Cần thiết phải làm rõ mục tiêu, lộ trình phát triển logistics Việt Nam
Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan cần tập trung ưu tiên đẩy mạnh phát triển giao thông đường bộ, cũng như có lộ trình cụ thể về chiến lược đối với từng ngành hàng để phát triển hoạt động logictics Việt Nam.
- 27-01-2024Vận chuyển 1 container từ ĐBSCL về TP HCM: đường bộ đắt gần 3 lần đường thủy
- 27-01-2024Năm 2023: Xuất nhập khẩu của doanh nghiệp FDI đạt hơn 466 tỷ USD
- 27-01-2024Vay hơn 15.600 tỷ đồng xây dựng đường dây 500kV
Tại buổi lấy ý kiến dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 diễn ra sáng nay (26/1) tại TP.HCM, đông đảo DN và hiệp hội ngành hàng mong muốn, Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan cần tập trung ưu tiên đẩy mạnh phát triển giao thông đường bộ, cũng như có lộ trình cụ thể về chiến lược đối với từng ngành hàng để phát triển hoạt động logictics Việt Nam.
Một số ý kiến cho rằng, logistics Việt Nam có lợi thế lớn về hệ thống giao thông đường bộ khi kết nối nhanh và chặt chẽ với hệ thống cửa khẩu, kho bãi và các chợ đầu mối lớn của nội địa, kể cả chợ đầu mối quốc tế ở khu vực giáp ranh biên giới.
Song song với việc đầu tư logistics hàng không, đường thủy, trong lộ trình đầu tư đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nên ưu tiên đẩy mạnh phát triển giao thông đường bộ để giải quyết nhanh, hiệu quả những vấn đề cấp bách về phát triển logistics, đáp ứng nhu cầu thực tế...
Qua đó đưa hoạt động logistics lên một tầm cao mới không chỉ đơn thuần là dịch vụ mà trở thành một ngành có đóng góp chủ lực trong phát triển kinh tế. Từ việc tham gia tích cực vào các hiệp định thương mại tự do và với lợi thế địa kinh tế này, hoạt động logistics Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển và sớm tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng logistics toàn cầu.
Theo mục tiêu năm 2030, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt 6-8%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 60% - 70%; chi phí logistics giảm xuống tương đương 16% - 18% GDP; xếp hạng theo chỉ số LPI trên thế giới đạt thứ 45 trở lên. Gắn với các mục tiêu chung, nhiều ý kiến cũng kỳ vọng có sự đổi mới trong quy hoạch, đẩy mạnh đầu tư xây dựng hạ tầng phát triển dịch vụ logistics Việt Nam theo hướng đồng bộ, hiện đại.
Dự thảo cần cụ thể hóa chi tiết việc đẩy mạnh phát triển thị trường logistics với từng ngành hàng. Qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, thúc đẩy liên kết vùng kinh tế, hình thành các chuỗi cung ứng hiện đại, phát triển các dịch vụ logistics giá trị gia tăng đáp ứng nhu cầu trong nước và quốc tế.
Theo ông Phạm Quốc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam, vận tải thủy nội địa chỉ chiếm 20% hoạt động vận tải cả nước, trong chiến lược phát triển logistics đối với đường thủy và hàng không tất nhiên chưa thể làm ngay, nhưng cần thiết phải làm rõ mục tiêu, lộ trình về thời gian đầu tư thì mới sớm hiện thực hóa chiến lược như mong muốn.
“Trong Chiến lược cần tăng dần lĩnh vực logistics đường thủy, bao nhiêu phần trăm phải có mốc lộ trình rõ ràng. Trong đó đặt ra những điều kiện để phát triển logistics thủy nội địa như luồng lạch, nâng cao tĩnh không của các cầu cũng như bến thủy và kho bãi... Lộ trình cần cụ thể bởi hiện nay ở TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu để kiếm một bến thủy nội địa đang thật sự khó khăn”, ông Hưng lưu ý.
VOV