Cân tiền tốt, tỷ giá USD/VND trườn theo mục tiêu
Cân đối tiền trong hệ thống ngân hàng đang khởi đầu tốt nhất trong nhiều năm qua...
- 19-03-2017Tỷ giá USD/VND sẽ biến động như thế nào trong thời gian tới?
- 17-03-2017Sức ép của thị trường thế giới gây áp lực điều chỉnh tỷ giá
- 14-03-2017Tỷ giá USD/VND: Thấy trước, bước có qua?
Chiều 24/3, lãnh đạo một ngân hàng thương mại cho VnEconomy biết, họ sẽ có kiến nghị gửi Ngân hàng Nhà nước xem xét nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng.
Tại ngân hàng này, năm nay bước đầu chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được giao tối đa không quá 16%. Tuy nhiên, sau khởi đầu tốt trong quý 1/2017, cùng cân đối vốn thuận lợi và đà đang có, họ muốn Ngân hàng Nhà nước nới thêm.
Những năm gần đây, nhà điều hành chính sách tiền tệ áp cơ chế giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng sát cụ thể tới từng thành viên, nhằm cân đối đúng mức tạ theo sức nâng của mỗi vận động viên, cũng như để kiểm soát theo giới hạn tăng trưởng chung. Nhưng cơ chế này không cứng nhắc, mà linh hoạt xem xét từng thời điểm để có thể điều chỉnh.
Năm nay, ngân hàng trên không phải cá biệt. Ngay tháng đầu tiên của 2017, báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia đã để ý đến một diễn biến: tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng đã có sự khởi động tốt nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Dữ liệu mà VnEconomy cập nhật đến giữa tháng 3 của toàn hệ thống tiếp tục cho thấy tăng trưởng tín dụng đã tăng khoảng 2,5%.
Hoạt động cho vay của hệ thống đã được điều tiết với tốc độ tăng tốt nhất trong nhiều năm, biểu hiện ở một số lẽ. Vốn từ ngân hàng đi ra nền kinh tế đã bớt tắc nghẽn, cũng có thể xem là một chỉ báo hoạt động sản xuất kinh doanh đã sôi động hơn. Mặt khác, như Thủ tướng Chính phủ nhiều lần chỉ đạo, tín dụng đã được điều tiết đều hơn, thay vì kẹt hoặc âm những tháng đầu năm rồi dồn bùng cuối năm như trước đây.
Việc điều tiết tín dụng, như từng thể hiện tại một số thời điểm trước đây, cũng góp phần nhất định ảnh hưởng đến tỷ giá USD/VND. Đó là tình huống kẹt tín dụng đầu ra, ứ vốn, lãi suất VND liên ngân hàng rơi quá sâu, có hiện tượng ngân hàng “đánh quả” với tỷ giá...
Cùng với tín dụng, việc điều tiết vốn từ đầu năm đến nay của Ngân hàng Nhà nước cũng đều nhịp và linh hoạt.
Ngay sau Tết Nguyên đán, nhà điều hành đã liên tục phát hành tín phiếu, để thấm hút bớt lượng tiền đưa ra mua ngoại tệ của một đợt đáng kể đầu năm. Hoạt động này cũng gián tiếp hạn chế hiện tượng dư thừa vốn ban đầu mà lãi suất liên ngân hàng giảm nhanh và mạnh. Sự can thiệp này thể hiện nhanh, cân bằng sớm các mối liên hệ thừa tiền, lãi suất VND thấp với áp lực đối với tỷ giá USD/VND.
Đến đầu tháng 3 này, gần như Ngân hàng Nhà nước đã không còn dùng đến tín phiếu để hút bớt tiền về nữa. Thay vào đó, như trên, tín dụng tăng trưởng tốt, Kho bạc Nhà nước liên tục phát hành trái phiếu vay vốn, vốn hệ thống ngân hàng thông suốt và năng động hơn thay vì dư thừa. Thậm chí vài tuần trở lại đây, Ngân hàng Nhà nước còn hỗ trợ nguồn ra trên kênh cầm cố, với số dư gần đây trên dưới 25.000 tỷ đồng.
Điều tiết tín dụng tăng tốt và cân đối nguồn cho tổng thể hệ thống, cùng với lãi suất VND đang có xu hướng giá trị hơn trên cả liên ngân hàng lẫn thị trường huy động dân cư và doanh nghiệp, đã góp phần giữ ổn định tỷ giá USD/VND, ngay cả trong điều kiện và sự kiện có tác động đáng kể.
Trước hết, thể hiện rõ trong nửa cuối tháng 2/2017, Việt Nam trở lại nhập siêu mức độ khá lớn. Hướng nhập siêu của nền kinh tế tiếp tục thể hiện trong nửa đầu tháng 3 này. Cầu ngoại tệ mạnh lên là có thực.
Cùng đó, lần thứ hai trong vòng ba tháng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất cơ bản đồng USD vào trung tuần tháng 3 vừa qua.
Song, đến thời điểm này tỷ giá USD/VND vẫn rất ổn định trước hai điều kiện và sự kiện lớn trên. Sự ổn định đặt trong hướng trườn bò theo mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước, ổn định ở mức độ thay đổi có kiểm soát chứ không cố định.
Với mức độ trườn bò thể hiện trong gần hết quý 1/2017, cùng dự báo các cân đối vĩ mô, một số chuyên gia và tổ chức nghiên cứu gần đây nghiêng về khả năng mức độ thay đổi của tỷ giá USD/VND cả năm nay chỉ trong khoảng 2-3% mà thôi.
Nếu vậy, sau khẳng định nổi bật trong 2016, năm 2017 tiếp tục có triển vọng lợi hơn nhiều cho các quyết định nắm giữ VND so với găm giữ USD, nhất là trong hơi hướng lãi suất VND tăng lên.
Tuy nhiên, thị trường có thể có biến số tác động bất thường, thậm chí có thể lớn và mạnh, nhất là từ bên ngoài, đối với tỷ giá. Nếu có, con mắt thị trường sẽ nhìn về sắc diện của Ngân hàng Nhà nước.
Cho đến thời điểm này, sắc diện đó vẫn là “cam kết” giữ ổn định và luôn sẵn sàng bán USD ra nếu thị trường cần với giá luôn thấp hơn trần biên độ 50 VND, thể hiện ở cặp giá mua vào - bán ra mà Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước niêm yết như một chốt chặn đảm bảo từ lần phát tín hiệu can thiệp ngày 28/11/2016 đến nay.