MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cảnh báo cho những ai dùng điện thoại 3 năm mà không chịu thay mới: Vứt bỏ ngay vì chúng rất nguy hiểm?

27-11-2023 - 22:04 PM | Thị trường

Nhiều người sử dụng một chiếc điện thoại đã 5-6 năm, thậm chí lâu hơn. Mặc dù còn dùng tốt nhưng lời khuyên là hãy thay mới ngay khi có thể.

Chúng ta thường xuyên gắn bó với một chiếc điện thoại trong nhiều năm bởi các lý do khác nhau: thiết bị mang tính kỷ niệm; các tính năng vẫn còn dùng tốt; ngân sách eo hẹp hoặc chỉ đơn giản là ngại thay đổi.

Nhưng theo các chuyên gia, nếu đã sử dụng một thiết bị quá lâu, người dùng nên cân nhắc thay mới. Thậm chí, chúng ta cũng nên có thói quen hạn chế mua điện thoại cũ dù rõ ràng đây là lựa chọn tiết kiệm chi phí.

Ngày nay, tuổi thọ trung bình của điện thoại thông minh là khoảng 2,5 năm. Con số này có thể còn ít hơn hơn với một số thiết bị giá rẻ (từ 15 đến 18 tháng) và cũng không tăng nhiều ngay cả khi điện thoại có giá vài chục triệu đồng.

Các thiết bị đến từ thương hiệu lớn như Apple và Samsung thường có tuổi thọ dài hơn các công ty nhỏ. USA Today đã đưa ra tuổi thọ trung bình của một số điện thoại phổ biến nhất hiện nay: iPhone – 4 đến 8 năm, Samsung – 3 đến 6 năm, Google Pixel – 3 đến 5 năm, Huawei – 2 đến 4 năm.

Cảnh báo cho những ai dùng điện thoại 3 năm mà không chịu thay mới: Vứt bỏ ngay vì chúng rất nguy hiểm? - Ảnh 1.

iPhone 8 Plus ra mắt từ năm 2017. Mặc dù không thể lên iOS 17 nhưng Apple vẫn cập nhật các bản vá bảo mật.

Đã có nhiều khuyến cáo về việc người dùng nên ngừng sử dụng hoặc chuyển sang làm thiết bị phụ đối với điện thoại đã quá tuổi. Vấn đề này xuất phát từ lý do bảo mật mà hậu quả đôi khi còn nhiều hơn những gì chúng ta tưởng tượng.

Các điện thoại được ra mắt cách đây nhiều năm có thể chạy các phiên bản Android lỗi thời, không có các bản cập nhật bảo mật quan trọng. Đây cũng là lý do khiến bạn dễ trở thành mục tiêu của hacker.

Các nhà sản xuất như Samsung, Sony, Google và OnePlus chỉ cung cấp hỗ trợ bảo mật cho một dòng điện thoại trong thời gian nhất định. Với việc có quá nhiều mẫu điện thoại được tung ra thị trường, các bản vá lỗi bảo mật đôi khi tiêu tốn rất nhiều nguồn lực của các công ty.

Kết quả là Google và các nhà sản xuất điện thoại phải cắt hỗ trợ cho các thiết bị cũ hơn, thường là khi chúng đã được hai hoặc ba tuổi.

Những thiết bị cầm tay đó sẽ không còn nhận được các bản cập nhật bảo mật nữa, nghĩa là kể cả có những cảnh báo về lỗ hổng hay mã độc nghiêm trọng, vấn đề sẽ không được khắc phục.

Cảnh báo cho những ai dùng điện thoại 3 năm mà không chịu thay mới: Vứt bỏ ngay vì chúng rất nguy hiểm? - Ảnh 2.

HTC One M8 ra mắt từ 2014 và hiện không còn được hỗ trợ bảo mật.

Vậy sử dụng điện thoại cũ có an toàn không?

Christoph Hebeisen, giám đốc công ty bảo mật Lookout, giải thích: "Chúng tôi không cho rằng việc chạy một thiết bị không nhận được các bản vá bảo mật là không an toàn. Chỉ đơn giản là khi không còn được hỗ trợ nữa, người dùng các thiết bị này sẽ dễ trở thành mục tiêu hơn so với người khác”.

Theo Hebeisen, một chiếc điện thoại dễ bị tấn công có thể cho phép truy cập đầy đủ vào mọi thứ trên điện thoại, bao gồm email cá nhân và công ty, thông tin liên hệ, chi tiết ngân hàng hoặc âm thanh cuộc gọi.

