MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cân nhắc phương án phá sản các quỹ tín dụng nhân dân

23-05-2017 - 14:06 PM | Tài chính - ngân hàng

Ủy ban thẩm tra nhận thấy quy mô hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân tuy không lớn như quy mô hoạt động của các ngân hàng thương mại nhưng lại có tác động lớn về mặt xã hội trong trường hợp quỹ tín dụng nhân dân đổ vỡ, phá sản.

Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, thay mặt Ủy ban kinh tế trình bày Báo cáo thẩm tra Dự án luật sửa đổi, bổ sung Luật các tổ chức tín dụng, ông Vũ Hồng Thanh cho biết, về cơ bản, Ủy ban Kinh tế nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết tiếp tục cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng trong giai đoạn 2016- 2020.

Ủy ban Kinh tế cho rằng việc cơ cấu lại các TCTD được kiểm soát đặc biệt là yêu cầu cấp bách hiện nay, cần được tập trung giải quyết nhanh chóng gắn với yêu cầu giải quyết nợ xấu trong hệ thống TCTD, do đó nhất trí với việc xác định phạm vi sửa đổi, bổ sung như tại dự án Luật. Tuy nhiên, đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chính sách cần sửa đổi tại Luật các TCTD để thực hiện tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, tiếp tục lành mạnh hóa tình hình tài chính, kiềm chế phát sinh thêm nợ xấu, kiểm soát đầu tư chéo, sở hữu chéo, nâng cao năng lực quản trị của các tổ chức tín dụng theo quy định pháp luật và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Ủy ban thẩm tra tán thành việc bổ sung các căn cứ để đưa vào kiểm soát đặc biệt theo hướng yêu cầu các tổ chức tín dụng phải có trách nhiệm chủ động, kịp thời báo cáo với Ngân hàng Nhà nước về thực trạng, nguyên nhân, các biện pháp đã áp dụng. Tuy nhiên, đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định chế tài đối với trường hợp các tổ chức tín dụng vi phạm quy định này, không kịp thời và chủ động báo cáo với Ngân hàng Nhà nước dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Đồng thời, đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, quy định cụ thể hơn về các căn cứ và trường hợp xác định tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt để việc cơ cấu lại đó thuộc phạm vi điều chỉnh của dự án Luật; cần làm rõ cơ sở pháp lý và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước khác hoặc cơ quan giám sát nước ngoài có liên quan khi đưa ra ý kiến bằng văn bản liên quan đến tình trạng kiểm soát đặc biệt của tổ chức tín dụng.

Về thẩm quyền xử lý các tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, Ủy ban thẩm tra nhận thấy quy mô hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân tuy không lớn như quy mô hoạt động của các ngân hàng thương mại nhưng lại có tác động lớn về mặt xã hội trong trường hợp quỹ tín dụng nhân dân đổ vỡ, phá sản. Việc phá sản các quỹ tín dụng nhân dân sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của người dân, nên cần cân nhắc, thận trọng trong việc quyết định chủ trương và phê duyệt phương án phá sản. Do đó, Ủy ban thẩm tra nhất trí với quy định về thẩm quyền xử lý tại dự thảo Luật.

Về miễn trách nhiệm đối với người tham gia cơ cấu lại TCTD được kiểm soát đặc biệt, Ủy ban Kinh tế cho rằng chính sách này là cần thiết nhằm bảo đảm nguồn nhân lực thực hiện cơ cấu lại các TCTD được kiểm soát đặc biệt, góp phần quan trọng vào việc nâng cao hiệu quả cơ cấu lại các TCTD yếu kém. Tuy nhiên, để tránh việc lạm dụng quy định này cũng như để đề cao trách nhiệm của người được giao tham gia cơ cấu lại TCTD được kiểm soát đặc biệt, đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, thống nhất với các quy định tại các luật liên quan như Luật cán bộ, công chức; Luật phòng, chống tham nhũng; Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí...; cần làm rõ phạm vi được miễn trách nhiệm pháp lý của người tham gia cơ cấu lại các TCTD được kiểm soát đặc biệt.

Về việc thành lập và nhiệm vụ, quyền hạn của Ban kiểm soát đặc biệt, Ủy ban thẩm tra đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, quy định cụ thể hơn về các hình thức kiểm soát đặc biệt và thành phần Ban kiểm soát đặc biệt, nhất là quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng ban kiểm soát đặc biệt bảo đảm sự công khai, minh bạch ngay tại dự án Luật. Về nguyên tắc, Ủy ban Kinh tế đồng tình với việc thực hiện các biện pháp cắt giảm chi phí của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt nhưng đề nghị cân nhắc, xem xét quy định cụ thể hơn để bảo đảm quyền lợi của các bên còn lại trong hợp đồng và quyền lợi của người gửi tiền theo quy định của Hiến pháp và Bộ luật dân sự.

Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị Cơ quan soạn thảo cần đánh giá cụ thể hơn về tác động đến ngân sách nhà nước khi áp dụng các biện pháp hỗ trợ tài chính như quy định tại dự thảo Luật, đồng thời, đánh giá khả năng có thể huy động được các nguồn lực khác trong xã hội vào việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng.

Kim Tiền

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên