‘Cần gỡ khó về vốn cho năng lượng tái tạo’
Ông Phạm Như Ánh, Thành viên Ban điều hành Ngân hàng MB đề xuất nhiều giải pháp thúc đẩy tín dụng cho năng lượng tái tạo.
- 21-12-2021Giá điện thấp, khó thu hút đầu tư dự án năng lượng tái tạo?
- 14-11-2021Hoàn thành tham vọng 2 tỷ USD của một "ông lớn" năng lượng tái tạo tại Ninh Thuận
- 10-11-2021Những khó khăn khiến doanh nghiệp năng lượng tái tạo Việt Nam bất lợi khi cạnh tranh với doanh nghiệp ngoại trên chính "sân nhà"
Phát triển năng lượng tái tạo là chủ trương lớn của Đảng và Chính phủ. Kể từ Quy hoạch điện II điều chỉnh (năm 2016) đến nay, hai loại hình năng lượng tái tạo chính là điện mặt trời rồi điện gió chứng kiến những bước phát triển rất nhanh. Tại dự thảo Quy hoạch điện VIII mà Chính phủ đang giao Bộ Công thương xây dựng, năng lượng tái tạo tiếp tục được kỳ vọng sẽ phát triển đột phá, thay thế dần năng lượng hoá thạch, nhằm hiện thực hoá cam kết Net Zero của Việt Nam vào năm 2050.
Hiện nay, các dự án năng lượng tái tạo đều được triển khai với sự hỗ trợ rất lớn từ hệ thống các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, thời gian qua xuất hiện nhiều bất cập lớn, gây rủi ro đối với nhà đầu tư lẫn tổ chức tín dụng, đặt ra những bài toán cần giải quyết nhằm thúc đẩy và khơi thông nguồn tín dụng bền vững.
Nhadautu.vn đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Như Ánh, Thành viên Ban điều hành Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) để có thêm góc nhìn trong vấn đề này.
Ông đánh giá như thế nào về thực trạng ngành điện của nước ta hiện nay?
Ông Phạm Như Ánh: Ngành điện Việt Nam có tốc độ phát triển nhanh và cao nhất hàng đầu trong khu vực và trên thế giới (đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á và thứ 23 trên thế giới).
Nguồn điện, về cơ bản đến từ các nguồn chính như thủy điện, nhiệt điện than, điện năng lượng tái tạo, điện khí, điện hạt nhân. Trong đó, nguồn điện nền, có tính ổn định về sản lượng điện để đảm bảo cho sự phát triển của đất nước thuộc về nhiệt điện than và điện hạt nhân. Tuy nhiên, nhiệt điện than theo xu hướng chung của thế giới được quy hoạch cắt giảm dần để đảm bảo vấn đề môi trường.
Điện gió ngoài khơi, điện khí hay cao hơn nữa là điện hạt nhân, tại Việt Nam chưa đủ trình độ kỹ thuật, hành lang pháp lý cũng như vốn đầu tư để có thể phát triển mạnh mẽ thay thế cho điện than. Các nguồn điện sạch, thân thiện với môi trường hơn như thủy điện, điện mặt trời, điện gió, sản lượng điện phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết dẫn đến tính ổn định không cao.
Vậy cần những giải pháp gì để khắc phục những vướng mắc trên?
Ông Phạm Như Ánh: Việc quy hoạch cơ cấu nguồn điện trong quy hoạch điện VIII được xem là điểm mấu chốt cho sự phát triển đúng đắn của ngành điện trong tương lai.
Bên cạnh đó, phải phát triển đồng bộ và tối ưu giữa nguồn điện và lưới điện để không để xảy ra tình trạng quá tải như hiện nay.
Hiện tại, lĩnh vực đầu tư truyền tải được giao độc quyền cho các đơn vị trực thuộc EVN thực hiện, dẫn đến việc đâu đó chưa linh hoạt và hiệu quả trong công tác huy động vốn triển khai dự án truyền tải. Vì vậy, giải pháp để xã hội hóa đầu tư trong lĩnh vực truyền tải điện cũng là một nội dung, theo tôi, cần được trao đổi và đề cập trong quy hoạch Điện VIII.
Ngoài ra, cơ chế giá điện đấu thầu là tất yếu, tuy nhiên, cần có chính sách chuyển giao, giao thoa giữa cơ chế FIT và cơ chế đấu thầu hợp lý, hiệu quả để đảm bảo sự phát triển liên tục.
Khi đề cập đến vốn tín dụng để phát triển năng lượng, theo ông còn những tồn tại gì?
Ông Phạm Như Ánh: Thứ nhất, đối với điện than, khó khăn, vướng mắc lớn nhất đối với các dự án (đã nằm trong quy hoạch) là không thể huy động được nguồn vốn quốc tế như trước đây, cũng như việc huy động vốn trong nước cũng vô cùng khó khăn do các quốc gia hay định chế tài chính trong và ngoài nước đều có những cam kết về không tài trợ hoặc giới hạn tài trợ đối với lĩnh vực có ảnh hưởng xấu đến môi trường. Trong khi đó, điện than vẫn là nguồn điện cần duy trì, giảm có lộ trình để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Để giải quyết được vấn đề này, theo tôi, cần hướng đến công cụ huy động vốn trong nước từ các cá nhân, tổ chức phi tài chính thông qua phát hành trái phiếu năng lượng niêm yết trên thị trường trái phiếu.
Đối với điện mặt trời, điện gió, đã trải qua vài năm phát triển rất tốt (từ 2018 đến hiện tại), tôi đánh giá đây là các dự án có tính khả thi cao để thực hiện do chủ đầu tư đã có kinh nghiệm triển khai, quy mô vốn, kỹ thuật, vận hành, thiết bị phù hợp với năng lực, các tổ chức tín dụng có những am hiểu về ngành và đưa ra các giải pháp thu xếp tài chính hiệu quả cho dự án.
Tuy nhiên, xuất phát từ những khó khăn, vướng mắc hiện tại, giải pháp để tiếp tục nguồn cung vốn tín dụng cho các dự án NLTT gồm: Cơ chế giá điện đấu thầu cũng như cơ chế giá điện chuyển tiếp cho các dự án dở dang do ảnh hưởng của COVID-19 cần sớm nhất được ban hành để tránh gây ra các tổn thất về mặt tài chính cho cả chủ đầu tư và ngân hàng tài trợ vốn; Sự phát triển mạnh mẽ hơn của lĩnh vực truyền tải điện để đồng bộ với sự phát triển của nguồn điện.
Với điện gió ngoài khơi, điện khí LNG, việc thực hiện dự án này hầu như cần sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài cũng như phạm vi thu xếp vốn cũng vượt quá năng lực thu xếp vốn trong nước. Để có thể thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào lĩnh vực này cũng như các TCTD trong và ngoài nước có cơ sở để cung cấp vốn tín dụng triển khai dự án, cần sớm hoàn thiện khung pháp lý, các điều kiện ký PPA làm cơ sở xác định tính hiệu quả của dự án.
Đặc biệt với các dự án điện gió ngoài khơi, với quan điểm ưu tiên phát huy nội lực đối với các dự án sử dụng tài nguyên quốc gia và an ninh biển, các dự án cần được phân kỳ đầu tư và chính sách giá mua điện tính theo phân kỳ đầu tư để các nhà đầu tư trong nước có thể tham gia và các tổ chức tín dụng trong nước có thể thu xếp được vốn.
Ngoài ra, việc tài trợ vốn trong lĩnh vực NLTT sẽ hanh thông và thuận lợi hơn nếu việc triển khai đầu tư đối với lĩnh vực truyền tải điện được cải thiện.
Xuất phát từ thực trạng độc quyền đầu tư trong lĩnh vực truyền tải đã tạo gánh nặng quá lớn đối với EVN trong việc huy động vốn, trong khi giới hạn cấp tín dụng cho EVN không vượt quá 25% vốn tự có của các TCTD, Chính phủ cần tính toán đến giải pháp xã hội hoá truyền tải điện như giao thông đang làm, hoặc cơ chế kết hợp đầu tư đồng bộ truyền tải và nguồn điện, (theo đó, dự án nguồn chủ đầu tư khai thác có thời hạn, còn đường dây bàn giao lại EVN sau khi hoàn thành). Thực hiện theo phương thức này thì các tổ chức tín dụng có thể sẵn sàng cung cấp tín dụng cho cả 2 phương án đầu tư nguồn điện và lưới điện.
Theo ông, khó khăn của các TCTD nói chung khi tiếp cận, đánh giá tài trợ các dự án NLTT là gì?
Ông Phạm Như Ánh: Là tổ chức tín dụng hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, chúng tôi nhận thấy các khó khăn, vướng mắc của các TCTD nói chung khi tiếp cận, đánh giá tài trợ các dự án NLTT nằm ở 4 điểm chính yếu như sau:
Khó khăn trong việc thẩm định dự án gặp phải những vấn đề khá phức tạp do đặc trưng của các dự án xanh đòi hỏi tổng mức đầu tư lớn, công nghệ thiết bị mới có tính kỹ thuật cao, hành lang quy định pháp lý về ngành/lĩnh vực chưa đầy đủ, thời gian hoàn vốn dài, rủi ro thị trường,…
Khó khăn trong việc cân đối và đáp ứng nguồn vốn cho dự án: Tín dụng cấp cho NLTT đòi hỏi vốn vay trung dài hạn lớn, trong thời gian dài. Trong khi nguồn vốn của các NHTM chủ yếu là nguồn vốn huy động ngắn hạn, với chi phí lãi suất khá cao, chưa có các chính sách ưu đãi/đặc thù từ NHNN thì việc tham gia tín dụng xanh cũng có thể đặt ngân hàng vào tình trạng rủi ro về cân đối vốn.
Khó khăn về TSĐB: TSĐB chủ yếu là tài sản hình thành từ vốn vay chính là các dự án/công trình xanh, tính thanh khoản không cao, khả năng xử lý TSĐB cũng khá đặc thù.
Rủi ro về doanh thu/hiệu quả dự án. Rủi ro này đến từ các yếu tố chính yếu như điều kiện tự nhiên, sản lượng, doanh thu của các dự án không ổn định; hạ tầng và quản lý cung cầu của EVN chưa đồng bộ với nguồn điện đến đến không phát được tối đa công suất điện; chính sách giá điện chưa có quy định cụ thể;…
Vậy giải pháp để tháo gỡ các khó khăn này là gì, thưa ông?
Ông Phạm Như Ánh: Ngoài việc xuất phát từ nội tại của các TCTD, tôi cho rằng dưới góc độ vĩ mô, về mặt chính sách, Chính phủ và EVN nên sớm ban hành quy hoạch cụ thể về định hướng phát triển ngành điện, chính sách giá điện làm cơ sở để các chủ đầu tư và các TCTD cùng đánh giá hiệu quả dự án, phương án tài chính để triển khai.
Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cũng cần ban hành chính sách hỗ trợ cho chủ đầu tư trong việc có các công cụ bảo lãnh vay vốn để tiếp cận được các nguồn vốn nước ngoài với chi phí hợp lý; hỗ trợ cho ngân hàng thương mại về nguồn vốn trung dài hạn, vốn ưu đãi dành cho lĩnh vực xanh có thể thông qua các giải pháp như áp dụng hệ số rủi ro tín dụng (RWA) thấp hơn cho tín dụng xanh.
Ngoài ra, theo tôi cần nâng giới hạn trần tăng trưởng tín dụng đối với các ngân hàng có quy mô tín dụng xanh lớn; Nâng tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn tài trợ trung dài hạn; Tạo cơ chế đồng bộ để ngân hàng thương mại có thể cấp bảo lãnh thanh toán cho các khoản vay tín dụng xuất khẩu (ECA),…
Xin cám ơn ông!
Nhà đầu tư