Tin tặc có thể tiếp tục truy cập vào thông tin này miễn là bạn vẫn đang sử dụng thiết bị rủi ro.

Paul Ducklin, nhà nghiên cứu của công ty bảo mật Sophos đồng tình: “Nếu điện thoại của bạn có một lỗ hổng phần mềm mà kẻ gian đã biết cách khai thác, chẳng hạn như để đánh cắp dữ liệu hoặc cấy phần mềm độc hại, thì lỗ hổng đó sẽ ở bên bạn mãi mãi”.

Cảnh báo cho những ai dùng điện thoại 3 năm mà không chịu thay mới: Vứt bỏ ngay vì chúng rất nguy hiểm? - Ảnh 3.

Làm sao để biết điện thoại đã quá cũ?

Việc tìm hiểu xem điện thoại của bạn có còn được hỗ trợ và thường xuyên nhận được các bản vá bảo mật không phải là điều đơn giản. Cách dễ nhất là hãy vào Cài đặt và kiểm tra các bản cập nhật phần mềm.

Thông thường, máy sẽ cung cấp cho bạn một số dấu hiệu về thời điểm điện thoại được cập nhật lần cuối. Nếu điện thoại cho biết đã có phần mềm hệ điều hành mới nhất nhưng phiên bản đó đã được cài đặt cách đây nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm thì đó là tin xấu. Điện thoại của bạn có thể không còn được hỗ trợ.

Đáng buồn thay, các nhà sản xuất không đưa ra cảnh báo cho biết khi nào họ ngừng hỗ trợ điện thoại.

Một dấu hiệu nhỏ khác là điện thoại sẽ không được hỗ trợ nữa nếu nó đã được hai đến ba năm tuổi. Tuy nhiên, điều này thay đổi tùy theo công ty.

Các điện thoại Pixel của Google thường nhận được 5 năm cập nhật kể từ Pixel 6 và 6 Pro mới nhất. iPhone có thể là thiết bị an toàn hơn khi Apple vẫn cung cấp các bản cập nhật phần mềm cho điện thoại cách đây gần 7 năm vì hãng có ít mẫu máy.

Một dấu hiệu khác để nhận biết điện thoại của bạn đã lỗi thời đó là nhiều ứng dụng trên cửa hàng không còn tương thích với phiên bản hệ điều hành hiện tại.

Cảnh báo cho những ai dùng điện thoại 3 năm mà không chịu thay mới: Vứt bỏ ngay vì chúng rất nguy hiểm? - Ảnh 4.

Samsung Galaxy S6 hiện đã không còn cập nhật bản vá bảo mật từ năm 2018.

Có nên vứt bỏ điện thoại cũ?

Như Hebeisen khuyến cáo, cách tốt nhất để giữ an toàn cho bản thân chỉ đơn giản là ngừng sử dụng điện thoại cũ không còn được hỗ trợ.

Hãy cất điện thoại vào ngăn tủ làm kỷ vật hoặc vứt bỏ tại địa điểm tái chế phù hợp để tránh gây ô nhiễm môi trường. 

Nhưng nếu bạn chưa đủ kinh phí để nâng cấp hoặc bắt buộc phải sử dụng điện thoại hiện tại thêm một khoảng thời gian thì hãy làm theo cách dưới đây để tự bảo vệ mình trước rủi ro.

Trước tiên, nên đảm bảo điện thoại đã cài đặt phần mềm mới nhất. Nếu mua điện thoại đã qua sử dụng, hãy đảm bảo khôi phục cài đặt gốc hoàn toàn.

Đảm bảo rằng chỉ tải xuống ứng dụng từ Cửa hàng Google Play (chứ không phải từ các cửa hàng ứng dụng không chính thức hoặc của bên thứ ba) và tuyệt đối tránh cài đặt ứng dụng bằng cách tải xuống tệp APK từ trang web. Đây thường là cách mà phần mềm độc hại xâm nhập vào điện thoại.

Không thực hiện bất kỳ giao dịch ngân hàng nào trên điện thoại, không đồng bộ hóa tài khoản email công ty và không gửi những bức ảnh hoặc trò chuyện quá riêng tư.

Theo Hebeisen, việc không thực hiện các biện pháp phòng ngừa như vậy, “có thể cho phép kẻ tấn công quan sát và thao túng hầu hết mọi thứ xảy ra trên thiết bị”.


Theo Mạnh Kiên

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên