôi đề nghị TP HCM sớm phê chuyển quy hoạch điều chỉnh của Thành phố lấn biển Cần Giờ với quy mô dự án lên gần 2.000 Ha. Đó là cơ sở pháp lý.
Mặt khác, cần có văn bản pháp lý để xác định quy hoạch định hướng phát triển của huyện chuyển từ mô hình nông nghiệp – thuỷ sản thành mô hình du lịch – thuỷ sản là mũi nhọn.
Nhà nước cũng cần phải hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông. Đẩy nhanh tiến độ phê duyệt, ban hành chính sách. Các doanh nghiệp chúng tôi khi ngồi lại với nhau đều bảo vấn đề không phải Nhà nước hỗ trợ bằng tiền, tín dụng, ưu đãi thuế, mà quan trọng nhất là kiến tạo môi trường kinh doanh, cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính… là điều cần thiết hơn cả.
Bên cạnh đó, lãnh đạo của huyện Cần Giờ cũng phải nhận thức được vị thế, tầm vóc của địa phương, cái mình đang có là gì để tạo điều kiện tốt nhất, khuyến khích doanh nghiệp và người dân tham gia thúc đẩy sự phát triển huyện đảo.
Vậy còn vấn đề an sinh, dân sinh?
Đây là vấn đề lớn và khó. Tuy nhiên Việt Nam đang tiệm cận thế giới và có chính sách với doanh nghiệp xã hội. Vingroup là một trong những doanh nghiệp số ít cam kết có những ngành hoạt động phi lợi nhuận, biểu hiện là Vinmec và Vinschool. Khi làm việc với họ, họ cũng cho tôi biết sẽ xây 2.000 căn nhà xã hội ở Hà Tĩnh mà không lấy lãi (những căn này được lãi tối đa 10% - PV). Vì những cam kết đó, tôi có niềm tin là ở Cần Giờ, Vingroup ngoài nghĩa vụ thuế như quy định, họ sẽ góp phần bảo vệ cho khu dự trữ sinh quyển thế giới và các di tích lịch sử...
Phía Tuần Châu cũng có tuyên bố ưu tiên sử dụng lao động địa phương và huấn luyện chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân ở đây. Tôi tin rằng khi đầu tư, họ sẽ thực hiện cam kết và thực hiện trách nhiệm xã hội của mình.
Cảm ơn ông!