MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cần ứng phó kịp thời với những diễn biến bất lợi từ bên ngoài, biến nguy cơ thành thời cơ

03-03-2019 - 10:37 AM | Tài chính - ngân hàng

Đây là yêu cầu của Thủ tướng với các bộ, ngành tại phiên họp Chính phủ thường kỳ vừa qua.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các ý kiến thảo luận tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 diễn ra ngày 1/3 vừa qua cho thấy, tình hình kinh tế tháng 2 năm 2019 tiếp tục ổn định, diễn biến tích cực trên hầu hết các lĩnh vực, với nhiều điểm nhấn đáng lưu ý.

Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, nền kinh tế nước ta còn gặp nhiều khó khăn, thách thức: Năng suất lao động và năng lực cạnh tranh còn thấp. Sức chống chịu của nền kinh tế chưa cao. Cạnh tranh thương mại Trung - Mỹ sẽ ảnh hưởng lớn phát triển kinh tế - xã hội nước ta trong thời gian tới.

Do đó, Chính phủ yêu cầu trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần theo dõi sát diễn biến tình hình trong nước và quốc tế để kịp thời có những phản ứng chính sách phù hợp. Từng thành viên Chính phủ, các bộ ngành, địa phương khẩn trương chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP và chương trình hành động của bộ ngành, địa phương.

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu cần tiếp tục ưu tiên củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tạo thêm dư địa cho điều hành chính sách kinh tế vĩ mô. Đặc biệt, Thủ tướng nêu rõ, phải biến nguy cơ thành thời cơ, chuẩn bị đón dòng đầu tư mới trong bối cảnh quốc tế hiện nay.

Ngay từ tháng 3, các Bộ trưởng: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vận dụng linh hoạt, sáng tạo, đồng bộ các công cụ chính sách để ứng phó kịp thời với những diễn biến bất lợi từ bên ngoài, tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế trước biến động khó lường của kinh tế, thương mại quốc tế. 

Thủ tướng cũng giao Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, rà soát lại quy mô GDP, bảo đảm tính khách quan, minh bạch, có tổ chức quốc tế uy tín kiểm định và sớm công bố kết quả. Trên cơ sở đó, các bộ, ngành liên quan tính toán, rà soát, đề xuất các chính sách phù hợp, nhất là về tiền tệ, tín dụng, tài khóa, đầu tư, thương mại...

Phương Thảo

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên