MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cảng hàng không Chu Lai: Xã hội hóa thế nào?

Cảng hàng không Chu Lai: Xã hội hóa thế nào?

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn vừa dẫn đầu đoàn công tác đến khảo sát sân bay Chu Lai, làm việc với tỉnh Quảng Nam và các bộ ngành liên quan đến Ðề án xã hội hóa đầu tư và khai thác Cảng hàng không (CHK) Chu Lai.

Ðoàn công tác của Bộ GTVT cùng lãnh đạo tỉnh Quảng Nam khảo sát hiện trường sân bay Chu Lai

Theo đó, Bộ GTVT đề xuất, có thể huy động tối đa nguồn vốn xã hội nhưng phải đảm bảo quyền định đoạt của nhà nước đối với tài sản kết cấu hạ tầng CHK Chu Lai; kết cấu hạ tầng sân bay Chu Lai là hạ tầng dùng chung giữa dân dụng và quân sự… UBND tỉnh Quảng Nam là cơ quan nhà nước có thẩm quyền lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án. Tổng mức đầu tư đề án khoảng 11.000 tỷ đồng.

“Mục tiêu của đề án là xây dựng giải pháp và lộ trình huy động nguồn lực đầu tư xây dựng CHK Chu Lai theo phương thức PPP. Đề xuất định hướng hoàn thiện quy định pháp luật để tạo hành lang pháp lý đầy đủ, làm cơ sở thực hiện”, đại diện Viện chiến lược Bộ GTVT cho hay.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn, CHK Chu Lai có vị trí thuận lợi, tiềm năng rất lớn. “Khi triển khai đề án, CHK Chu Lai sẽ thành một khu kinh tế đặc thù. Một cảng hàng không thì có cả kinh doanh dịch vụ, phi dịch vụ, có cả quản lý nhà nước, doanh nghiệp… Do đó cần phải làm sao để mời gọi các nhà đầu tư và có những chính sách phù hợp để triển khai”, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn nhấn mạnh.

Chưa phân định đất quốc phòng và hàng không dân dụng

Tại Thông báo số 135/TB-VPCP ngày 6/5/2022, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc nghiên cứu đầu tư, khai thác CHK Chu Lai theo hình thức xã hội hóa và giao Bộ GTVT chủ trì phối hợp với các Bộ có liên quan để xử lý kiến nghị của tỉnh Quảng Nam về Đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác CHK Chu Lai, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là CHK Chu Lai có tổng diện tích khoảng 2.006 ha, trong đó phần lớn đất tại đây do quân sự quản lý (khoảng 1.654,115ha). Việc chưa hoàn thành phân định ranh giới giữa quân sự và dân dụng tại CHK Chu Lai nên Cảng vụ hàng không chưa thể làm thủ tục đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam giao đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, dẫn đến chưa thể giao đất, cho thuê đất cho các doanh nghiệp đầu tư. Để có thể đầu tư xây dựng công trình theo quy hoạch thì phải thực hiện thủ tục chuyển đất quốc phòng sang đất hàng không dân dụng.

Cảng hàng không Chu Lai nằm trên địa bàn xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, cách TP Tam Kỳ khoảng 27km, nằm trong cụm cảng hàng không trọng điểm khu vực miền Trung. Công suất khai thác hiện tại đạt 1,2 triệu hành khách/năm. Theo quy hoạch, CHK Chu Lai giai đoạn đến năm 2030 với công suất khoảng 10 triệu hành khách/năm, tầm nhìn đến năm 2050 khoảng 30 triệu hành khách/năm.

Ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, trước hết cần phải phân định rõ phạm vi ranh giới đất đai, khu vực nào bàn giao dứt điểm cho dân sự, khu vực nào quân sự, khu vực nào dùng chung. Quảng Nam kiến nghị báo cáo với Chính phủ cần một cuộc họp để giải quyết việc này trước khi có những bước tiếp theo.

Hiện nay, Quảng Nam đang lập quy hoạch tỉnh đến năm 2050 và các bộ ngành cũng đang tham gia lập quy hoạch quốc gia đến năm 2050, trong đó sân bay Chu Lai là kết cấu hạ tầng đầu mối đặc biệt quan trọng. “Chính vì thế quy mô, công suất vận tải khách, hàng hóa, các chức năng của sân bay Chu Lai đạt đến cấp nào? cấp vùng hay cấp quốc gia?, có tính cạnh tranh thế nào trong định hướng phát triển của quốc gia sắp tới cũng cần làm rõ…”, ông Thanh nói.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn, Bộ GTVT sẽ tiếp thu ý kiến của bộ, ngành, đơn vị Trung ương và địa phương tại buổi làm việc; phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam hoàn thiện báo cáo quy hoạch CHK Chu Lai. Đồng thời sẽ có buổi làm việc với Bộ Quốc phòng để xác định khu vực quy hoạch, nhất là ranh giới, khu vực sử dụng chung giữa đất quốc phòng và đất phục vụ hàng không dân dụng.

Theo Hoài Văn

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên