Cẩn trọng với mọi biến cố từ chiến tranh thương mại
Kinh tế gia trưởng của Tập đoàn Maybank Kim Eng (Malaysia) cho rằng chiến tranh thương mại Mỹ-Trung có thể còn mang đến nhiều biến cố trong tương lai...
Vừa qua, ông Chua Hak Bin, Kinh tế trưởng của Tập đoàn Maybank Kim Eng từ Malaysia đã có cuộc nói chuyện với các nhà đầu tư Việt Nam về bức tranh kinh tế toàn cầu và tâm điểm "chiến tranh thương mại leo thang" đang khiến cả thế giới lo ngại.
TS. Chua Hak Bin (thứ 2 từ phải sang), cùng các nhà phân tích CTCK Maybank Kim Eng VN trong hội thảo nhận định về cơ hội của TTCK Việt Nam 2018 tại HoSE.
Được biết cũng trong ngày giao dịch cuối tuần, ông đã có cuộc trò chuyện, trao đổi với nhiều quỹ đầu tư trong nước và quốc tế đang tham gia tại thị trường Việt Nam.
Theo ông Chua Hak Bin, chiến tranh thương mại Mỹ- Trung Quốc đã và đang có ảnh hưởng rõ nét đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Chỉ số quản trị mua hàng (PMI) toàn cầu đạt đỉnh và có xu hướng giảm dần. Chỉ số này tại các nước châu Á cũng bắt đầu giảm. Tuy nhiên, đầu tư tài sản cố định tại Mỹ phục hồi đang hỗ trợ xuất khẩu cho các nước châu Á. Mặc dù Trung Quốc liên tục bị Mỹ áp thuế quan bảo hộ mậu dịch và cũng trả đũa lại Mỹ, vẫn đang có tín hiệu tăng nhập khẩu nhưng giảm tốc độ tăng trưởng.
"Tác động của chiến tranh thương mại đang lan ra nhiều quốc gia có liên quan, trong đó có các đồng tiền và kinh tế của các quốc gia châu Á", TS Chua Hak Bin nói.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam cũng đang đứng trước những thách thức lẫn cơ hội. Trong 2018 (và với diễn biến của nửa đầu năm), Việt Nam vẫn tăng trưởng tín dụng chậm lại nhưng đà tăng vẫn duy trì ở 2 con số. Có dấu hiệu cho thấy lạm phát đang tăng trở lại trong những tháng gần đây. Cùng với đó, sự suy yếu của đồng Nhân dân tệ (CNY) khiến VND cũng mất giá theo. Tuy nhiên, sự tích cực của Việt Nam, là thặng dư tài khoản vãng lai sẽ góp phần củng cố tỷ giá.
Theo ông Chua Hak Bin, có 1 điều khá thú vị là khi chiến tranh thương mại nổ ra, lượng người ủng hộ Tổng thống Trump và Đảng Cộng hòa trở nên rất lớn. Bên cạnh đó, cũng xảy ra hiện tượng để tránh bị áp thuế mới, các tập đoàn đa quốc gia đã chuyển sang các nước sản xuất khác ngoài Trung Quốc để tránh thuế. Dù vậy, sự bất ổn sẽ khiến các tập đoàn tạm dừng đầu tư và gây ảnh hưởng lên nền kinh tế các nước liên quan lẫn toàn bộ nền kinh tế thế giới.
"Nhiều nước sẽ được lợi về dịch chuyển đầu tư, đặc biệt dịch chuyển về nhà cung cấp. Việt Nam, đứng đầu về vị trí địa lý, nhân công giá rẻ, có thể sẽ là điểm đến lý tưởng khi các tập đoàn thực thi chiến lược này. Nguồn cung trên thế giới không đi đâu, mà chỉ nhảy từ nước này qua nước khác. Trong thử thách có cơ hội và ngược lại.", ông Chua Hak Bin nhấn mạnh.
Ông Chua Hak Bin cũng nói rằng nếu như Chính phủ Việt Nam không tận dụng được cơ hội này khi đứng trước thử thách, Thái Lan có thể trở thành một "đối thủ" lớn của Việt Nam trong việc thu hút dòng vốn dịch chuyển bởi chiến tranh thương mại. "Harley Davidson, tập đoàn sản xuất xe máy mang tính biểu tượng của nước Mỹ, đã chọn Thái Lan làm nơi xây nhà máy mới để cải thiện khả năng phục vụ các thị trường đang có nhu cầu gia tăng, là một ví dụ cho thấy điều đó", TS Chua cho biết.
Dự báo về tương lai, ông Chua Hak Bin cho rằng khó có thể đưa ra dự báo chính xác trong diễn biến phức tạp như hiện nay. "Đòn" chiến tranh thương mại lớn hơn từ phía Washington có thể vẫn còn phía trước, khi có thể vòng áp thuế thứ 3 sẽ nâng tổng giá trị hàng hóa Trung Quốc bị đánh thuế theo mức mới lên tới 200 tỷ USD và theo thời gian dự kiến có thể ban hành trong tháng 9 sắp tới.
"Chúng ta cần chuẩn bị cho mình tâm thế linh động nhất có thể, sẵn sàng cho 1 thị trường khó đoán. Nếu gói áp thuế thương mại hơn 200 tỷ USD được ban hành, thì thị trường sẽ gặp sốc lớn. Và nền kinh tế toàn cầu sẽ đối mặt với nhiều biến cố trong tương lai", ông Chua Hak Bin nói.
Theo DDDN