Cần thêm hành lang pháp lý để xử lý nợ xấu hiệu quả
Nợ xấu ngân hàng đã tăng lên trong quý III/2020 nhưng vẫn trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, vẫn cần tăng cường hành lang pháp lý để xử lý nợ xấu được hiệu quả hơn nữa.
- 17-11-2020HoREA: Nợ xấu bất động sản trên địa bàn TP.HCM vẫn trong ngưỡng an toàn
- 16-11-2020Bao phủ nợ xấu giảm tại ngân hàng
- 15-11-2020Những ngân hàng nào đã sạch nợ xấu tại VAMC?
Nợ xấu quay trở lại do dịch COVID-19
Các ngân hàng đã đồng loạt công bố báo cáo quý III. Một bức tranh chung là khó khăn, thể hiện rõ qua việc lợi nhuận sụt giảm. Trong khi doanh nghiệp, khách hàng, người dân gặp khó khăn ngay khi dịch bệnh bùng phát thì ảnh hưởng với hệ thống ngân hàng luôn có độ trễ.
Quý III và quý IV mới là thời điểm bộc lộ rõ ngành ngân hàng "ngấm đòn" COVID-19. Dấu hiệu cảnh báo chính là con số nợ xấu tăng trở lại.
Thống kê tại 16 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III cho thấy, chỉ 2 ngân hàng có nợ xấu giảm, còn lại đều có nợ xấu tăng lên.
Nợ xấu nội bảng cuối tháng 9 ở mức hơn 49.600 tỷ đồng, tăng gần 12.000 tỷ đồng so với hồi đầu năm, tương đương tăng trên 30%. Dự báo đến cuối năm nay, tỷ lệ nợ xấu cộng gộp sẽ cao gấp rưỡi so với cuối năm 2019.
Dù vậy các chuyên gia nhận định đây chưa phải là mức tăng thực chất vì còn nhiều khoản vay được giãn, hoãn, cơ cấu lại nợ theo Thông tư 01 của Ngân hàng Nhà nước nên chưa đưa vào thống kê.
Nợ xấu quay trở lại do dịch COVID-19. Ảnh minh họa - Dân trí.
Nợ xấu tăng nhưng vẫn trong tầm kiểm soát
Khi kinh tế suy giảm trên phạm vi toàn cầu và dịch bệnh kéo dài, nợ xấu gia tăng cũng là điều dễ hiểu. Trong bối cảnh này, việc đưa ra các giải pháp hiệu quả để kiểm soát và kiềm chế nợ xấu được coi là cấp bách và rất cần thiết. Đây cũng là vấn đề đã được hệ thống ngân hàng lường trước và có những dự trù từ sớm.
Theo thống kê của Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC), trong tổng số hơn 20 ngân hàng từng bán nợ cho cơ quan này, hiện có 19 ngân hàng đã mua lại toàn bộ nợ xấu trước đây bán. Điều này cho thấy, tỷ lệ xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng thương mại và tại VAMC đã giảm rõ rệt.
Việc ngày càng nhiều ngân hàng hoàn tất việc mua lại nợ xấu từ VAMC về để tự xử lý cũng có nghĩa là các ngân hàng không còn cất nợ xấu ở bên ngoài mà đã đem về để xử lý và việc kiểm soát nợ xấu cũng là điều trong tầm tay của các ngân hàng.
Củng cố hành lang pháp lý để tăng hiệu quả xử lý nợ xấu
Cần củng cố hành lang pháp lý để tăng hiệu quả xử lý nợ xấu. Ảnh minh họa.
Cùng với tiến triển khi ngân hàng mua lại nợ xấu từ VAMC để tự xử lý, các chuyên gia cho rằng ý thức người vay vốn cũng đã thay đổi rõ rệt khi họ thận trọng hơn và có ý thức trả nợ hơn. Kết quả này có được một phần là nhờ Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng giai đoạn 2016 - 2020.
Theo đó, mỗi tháng đã có khoảng 7.000 tỷ đồng nợ xấu được xử lý. Ước tính sau 3 năm, tổng lượng nợ xấu được xử lý đã gấp 4 lần giai đoạn trước.
Nghị quyết 42 là văn bản có giá trị pháp lý rất quan trọng, khi lần đầu tiên các vấn đề vướng mắc về pháp lý của ngành ngân hàng liên quan đến xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm kéo dài nhiều năm được giải quyết trong một văn bản của Quốc hội.
Thời hạn là đến hết năm nay, tỷ lệ nợ xấu phải đưa về dưới 3% một cách thực chất, an toàn theo thông lệ quốc tế. Với áp lực nợ xấu là khá lớn trước mắt, nhiều ý kiến cho rằng Nghị quyết 42 cần được cải thiện và tiếp tục kéo dài.
Các chuyên gia khuyến nghị cân nhắc 2 phương án: Ban hành Luật riêng về xử lý nợ xấu, nhằm luật hoá Nghị quyết 42, để Nghị quyết trở nên mạnh mẽ hơn hoặc là gia hạn thêm thời gian xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 và có sửa đổi để phù hợp hơn với thực tiễn, giải quyết những tồn tại đã được chỉ ra qua 5 năm thực hiện.
VTV