Cảnh báo đường dây giả danh công an, kiểm sát viên gọi điện lừa đảo, chiếm đoạt hơn 200 tỷ đồng
Nhiều hình thức lừa đảo trực tuyến nổi lên trong thời gian qua, trong đó đáng chú ý là đường dây giả danh công an, kiểm sát viên gọi điện lừa đảo chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng từ nhiều nạn nhân.
- 26-02-2024Vừa đánh giá 5 sao dịch vụ nâng cấp SIM 4G thì tố cáo nhà mạng lừa đảo 170 triệu đồng, cô gái lập tức bị cảnh sát tạm giữ
- 26-02-2024Bắt đầu cắt sóng 2G từ 1/3, điện thoại "cục gạch" sẽ thực sự trở thành cục gạch?
- 26-02-2024Đối tượng sinh năm 2006 bị bắt vì lừa đảo số tiền lớn trên toàn quốc
Ngày 18/2, Phòng Cảnh sát hình sự Công an Nghệ An phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) và công an các địa phương thực hiện bắt giữ 32 nghi can thuộc đường dây giả danh công an, kiểm sát viên gọi điện lừa đảo, chiếm đoạt hơn 200 tỷ đồng của nhiều nạn nhân.
Các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trực tuyến ngày một trở nên tinh vi và phức tạp
Qua điều tra ban đầu, công an xác định các nghi phạm trong băng nhóm này là người Việt Nam và Đài Loan (Trung Quốc), hoạt động lừa đảo thông qua công ty của nước ngoài, gồm 3 tuyến D1, D2 và D3.
D1 là nhóm giả danh cơ quan chức năng gọi điện đến nạn nhân thông báo số điện thoại của nạn nhân sẽ bị khóa sim, tài khoản ngân hàng sẽ bị phong tỏa vì nạn nhân đang liên quan đến các tổ chức lừa đảo hoặc tài khoản, số điện thoại đang bị các tổ chức lừa đảo sử dụng để hoạt động phạm tội. Khi nạn nhân đã tin tưởng, rơi vào bẫy, nhóm này sẽ chuyển cuộc gọi của nạn nhân cho nhóm D2.
D2 là nhóm giả danh cán bộ Cục Cảnh sát Bộ Công an hoặc kiểm sát viên của Viện Kiểm sát thông báo cho nạn nhân việc giấy tờ tùy thân của nạn nhân đang bị tội phạm lợi dụng để phạm tội, yêu cầu phối hợp điều tra, đe dọa ra lệnh bắt tạm giam, lệnh phong tỏa tài khoản của bị hại. Sau khi biết nạn nhân đã dính bẫy, nhóm này yêu cầu nạn nhân khai báo thông tin về tài sản (tài khoản ngân hàng, mật khẩu, sổ tiết kiệm, tiền mặt, vàng, ngoại tệ...) để chuyển cho nhóm D3 xác minh.
D3 là đối tượng cầm đầu đường dây, yêu cầu nạn nhân ra ngân hàng đăng ký dịch vụ ngân hàng điện tử, đọc thông tin đăng nhập và các mã OTP; rút sổ tiết kiệm để chuyển tiền vào ngân hàng của đối tượng nhằm chiếm đoạt tài khoản ngân hàng điện tử của nạn nhân.
Tang vật của vụ án bị công an thu giữ
Có thể thấy, hành vi của các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản trực tuyến ngày một trở nên tinh vi và phức tạp. Các đối tượng hoạt động theo quy mô lớn thông qua không gian mạng một cách chuyên nghiệp. Điều này khiến việc nhận diện và xử lý lừa đảo của cơ quan chức năng sẽ trở nên thách thức và khó khăn hơn bao giờ hết.
Trước thông tin trên, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) khuyến cáo người dân nên đề cao cảnh giác trước tất cả các cuộc gọi lạ có dấu hiệu đáng ngờ. Tuyệt đối không làm theo yêu cầu và hướng dẫn của đối tượng, không cung cấp thông tin cá nhân như CCCD, CMND, mã OTP, số tài khoản ngân hàng...
Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo như trên, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất để giải quyết vụ việc theo quy định.
Tổ quốc