Cần hơn 1.700 tỷ xây dựng Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia
Vốn đầu tư xây dựng công trình Trung tâm sẽ được huy động từ đóng góp của doanh nghiệp trong và ngoài nước dưới các hình thức đa dạng, không sử dụng ngân sách nhà nước...
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố dự thảo Đề án thành lập trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia. Mục đích của trung tâm là nâng cao năng lực công nghệ và đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp nhằm nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đưa Việt Nam thành nước có mức thu nhập trung bình cao.
Trung tâm sẽ vận động, thu hút các công ty công nghệ hàng đầu trong các lĩnh vực ưu tiên thực hiện nghiên cứu, phát triển tại Trung tâm bằng cách cung cấp cho họ không gian làm việc đầy đủ và thuận lợi nhất có thể với dịch vụ trọn gói gồm logistics, lao động, pháp lý, hạ tầng... với chi phí thấp; Kết nối và thu hút nhân tài trong và ngoài nước; hỗ trợ các doanh nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo kết nối với các quỹ đầu tư, các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước để tiếp cận thị trường.
Theo đó, các lĩnh vực ưu tiên gồm: Nhà máy thông minh, thành phố thông minh, truyền thông số, công nghiệp an ninh mạng, công nghiệp môi trường.
Về địa điểm, Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia sẽ được đầu tư xây dựng tại Khu nghiên cứu và phát triển của Khu Công nghệ cao Hòa Lạc với diện tích khoảng 23 ha.
Vốn đầu tư xây dựng công trình trung tâm sẽ được huy động từ đóng góp của doanh nghiệp trong và ngoài nước dưới các hình thức đa dạng, thích hợp và thông qua xã hội hóa đầu tư; không sử dụng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước.
Về phân khu và giai đoạn đầu tư, dự án đầu tư, xây dựng trung tâm được gồm hai phân khu. Phân khu số 1 với diện tích khoảng 9 ha là khu vực xây dựng tòa nhà trụ sở Trung tâm; Phân khu số 2 là khu vực xây dựng các công trình hỗ trợ, ví dụ như căn hộ, biệt thự, trường học, bệnh viện, khu thương mại, giải trí. Bộ Kế hoạch và Đầu tư thu xếp vốn xây dựng tòa nhà trụ sở trung tâm; các đối tác của Trung tâm sẽ đầu tư xây dựng các công trình hỗ trợ, tiện ích trong Phân khu số 2.
Trong giai đoạn 1, sau khi đề án được phê duyệt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ đầu tư xây dựng công trình trụ sở Trung tâm. Tổng vốn đầu tư cho công trình trụ sở Trung tâm là khoảng 1700 tỷ đồng (khoảng 74 triệu USD), xây dựng 82.000 m2 sàn.
Trong giai đoạn 2, các công trình hỗ trợ ở phân khu số 2 sẽ được xây dựng. Nếu có nguồn vốn đầu tư, các công trình hỗ trợ có thể được xây dựng luôn mà không cần chờ xây dựng xong trụ sở Trung tâm (giai đoạn 1).
Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia sẽ nhận được nhiều khuyến khích, ưu đãi vượt trội như được giao đất không thu tiền sử dụng đất trong tối đa 50 năm trong Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, và được miễn toàn bộ chi phí liên quan đến đất, bao gồm cả tiền đền bù, giải phóng mặt bằng.
Được sử dụng tài sản để kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết với các nhà đầu tư phù hợp để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được Đề án quy định mà không phải nộp tiền thuê đất tương ứng. Được hưởng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong suốt thời gian thực hiện dự án; được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo.
Cán bộ quản lý, chuyên gia đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn và kinh nghiệm nghề nghiệp do Bộ Kế hoạch và Đầu tư quyết định, làm việc tại Trung tâm được giảm 50% số thuế thuế thu nhập cá nhân phải nộp.
Đối với doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo hoạt động trong Trung tâm được hưởng các ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp như Trung tâm; Được miễn thuế nhập khẩu cho các hàng hóa, dịch vụ đầu vào cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển; Được nhận góp vốn, mua cổ phần của quỹ đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư thiên thần nước ngoài và các nhà đầu tư nước ngoài khác. Trong trường hợp này, không giới hạn mức góp vốn tối đa của nhà đầu tư nước ngoài.
Đối với các nhà đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo hoạt động trong Trung tâm; Được giảm 50% thuế chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp trong doanh nghiệp nếu đầu tư trên 2 năm.
Vneconomy