MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Căng thẳng ngày càng gay gắt, nhưng đây là lý do tại sao các ngân hàng phố Wall vẫn "dành trọn chân ái" cho thị trường tỷ dân

10-01-2022 - 07:24 AM | Tài chính quốc tế

Căng thẳng ngày càng gay gắt, nhưng đây là lý do tại sao các ngân hàng phố Wall vẫn "dành trọn chân ái" cho thị trường tỷ dân

Bất chấp những căng thẳng chính trị và các cuộc đàn áp về quy định của Bắc Kinh vào năm ngoái, các ngân hàng vẫn quyết tâm muốn cạnh tranh trên lãnh thổ Trung Quốc.

Dù chính trị căng thẳng, nhưng kinh tế vẫn "tay nắm tay"

Khi căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc vào mùa hè năm ngoái, giám đốc điều hành của JPMorgan Chase & Co., Jamie Dimon, cho biết ông muốn đến Hồng Kông càng sớm càng tốt. Dimon đã làm điều đó vào tháng 11, ông là giám đốc điều hành ngân hàng lớn đầu tiên của Mỹ đến thăm Trung Quốc kể từ khi đại dịch bắt đầu.

Chuyến đi kéo dài 32 giờ của ông đến trung tâm tài chính châu Á là cơ hội để cảm ơn hàng nghìn nhân viên ở đó. Đồng thời, đây cũng là một lời nhắc nhở về cam kết của công ty đối với Trung Quốc đại lục, nơi JPMorgan có khoảng 20 tỷ USD, chủ yếu từ cho vay, tiền gửi, giao dịch và đầu tư.

Một số chính trị gia Mỹ đã kêu gọi các công ty của đất nước quay lưng lại với Trung Quốc vì lo ngại về an ninh quốc gia và nhân quyền. Nhưng các ngân hàng Phố Wall thay vào đó đang ngày càng thân thiết hơn với đất nước tỷ dân. Vào tháng 8, JPMorgan đã nắm toàn quyền kiểm soát một công ty có mối quan hệ liên doanh chứng khoán với một công ty Trung Quốc, và có ý định làm điều tương tự với một doanh nghiệp quản lý tài sản mà một phần thuộc sở hữu của ngân hàng này.

Morgan Stanley đang kiếm giấy phép để mở năm ngân hàng mới ở Trung Quốc vào năm 2022, trong khi đó, Goldman Sachs đã tăng gấp đôi lực lượng lao động của mình tại chi nhánh ở Trung Quốc. Citigroup đã nộp đơn xin giấy phép ngân hàng đầu tư và kinh doanh chứng khoán vào tháng 12. Ngân hàng này cũng có kế hoạch xin các giấy phép khác trong tương lai vào năm 2022, đồng thời bổ sung thêm 100 nhân viên tại quốc gia này.

Cả chính phủ Mỹ và Trung Quốc đều đã thẳng tay đàn áp các công ty Trung Quốc niêm yết cổ phiếu của họ tại New York, làm tổn hại đến hoạt động kinh doanh béo bở vốn được thúc đẩy từ Hồng Kông. Nhưng các ngân hàng Mỹ muốn sở hữu một phần của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, cũng là tổ chức phát hành cổ phiếu lớn thứ hai. Họ đang chuyển hướng sang tiếp cận các công ty cho vay hàng đầu của Trung Quốc.

Gokul Laroia, Giám đốc điều hành hoạt động khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Morgan Stanley, mô tả quyết định của ngân hàng khi coi Trung Quốc là một cơ hội lớn và cạnh tranh kinh doanh ở đại lục cũng như nước ngoài: "Tôi không nghĩ rằng chúng ta có sự lựa chọn". Mặc dù các ngân hàng toàn cầu chưa kiếm được nhiều tiền ở Trung Quốc, nhưng tiềm năng tăng giá là rất lớn. Ông nói: "Nếu bạn tiếp tục khuyên tôi không nên đầu tư vào các nền tảng trong nước vì chúng không sinh lời nhiều, tôi nghĩ bạn chưa tận dụng hết cơ hội".

Bắc Kinh và New York giáng đòn đau

Phố Wall từ lâu đã coi Trung Quốc là ranh giới kiếm tiền tuyệt vời cuối cùng và 2021 được cho là năm các khoản đầu tư khổng lồ của các công ty sẽ bắt đầu đơm hoa kết trái. Các ngân hàng nước ngoài vừa được trao toàn quyền kiểm soát các liên doanh và thành lập các doanh nghiệp quản lý tài sản của riêng họ. 

Nhưng trước thềm năm mới, Bắc Kinh đã loại bỏ khoản phát hành lần đầu ra công chúng trị giá 35 tỷ USD của Ant Group vào phút cuối và tước đi gần 400 triệu USD tiền phí của các công ty, bao gồm JPMorgan và Citigroup. Sự siết chặt quy định sau đó đối với các lĩnh vực từ công nghệ đến giáo dục và bất động sản cũng gây nên các hạn chế đối với nhu cầu IPO.

Căng thẳng ngày càng gay gắt, nhưng đây là lý do tại sao các ngân hàng phố Wall vẫn dành trọn chân ái cho thị trường tỷ dân - Ảnh 1.

IPO của các ngân hàng phố Wall tại Hồng Kông vào năm 2021

Ngoài ra, Mỹ đang tăng cường các quy định về công khai tài chính đối với những công ty Trung Quốc niêm yết cổ phiếu trên các sàn giao dịch của Mỹ. Các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc đang buộc công ty gọi xe DiDi phải hủy niêm yết tại Mỹ, với lý do lo ngại về việc kiểm soát dữ liệu công ty. Họ cũng thắt chặt các lỗ hổng đã từng tạo điều kiện cho hàng chục hoạt động IPO của Mỹ.

Kết quả là các công ty Trung Quốc giảm 52% giá trị vào năm 2021, cắt giảm phí của các ngân hàng, điển hìnhs như Goldman đã đưa DiDi và các công ty khác lên niêm yết tại New York. Hoạt động kinh doanh đó đã phát triển mạnh đến mức các ngân hàng đã lỗ hơn 1 tỷ USD phí IPO vào năm 2020 từ các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ, trước khi giảm 42% vào năm ngoái xuống còn 625 triệu USD.

Mặc dù sự đóng băng ở New York có thể chỉ là tạm thời, nhưng rõ ràng là các công ty Trung Quốc ít có nhu cầu huy động tiền ra nước ngoài hơn khi họ có thể dễ dàng niêm yết tại Hồng Kông hoặc thông qua các sàn giao dịch đang phát triển ở Thượng Hải hoặc Thâm Quyến. Peter Alexander, người đã tư vấn cho các nhà quản lý tài sản toàn cầu ở Trung Quốc, cho biết một quan chức cấp cao của Trung Quốc gần đây đã nói với ông: "Peter, hãy nói với khách hàng rằng chúng tôi sẽ hoan nghênh nguồn vốn của họ, nhưng chúng tôi không cần thị trường vốn của họ nữa".

Lực bất tòng tâm

Tiến sâu hơn vào thị trường nội địa đầy rủi ro của Trung. Các công ty tài chính toàn cầu đã công bố khoản lỗ ở đại lục là 48 triệu USD vào năm 2020, trong khi lợi nhuận tại các ngân hàng đầu tư tại Trung Quốc là 24,4 tỷ USD, theo hồ sơ.

Bảng xếp hạng giao dịch cho thấy các ngân hàng nước ngoài vẫn không thể xâm nhập đáng kể vào Trung Quốc sau nhiều năm cố gắng. Theo dữ liệu của Bloomberg, Goldman đứng thứ 15 về huy động vốn cổ phần trong nước tại Trung Quốc vào năm ngoái. Các ngân hàng nước ngoài chưa bao giờ thâm nhập được vào thị trường trái phiếu địa phương, mặc dù có lợi cho các thương vụ mua bán và sáp nhập của Trung Quốc, với 5 ngân hàng nằm trong top 10 vào năm 2021.

"Tất cả những công ty trong số này không còn gì có thể cung cấp cho Trung Quốc tại thị trường địa phương", theo Dick Bove, một nhà phân tích tại Odeon Capital Group. "Họ đã học được cách các ngân hàng Mỹ vận hành một ngân hàng đầu tư, và bây giờ họ không cần những ngân hàng này nữa".

Các chủ ngân hàng toàn cầu cho biết họ chỉ mới xin được các giấy phép mới và có thể tự mở rộng sau nhiều thập kỷ làm ăn với các đối tác địa phương. Họ cho rằng dù chỉ chiếm được một phần nhỏ trong thị trường 45 nghìn tỷ USD cũng sẽ dẫn đến khả năng thành công. Họ có niềm tin rằng nếu số tiền chảy vào Trung Quốc tăng lên, thì lĩnh vực giao dịch và quản lý tài sản sẽ tăng trưởng theo.

Các công ty tài chính Mỹ đang chiếm sóng Trung Quốc ngay trên chính sân nhà. Mark Williams, giáo sư tại Đại học Boston và là cựu giám định ngân hàng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cho biết: "Việc các ngân hàng lớn ở Phố Wall đổ xô vào Trung Quốc với hy vọng thu được lợi nhuận béo bở làm dấy lên nhiều lo ngại. Căng thẳng ngày càng tăng của Mỹ với Trung Quốc đã làm gia tăng rủi ro chính trị dẫn đến khả năng bị trừng phạt thương mại. Đồng thời, việc thay đổi chính sách đột ngột có thể ngăn cản kế hoạch mở rộng của các công ty".

Tham khảo Bloomberg 

Linh Chi

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên