Cần nghị quyết đặc thù mới cho TP HCM
TP HCM mong muốn được Quốc hội ban hành nghị quyết riêng trong dài hạn sau khi Nghị quyết 54 hết hạn vào cuối năm 2022 để có thêm điều kiện bứt phá, phát triển bền vững.
- 31-05-2022Đường Vành đai 3 cần cơ chế đặc thù
- 25-05-2022Thí điểm cơ chế đặc thù phát triển Khánh Hòa
- 11-05-2022TP.HCM đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Thủ Đức
Chiều 1-6, Đài Truyền hình Việt Nam đã tổ chức tọa đàm "TP HCM sau 4 năm có cơ chế đặc thù".
Chưa như kỳ vọng
Tháng 11-2017, Quốc hội ban hành Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM với 18 nội dung thuộc 5 lĩnh vực quản lý gồm: đất đai; đầu tư; tài chính - ngân sách nhà nước; cơ chế ủy quyền và thu nhập của cán bộ, công chức; có hiệu lực từ tháng 1-2018 đến hết năm 2022.
Tại tọa đàm, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan nhìn nhận Nghị quyết 54 đã có tác động lớn đến hệ thống chính trị, tạo động lực cho thành phố có nhiều niềm tin tăng tốc và phát triển trong tương lai. Tuy nhiên, có nhiều việc TP HCM đã làm nhưng chưa tới nơi tới chốn vì thời gian hạn chế; có những nội dung thành phố trình nhưng chưa được cơ quan chức năng xem xét, cho ý kiến hay có nội dung thành phố đã chuẩn bị nhưng trong điều kiện khó khăn hiện nay chưa thể đem ra thảo luận kỹ. "Do đó, việc thực hiện Nghị quyết 54 đã đạt được trong chừng mực nhưng chưa như kỳ vọng" - Phó Chủ tịch UBND TP HCM thừa nhận.
TP HCM mong muốn được Quốc hội ban hành nghị quyết riêng trong dài hạn, sau khi Nghị quyết 54 hết hạn. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Ông Võ Văn Hoan cho biết nguyên nhân khách quan là thành phố mất 2 năm cụ thể hóa nghị quyết thành quy định và 2 năm lẽ ra để triển khai thì lại vướng dịch Covid-19. Về mặt chủ quan, đây là vấn đề mới, cũng là lần đầu thành phố phải ra quyết định mang tính đột phá nên "có sự thận trọng cần thiết". Nhiều cơ quan, đơn vị trong quá trình nghiên cứu chưa có nhiều kinh nghiệm nên sự chuẩn bị chậm, chưa chuẩn, cần phải điều chỉnh hoặc có nhiều việc chưa thể đưa ra bàn ngay. Nhiều nội dung nghị quyết nói rất rõ nhưng trong thực tế lại không thực hiện được.
Dẫn chứng, ông Võ Văn Hoan nói Nghị quyết 54 cho phép TP HCM hưởng 100% tiền thu được từ cổ phần hóa. Nhưng muốn cổ phần hóa thì phải có phương án sử dụng đất, thực tế Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa quy định, dẫn đến thành phố không thực hiện được. Hay như quy định TP HCM được hưởng 50% tổng thu từ tài sản sắp xếp được của bộ, ngành trung ương thông qua đấu giá nhưng trong thực tế có cơ quan đã sắp xếp được nhưng chưa được phê duyệt, có cơ quan được phê duyệt nhưng chưa đấu giá, thậm chí có tài sản đã đấu giá rồi nhưng chưa có kết quả. Hiện vẫn chưa có quy định về việc sử dụng 50% tiền thu từ tài sản này. Từ đó, TP HCM chưa có được nguồn lực tài chính như mong đợi.
Cần cơ chế khơi thông
Theo ông Võ Văn Hoan, TP HCM đang trong quá trình chuẩn bị cho dự thảo nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù cho thành phố. Trong đó, thành phố sẽ có 4 điều chỉnh cơ bản. Đầu tiên, nghị quyết mới sẽ không thí điểm cơ chế đặc thù nữa, mà thực hiện dài hạn nhằm có thời gian triển khai để thấy được hiệu quả, thay vì chỉ làm 5 năm như Nghị quyết 54. Bởi thời gian quá ngắn để thí điểm cơ chế chính sách thì rất khó lan tỏa trong xã hội. Về mặt nội dung, quan điểm của thành phố là có cơ chế riêng trong nhiều lĩnh vực như quản lý nhà nước về đầu tư, tài chính ngân sách, đô thị, môi trường, tổ chức bộ máy, phân cấp ủy quyền và một cơ chế riêng cho TP Thủ Đức...
Ngoài ra, trong nghị quyết mới, TP HCM kiến nghị được phân cấp một số nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng và chức năng, nhiệm vụ của một số bộ, ngành. Trước đây, thành phố dự định đề xuất nghị định thay thế Nghị định 93/2001 về phân cấp quản lý một số lĩnh vực cho TP HCM. Tuy nhiên, sau khi nhận thấy nghị quyết sẽ có sức nặng hơn nghị định, thành phố quyết tâm kiến nghị xin thêm thẩm quyền từ trung ương. Cuối cùng, về tổ chức thực hiện, thành phố mong muốn Quốc hội giao nhiệm vụ cho Chính phủ, Thủ tướng có nghị định hoặc bộ, ngành có thông tư hướng dẫn việc thực hiện nghị quyết. "Thực tế nhiều nghị quyết ra đời nhưng mãi chưa có quy định hướng dẫn. Do đó, trong nghị quyết mới, Quốc hội phải có cơ chế để thành phố chủ động xây dựng quy định, quy trình, thủ tục, rồi tham khảo ý kiến các bộ để triển khai" - Phó Chủ tịch UBND TP HCM nhìn nhận và nói thành phố mong muốn nghị quyết mới có cơ chế để TP HCM phối hợp với các cơ quan trung ương trong xử lý các vấn đề mà giữa bộ và thành phố có quan điểm khác nhau.
Nhấn mạnh sự cần thiết của việc tiếp tục trao cơ chế đặc thù cho TP HCM sau khi Nghị quyết 54 hết hiệu lực, Phó Chủ tịch UBND TP HCM cho biết nhu cầu đầu tư, phát triển của thành phố đang rất lớn nhưng nguồn lực có hạn, đặc biệt là ngân sách. Nguồn vốn đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho TP HCM được trung ương phê duyệt là hơn 140.000 tỉ đồng. Số này chỉ đủ phân bổ cho dự án chuyển tiếp từ nhiệm kỳ 2016-2020 sang, nhiệm kỳ hiện tại chưa có bất kỳ dự án nào được cấp vốn. "TP HCM là địa phương rất khát vốn, cần làm sao để có cơ chế, chính sách khơi thông nguồn lực cho thành phố" - ông Võ Văn Hoan nói.
Ủng hộ cơ chế riêng cho TP HCM, TS Trần Du Lịch, nguyên Phó trưởng Đoàn Chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố, nhấn mạnh tầm quan trọng của phân cấp, ủy quyền. "Việc gì địa phương có thể làm tốt thì bộ, ngành chỉ thực hiện quyền kiểm tra, giám sát, chế tài để bớt đi chuyện ôm hồ sơ lên bộ này, bộ kia. Việc gì sở, ngành, địa phương làm tốt thì cấp trên chỉ giám sát, kiểm tra công vụ. Như vậy, cơ chế mới thông" - ông Trần Du Lịch nêu quan điểm.
Minh bạch ngân sách
Đề cập vấn đề ngân sách, TS Trần Du Lịch cho rằng TP HCM không nên tính toán 1%-2% tỉ lệ điều tiết với trung ương. Thay vào đó, cần minh bạch 3 vấn đề: ngân sách nào phải nộp trung ương thì TP HCM nộp đủ; phần ngân sách nào phân chia giữa trung ương với thành phố thì minh bạch tỉ lệ, duy trì trong 5-10 năm; còn phần nào địa phương có thể chủ động tăng nguồn thu thì địa phương hưởng.
Đưa ra ví dụ nếu trong tương lai được thí điểm đánh thuế bất động sản căn nhà thứ 2 thì thành phố "mênh mông nguồn tiền", ông Trần Du Lịch nói tiền này phải thuộc ngân sách địa phương, chỉ dùng đầu tư phúc lợi cho người dân. Theo ông, không nên gọi đây là chính sách đặc thù, mà là cơ chế phù hợp cho một thành phố có quy mô siêu đô thị.
Người lao động