Cần Thơ: 28 chi nhánh ngân hàng, phòng giao dịch đã được hoạt động trở lại
Các chi nhánh ngân hàng, phòng giao dịch bị tạm ngưng hoạt động đã được phép hoạt động trở lại. Ảnh: An Hòa
Thông tin trên vừa được ông Nguyễn Thái Bảo, Phó chủ tịch UBND quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ cho biết vào chiều ngày 16/8.
Theo ông Bảo, trong ngày 14-15/8 tuy rơi vào ngày nghỉ cuối tuần nhưng nhưng với tinh thần hỗ trợ cho doanh nghiệp, Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 của quận vẫn tiếp nhận và thẩm định phương án “vừa cách ly vừa sản xuất, kinh doanh” mà doanh nghiệp vừa gửi bổ sung sau khi bị dừng hoạt động, nhờ vậy mà ngay sáng nay (16/8), tất cả các chi nhánh ngân hàng, phòng giao dịch đã được phép hoạt động trở lại.
Tuy nhiên, đối với 78 doanh nghiệp hoạt động trên các lĩnh vực khác do chậm trễ gửi phương án sản xuất, kinh doanh an toàn cho Ban chỉ đạo nên chưa được phép hoạt động trở lại. Trong đó, có 21 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh có gửi kế hoạch và phương án nhưng chưa đảm bảo điều kiện sản xuất an toàn, 2 công ty đã gửi kế hoạch và phương án “vừa cách ly, vừa sản xuất” nhưng đang trong quá trình thẩm định.
Các chi nhánh ngân hàng, phòng giao dịch bị tạm ngưng hoạt động đã được phép hoạt động trở lại. Ảnh: An Hòa
Trước đó, ngày 13/8, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 quận Ninh Kiều đã yêu cầu hơn 100 doanh nghiệp, chi nhánh ngân hàng, phòng giao dịch trên địa bàn tạm ngưng hoạt động vì không gửi hoặc đã gửi nhưng phương án “vừa cách ly, vừa sản xuất, kinh doanh” chưa được Ban chỉ đạo thẩm định thông qua, trong đó có 28 cơ sở của các tổ chức tín dụng.
Các chi nhánh ngân hàng, phòng giao dịch trên địa bàn quận Ninh Kiều từng bị ngưng hoạt động, bao gồm: Ngân hàngTechcombank; chi nhánh phòng giao dịch Sacombank Cái Khế; chi nhánh ngân hàng Bảo Việt Cần Thơ; chi nhánh VIB Cái Khế; phòng giao dịch Eximbank Cái Khế; phòng giao dịch SeABank Cái Khế, phòng giao dịch VCB Ninh Kiều; phòng giao dịch Ngân hàng Thương mại cổ phần Xây Dựng Ninh Kiều; và các chi nhánh ngân hàng Bảo Việt, Agribank, ACB, NCB, Đông Á, SCB, Nam Á, HDBank, OCB… đóng trên địa bàn phường Xuân Khánh.
Trao đổi với Nhadautu.vn, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Nguyễn Văn Hồng cho biết, với tinh thần hỗ trợ doanh nghiệp, địa phương đã chỉ đạo cho các sở, ngành, quận huyện tiếp nhận và xử lý nhanh các vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp để duy trì sản xuất, kinh doanh để đảm bảo mục tiêu kép và không để đứt gãy chuỗi cung ứng. Trên tinh thần đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, UBND TP. Cần Thơ đã có Văn bản đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chi nhánh Cần Thơ, chỉ đạo các tổ chức tín dụng xem xét giảm lãi suất, giãn nợ, miễn giảm lãi vay và các giải pháp phù hợp khác để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp.
“Tuy nhiên, hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn thành phố đang diễn biến phức tạp, khó lường, địa phương vừa quyết định tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đến ngày 25/8, với quyết tâm đẩy lùi dịch COVID-19, đưa địa phương trở về trạng thái bình thường mới nên ưu tiên cao nhất trong thời gian này là các hoạt động phòng chống dịch. Vì thế mà địa phương kiên quyết cho dừng ngay sản xuất, kinh doanh đối với những doanh nghiệp chưa đảm bảo quy định vừa cách ly phòng chống dịch vừa sản xuất”, ông Hồng cho biết.
Nhà đầu tư