Cảnh báo "tín dụng đen" núp bóng doanh nghiệp phát hành sổ tiết kiệm
Thời gian gần đây, liên tiếp nhiều vụ vỡ nợ ở các tỉnh miền Trung với số tiền hàng chục tỉ, thậm chí hàng trăm tỉ đồng đã gây chấn động dư luận. Điều khiến dư luận xôn xao là phần lớn ở các vùng quê xảy ra các vụ vỡ nợ, đều là những làng quê nghèo, người dân quanh năm vất vả với ruộng đồng.
- 29-05-2018Tín dụng đen giăng bẫy dân nghèo
- 15-05-2018Cho vay ngang hàng: Tiềm ẩn tín dụng đen
- 16-03-2018Vay 10 triệu đồng phải trả 30 triệu đồng: Chặt ‘vòi bạch tuộc’ tín dụng đen
Thậm chí có nhiều gia đình hoàn cảnh rất khó khăn, tưởng chừng không có đồng nào giắt lưng, nhưng trước làn sóng góp vốn, lãi suất ngất ngưởng đã tìm mọi cách huy động tiền đưa cho người khác để hưởng lãi suất chênh lệch.
Phát hành sổ tiết kiệm để huy động vốn trái phép
Trung tuần tháng 4-2018, hàng trăm người dân tại các huyện Nghi Lộc, Yên Thành và vùng phụ cận, hoang mang lẫn hoảng loạn trước thông tin ông Trần Văn Phúc (51 tuổi), Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) vàng bạc Phúc Nhiên tại xã Bảo Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) tuyên bố vỡ nợ, dỡ bảng hiệu và ngừng các hoạt động kinh doanh.
Trước đó, thông qua hình thức phát hành sổ tiết kiệm (chưa được cơ quan chức năng có thẩm quyền cho phép), doanh nghiệp này đã huy động vốn của hàng trăm người dân trên địa bàn, với số tiền ban đầu lên đến khoảng 70 tỉ đồng.
Sổ huy động vốn, sổ tiết kiệm… các doanh nghiệp phát hành trái phép để huy động vốn rồi tuyên bố vỡ nợ.
Cầm cái gọi là "Sổ tiết kiệm" do DNTN Phúc Nhiên phát hành, ông Lê Anh Đào (52 tuổi), trú tại xã Sơn Thành, huyện Yên Thành đau khổ cho biết: Cũng vì tin tưởng vợ chồng Phúc Nhiên kinh doanh trong lĩnh vực vàng bạc hàng chục năm nay, làm ăn uy tín nên ông mới tin tưởng, gom hết tài sản tích cóp được gửi tiết kiệm vào doanh nghiệp này với lãi suất 7,5%/năm (cao hơn lãi suất ngân hàng 1%/năm). Tổng số tiền mà doanh nghiệp này chiếm đoạt của ông Đào thông qua hình thức này là gần 150 triệu đồng.
Tương tự, Nguyễn Thị Danh (54 tuổi) trú tại xã Nghi Văn, huyện Nghi Lộc hiện đang còn hơn 1,2 tỉ đồng gửi tại doanh nghiệp này, trong đó bao gồm 42.700 euro, 1.000 đô la Mỹ và 34 triệu đồng. Theo bà Danh, không chỉ huy động vốn, doanh nghiệp Phúc Nhiên còn cho người dân vay tiền với lãi suất cao hơn rất nhiều so với nhận gửi. Nếu ai có nhu cầu vay tiền thì mang theo "bìa đỏ" để thế chấp, chấp nhận mức lãi suất từ 1.000 - 3.000 đồng/ngày cho mỗi triệu đồng vay.
Theo quan sát của phóng viên, cái gọi là "sổ tiết kiệm" mà DNTN vàng bạc Phúc Nhiên phát hành để huy động tiền gửi có vẻ bề ngoài rất giống với sổ tiết kiệm do ngân hàng phát hành. Trong sổ có cả con dấu của doanh nghiệp, ghi đầy đủ tên, địa chỉ người gửi, số tiền gửi và lãi suất theo năm.
Trung tá Phạm Ngọc Cảnh, Trưởng Công an huyện Yên Thành (Nghệ An) cho biết, từ cuối năm 2016 đến nay đơn vị đã tiếp nhận nhiều đơn của người dân tố cáo ông Trần Văn Phúc chiếm đoạt tiền của họ. Do vụ việc phức tạp, có dấu hiệu huy động vốn trái pháp luật và liên quan đến nhiều người nên đến nay, vụ việc vẫn đang trong quá trình điều tra.
Theo nội dung đơn tố cáo, có 84 hộ dân đã gửi tiền cho DNTN vàng bạc Phúc Nhiên, với số tiền hơn 30 tỷ đồng. Trong đó gồm 9.100 bảng Anh, hơn 142.000 euro, hơn 262.000 đô la Mỹ và 14 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo người dân đây chỉ mới là những hộ dân quen biết nhau, cùng nhau ký đơn tập thể. Còn đơn cá nhân tố cáo lên Công an huyện Yên Thành lên tới 200 người, với số tiền khoảng 70 tỷ đồng.
Cũng trên địa bàn huyện Yên Thành, mới đây nhất vào cuối tháng 5-2018, thông tin ông Phạm Công Đồng (40 tuổi) trú tại xã Khánh Thành, là chủ phường, hụi tại địa bàn đã âm thầm ôm hơn 4 tỷ đồng bỏ trốn khỏi địa phương khiến khoảng 100 người cho vay như đứng ngồi trên đống lửa.
Thông tin từ chính quyền xã Khánh Thành, chỉ riêng ở xã này, trong vòng 4 tháng qua đã xảy ra 3 vụ vỡ phường hụi. Trong khi đó, ở xã Bảo Thành kế bên, vụ vỡ nợ của DNTN vàng bạc Phúc Nhiên là vụ vỡ nợ thứ 5 xảy ra trong khoảng thời gian 2 năm trở lại đây.
Công an huyện Yên Thành cũng đã chuyển hồ sơ vụ việc liên quan đến bà Bùi Thị Oanh (31 tuổi), trú tại xã Hợp Thành, huyện Yên Thành khi bà này tuyên bố vỡ nợ với số tiền 15 tỷ đồng. Điều đáng nói, chỉ là người đàn bà bán buôn tạp hóa ở chợ, để vay được tiền tỉ, Oanh đã đánh lừa người dân rằng, vay tiền góp vốn làm ăn với con dâu của một đại gia có uy tín trên địa bàn khiến ai cũng tin tưởng. Đến lúc Oanh vỡ nợ, người dân tìm đến công ty của người này đòi nợ thì mới vỡ lẽ.
Cũng thời gian này, người dân xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) xôn xao khi phát hiện Công ty TNHH Tình Chương, đóng tại địa chỉ nói trên mặc dù Giấy chứng nhận đăng ký thành lập doanh nghiệp không có ngành hoạt động trong lĩnh vực tài chính, huy động tiền tệ nhưng thời gian gần đây đang tổ chức huy động vốn và cho vay lại dưới nhiều hình thức khác nhau.
Doanh nghiệp vàng bạc Phúc Nhiên tại huyện Yên Thành (Nghệ An) phát hành sổ tiết kiệm, huy động khoảng 70 tỷ đồng rồi ngừng kinh doanh, tuyên bố vỡ nợ. |
Theo đó, lĩnh vực hoạt động của công ty là kinh doanh thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm nhưng đã tự phát hành sổ huy động vốn khách hàng để gom tiền. Thời điểm hiện tại, số người mà công ty vay tiền là hơn 200 người, với tổng tiền huy động lên đến 2,4 tỷ đồng, lãi suất 8%/năm. Mặc dù chưa tuyên bố vỡ nợ, song thời gian gần đây nhiều người đến đòi lại tiền, giám đốc Lê Thị Tình tuyên bố đã dùng vào giải quyết việc riêng của công ty, chưa có trả lại khiến không ít người hoang mang, lo lắng.
Liên quan đến vấn đề huy động vốn trái phép này, ngày 11-3-2018, TAND tỉnh Nghệ An đã tuyên phạt bà Nguyễn Thị Thảo (51 tuổi) trú tại huyện Con Cuông án chung thân vì tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, với số tiền chiếm đoạt khoảng 24 tỷ đồng.
Cũng núp dưới bóng doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc, từ năm 2009, bà Thảo bắt đầu huy động vốn trái phép từ người dân với lãi suất rất cao. Sau khi nhận tiền, bà Thảo đã phát cho người dân "phiếu gửi tiền" trong đó có con dấu của doanh nghiệp. Có đến gần 490 nạn nhân tố cáo đã bị bà Thảo lừa đảo với tổng số tài sản gần 40 tỷ đồng, tuy nhiên cơ quan chức năng chỉ làm rõ được số tiền khoảng 24 tỷ đồng của hơn 300 nạn nhân.
Người dân cần cảnh giác trước "bẫy" lãi suất cao
Nói về vấn đề phát hành "sổ tiết kiệm" của các doanh nghiệp để huy động vốn, ông Đoàn Mạnh Hà, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Nghệ An khẳng định, đây là một hành vi kinh doanh trái phép.
Theo đó, Luật các tổ chức tín dụng "nghiêm cấm cá nhân, tổ chức không phải tổ chức tín dụng thực hiện hoạt động ngân hàng, trừ giao dịch ký quỹ, giao dịch mua, bán lại chứng khoán của công ty chứng khoán". Trong khi đó, các doanh nghiệp này nhận tiền gửi dưới hình thức phát hành sổ tiết kiệm là đã thực hiện hoạt động ngân hàng. Vi phạm quy định tại Khoản 2, Điều 8 Luật các tổ chức tín dụng. Theo ông Hà, hình thức tín dụng đen vