MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cảnh báo chuyển tiền bất hợp pháp cho đại gia ôm mộng thẻ xanh Mỹ

09-05-2016 - 16:51 PM | Xã hội

Thời gian gần đây tại Hà Nội và TPHCM liên tiếp diễn ra các hội thảo nhắm tới đối tượng các đại gia “ôm mộng” nhập cư vào Mỹ dưới dạng EB5. Các công ty môi giới tung ra những lời quảng cáo đường mật, chỉ cần bỏ 500 nghìn USD là các đại gia Việt Nam có cơ hội sở hữu thẻ xanh của Mỹ. Tuy nhiên, sự thật là đằng ra những chiêu quảng cáo đó còn nhiều điều mập mờ.

Tiếp theo loạt bài về việc đầu tư tiền ra nước ngoài để lấy thẻ xanh “ 500.000 USD... một chiếc “thẻ xanh ” đăng trên báo số 78 và “ Bỏ tiền đầu tư để định cư tại Mỹ: Coi chừng “tiền mất - tật mang ” số 84, PV đã có bài phỏng vấn ông Nguyễn Ngọc Cảnh – Vụ trưởng Vụ quản lý ngoại hối NHNN về các quy định pháp luật liên quan đến việc chuyển tiền một chiều ra nước ngoài.

Theo đó, nếu các công ty môi giới không thể xuất trình được giấy phép đầu tư ra nước ngoài do Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp phép, thì có thể khẳng định giao dịch chuyển tiền đầu tư bất động sản đó là bất hợp pháp.

Thưa ông, quy định hiện hành về quản lý ngoại hối có cho phép cá nhân chuyển tiền ra nước ngoài để mua bất động sản không?

Theo quy định tại Pháp lệnh Ngoại hối năm 2005 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2013), Nghị định 70/2014/NĐ-CP ngày 17/7/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối, cá nhân là công dân Việt Nam được phép chuyển tiền ra nước ngoài cho các mục đích hợp pháp như: học tập, chữa bệnh ở nước ngoài; đi công tác, du lịch, thăm viếng ở nước ngoài; trả các loại phí, lệ phí cho nước ngoài; trợ cấp cho thân nhân đang ở nước ngoài; chuyển tiền thừa kế cho người hưởng thừa kế ở nước ngoài; chuyển tiền trong trường hợp định cư ở nước ngoài trên cơ sở xuất trình giấy tờ, chứng từ phù hợp với giao dịch thực tế.

Trường hợp chuyển tiền để đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực bất động sản, cá nhân cần tuân thủ các quy định tại Luật Đầu tư và các văn bản có liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài. Theo đó, để được đầu tư trực tiếp ra nước ngoài, nhà đầu tư là cá nhân phải được cấp Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài, thực hiện mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp tại một tổ chức tín dụng được phép và thực hiện đăng ký với Ngân hàng Nhà nước hoặc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố sau khi được cấp Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định.

NHNN quản lý các dòng tiền chuyển ra nước ngoài như thế nào để hạn chế các trường hợp chuyển tiền số lượng lớn ra nước ngoài, ngăn chặn tình trạng chảy máu ngoại tệ?

Đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài, việc thanh toán, chuyển tiền ra khỏi Việt Nam được giám sát thông qua cơ chế đăng ký tài khoản chuyển vốn đầu tư tại TCTD được phép và tuân thủ tiến độ chuyển vốn đầu tư theo các quy định có liên quan của pháp luật.

Đối với hoạt động vay và cho vay ra nước ngoài, việc thanh toán, chuyển tiền được giám sát theo cơ chế đăng ký khoản vay phù hợp với quy định của NHNN. Riêng đối với tổ chức kinh tế chỉ được cho vay ra nước ngoài sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép.

Khi thực hiện các giao dịch thanh toán, chuyển tiền vào và ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm xuất trình chứng từ theo quy định của TCTD và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của các loại giấy tờ, chứng từ đã xuất trình (khoản 2 Điều 4 Nghị định 70/2014/NĐ-CP), đồng thời TCTD được phép và tổ chức khác được phép hoạt động ngoại hối khi thực hiện các giao dịch ngoại hối cho khách hàng có trách nhiệm kiểm tra, lưu giữ các giấy tờ và các chứng từ phù hợp với các giao dịch thực tế để đảm bảo việc cung ứng dịch vụ ngoại hối được thực hiện đúng mục đích và phù hợp với quy định của pháp luật.

Như vậy, NHNN đã có cơ chế kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các giao dịch chuyển tiền vào và ra khỏi Việt Nam, hạn chế các hoạt động chuyển tiền bất hợp pháp.

NHNN có khuyến cáo gì đối với các tổ chức, cá nhân khi thực hiện các giao dịch chuyển tiền bất hợp pháp?

Như đã nêu ở trên, pháp luật hiện hành về quản lý ngoại hối đã quy định cụ thể các trường hợp chuyển tiền ra, vào lãnh thổ Việt Nam. Mọi trường hợp chuyển tiền không đúng quy định của pháp luật đều bị xử phạt theo các chế tài được quy định tại Nghị định 96/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014, theo đó mức xử phạt các hành vi vi phạm về hoạt động ngoại hối được quy định rất cao so với trước đây, bao gồm các hình thức phạt tiền lên tới 500-600 triệu đồng, tịch thu tang vật hoặc rút Giấy phép. Ngoài ra, việc chuyển tiền không thông qua các kênh chuyển tiền hợp pháp có thể phát sinh rủi ro mất tiền cho người gửi.

Vì vậy, các tổ chức, cá nhân cần tuân thủ các quy định của pháp luật khi thực hiện chuyển tiền vào, ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, hạn chế các rủi ro không đáng có.

Theo Lan Hương

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên