Cảnh báo cho vay P2P
Hình thức cho vay ngang hàng (P2P) - một hệ thống chủ yếu kết nối những người cho vay là những nhà đầu tư cá nhân, với những người đi vay sẵn sàng trả lãi cao hơn NH - đang ngày càng phát triển rầm rộ tại Việt Nam, hướng tới cả đối tượng khách hàng cá nhân lẫn doanh nghiệp (DN).
Tuy nhiên, hoạt động của các công ty P2P hiện nay còn tiềm ẩn nhiều vấn đề như lãi suất rất cao, công ty thu phí nhưng khách hàng không giao dịch được… khiến những người tham gia chịu thiệt thòi lớn.
P2P bùng nổ
2,7 triệu đơn vay trên hệ thống, hơn 37.690 tỷ đồng tiền giải ngân, cùng với hơn 1,8 triệu người đăng ký vay, 18.186 người tham gia cho vay, là những con số hiển thị trên sàn kết nối tài chính Tima vào ngày 8-8. Tima là sàn giao dịch tài chính cung cấp dịch vụ đăng ký khoản vay online (tín chấp và thế chấp), duyệt thông tin đăng ký nhanh qua điện thoại, ký hợp đồng tại địa điểm khách hàng chỉ định.
Do các văn bản pháp luật vẫn chưa có quy định nào về vấn đề này, nên nếu xảy ra rủi ro khi tham gia mô hình P2P sẽ rất khó giải quyết quyền lợi cho nhà đầu tư, vì không có cơ sở để xử lý tranh chấp.
TS. BÙI QUANG TÍN,
Đại học NH TPHCM
Sau khi điền thông tin vào mẫu đơn, nhân viên Tima sẽ gọi điện cho người đăng ký trong vòng 30 phút để thông báo số tiền được duyệt về khoản vay. Ngay sau khi ký hợp đồng, khách hàng có thể nhận được tiền giải ngân thông qua tài khoản NH, hoặc tại hơn 4.000 điểm giao dịch của đối tác trên toàn quốc.
Theo vaymuon.vn, người vay cũng có thể vay nhanh không cần gặp mặt, với mức vay từ 1-10 triệu đồng trong 30 phút. Thực ra đơn vị có tên Vay Mượn không phải NH, không phải công ty tài chính, sử dụng công nghệ để kết nối nhu cầu của người vay và nhà đầu tư, bằng cách cung cấp cho người vay mức giá tốt nhất, còn bên cho vay là những nhà đầu tư tận dụng khoản tiền nhỏ nhưng được lợi nhuận cao nhất, khoản vay an toàn, thu hồi đúng hạn.
Hay như với mục đích hướng đến đối tượng sinh viên, Mofin cung cấp các khoản vay có giá trị từ 1-5 triệu đồng, với lựa chọn kỳ hạn vay là 10 và 15 ngày tùy thuộc vào chỉ số tín nhiệm mà ứng dụng này xác định. Việc nhận và thanh toán tiền cho nhà đầu tư hoàn toàn qua tài khoản thẻ ATM của người vay cung cấp cho Mofin.
Ngoài đối tượng khách hàng cá nhân, một số công ty P2P cũng nhắm đến khách hàng DN. Chẳng hạn Lendbiz cho biết công ty đứng ra kết nối giữa các DN với cộng đồng các nhà đầu tư, và khẳng định mô hình này cho phép các nhà đầu tư tham gia hỗ trợ thúc đẩy kinh tế Việt Nam, làm giàu bằng cách đầu tư trực tiếp cho các DN cần vốn trong quá trình hoạt động và phát triển.
Thông qua Lendbiz, DN có thể huy động vốn từ 100 triệu đến 1 tỷ đồng, kỳ hạn trả từ 3 đến 12 tháng, không cần tài sản bảo đảm nếu gọi vốn đến 500 triệu đồng, phê duyệt nhanh trong vòng 48 giờ, được trả nợ trước hạn nếu đã sử dụng vốn trên 2/3 thời gian. Chủ DN chỉ cần đăng ký online, Lendbiz sẽ cử cán bộ liên lạc, tiếp xúc và hướng dẫn các thủ tục đăng ký nhận vốn đầu tư. Trong vòng 48 giờ, Lendbiz sẽ đánh giá và thông báo chấp thuận hay không chấp thuận về việc sẽ giới thiệu nhu cầu huy động vốn của DN đến cộng đồng.
Rủi ro đến từ lãi suất cao
Mô hình P2P lần đầu tiên xuất hiện ở Anh, bùng nổ mạnh mẽ tại thị trường Hoa Kỳ và phát triển đạt đỉnh tại Trung Quốc. Theo báo cáo của Hiệp hội Tài chính Internet Quốc gia Trung Quốc, đã có khoảng 50 triệu người dùng tham gia vào các nền tảng P2P của Trung Quốc. Tổng dư nợ của ngành này tại Trung Quốc lên đến 1.300 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 192 tỷ USD).
Tuy nhiên, theo Tập đoàn Yingcan (Thượng Hải), tính từ đầu tháng 7 đến nay, đã có ít nhất 118 sàn P2P tại Trung Quốc bị phá sản, mức cao nhất trong vòng 2 năm trở lại đây, trong đó bao gồm các công ty đã ngừng hoạt động hoặc đang bị cảnh sát kinh tế Trung Quốc điều tra.
Các nhà phân tích tại NH Đầu tư Trung Quốc (CICC) dự báo chỉ khoảng 10% các sàn P2P hiện tại sẽ tồn tại được trong 3 năm tới. Một số sàn P2P vừa đóng cửa cũng nhận định, nhiều nhà đầu tư mất niềm tin và dòng vốn bị rút ra đáng kể do một số khách vay không còn ý định và khả năng hoàn trả các khoản vay, gây ra một tác động lớn đến hoạt động và làm cạn kiệt nguồn thanh khoản của công ty.
Sự sụp đổ của ngành cho vay ngang hàng tại Trung Quốc đang là một lời cảnh báo đáng chú ý đối với lĩnh vực P2P tại Việt Nam. Rủi ro này đến từ việc lãi suất cho vay trên các sàn giao dịch P2P quá cao. Tại vaymuon.vn, khoản vay 10 triệu đồng thời hạn 30 ngày phải chịu phí 750.000 đồng, lãi 150.000 đồng, theo đó số tiền phải trả cho khoản vay này lên đến 10.900.000 đồng/tháng, tương đương lãi suất 9%/tháng (102%/năm).
Mofin thông báo không áp dụng lãi suất, chỉ thu phí tư vấn cố định 150.000 đồng cho bất cứ khoản vay từ 1- 5 triệu đồng, phí thu xếp khoản vay (tùy thuộc vào khoản vay và thời điểm vay, được công bố chi tiết theo từng khoản vay trước khi người vay đồng ý khoản vay) và thu hộ phí chuyển tiền của nhà đầu tư cho người vay với khoản phí dao động từ 50.000 đồng do nhà đầu tư quyết định.
Như vậy, vay 1 triệu đồng trong 1 tháng có thể mất phí đến 200.000 đồng, tương đương 20%/tháng. Lendbiz cũng hứa hẹn khi đầu tư vào các DN, nhà đầu tư sẽ nhận lợi tức từ 15-22%/năm. Như vậy, đây cũng là mức lãi suất tối thiểu mà DN đi vay phải trả khi tham gia vay vốn với hình thức P2P. Lãi suất cao trước hết gây thiệt thòi cho người vay, và khi không trả nợ được sẽ chịu sức ép lớn khi bị đòi nợ.
Không có tính pháp lý
Hiện một số nhà đầu tư đang đặt câu hỏi về độ tin cậy của các công ty P2P này. Chị L.T.T (ngụ quận Gò Vấp, TPHCM) cho biết đã đăng ký làm nhà đầu tư của Tima. Để nhận đơn vay, nhà đầu tư phải trả tiền phí (trên ứng dụng gọi là giá đơn) từ 6.000-22.000 đồng/đơn. Thế nhưng sau khi trả phí nhận đơn, chị liên hệ khách hàng lại không vay và mất luôn tiền phí. Do đó, chị nghi ngờ đơn vay ảo nhằm ăn chặn phí của nhà đầu tư.
ĐTTC cũng liên hệ với tổng đài của Tima để hỏi về lãi suất và phí phải trả khi vay, nhân viên tư vấn trả lời chung chung là công ty không đưa ra lãi suất vay, người vay muốn biết lãi vay bao nhiêu phải đăng ký khoản vay và chờ đối tác nhận đơn vay quyết định, tức là nhà đầu tư sẽ là người đưa ra lãi suất.
Còn tại một số công ty P2P khác, nhà đầu tư được yêu cầu để trở thành người cho vay phải nộp tiền vào tài khoản tại hệ thống bằng cách chuyển khoản qua NH, công ty sẽ chuyển đến người vay. Người đứng tên tài khoản hệ thống lại chính là giám đốc công ty.
P2P thực hiện giao dịch không gặp mặt, hoàn toàn thông qua ứng dụng và hiện chưa có quy định nào quản lý hình thức này. Hơn nữa, 24 công ty fintech được NHNN cấp phép chỉ thực hiện cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, không có đơn vị nào được phép thực hiện nghiệp vụ huy động và cho vay.
Song các công ty cho vay P2P chỉ với giấy phép kinh doanh do Sở Kế hoạch và Đầu tư địa phương cấp, không chỉ đứng ra tổ chức kết nối cho vay, yêu cầu khách hàng chuyển tiền vào tài khoản giám đốc là điều đáng ngờ. Bởi nguồn tiền này không được phong tỏa và cũng không ai có thể kiểm soát được dòng tiền này có thật sự cho vay hay không.
Một chuyên gia tài chính còn cho biết thêm, muốn vay/cho vay, người tham gia phải điền thông tin tại các ứng dụng này, nhưng rất nhiều trường hợp phản ánh không tiếp cận được vốn vay hoặc cho vay. Như vậy, có thể thông tin cá nhân của người vay có thể được thu thập để bán cho một bên khác.
Với nhiều rủi ro đang hiện hữu, NHNN và các cơ quan có liên quan cần nghiên cứu kỹ về mô hình này, xây dựng hành lang pháp lý thử nghiệm để duy trì những mô hình tốt và xử lý các mô hình tín dụng đen trá hình hoặc các công ty lừa đảo núp bóng đổi mới, áp dụng công nghệ tài chính để cho vay với lãi suất cắt cổ hay ăn chặn phí của khách hàng.
Sài gòn đầu tư tài chính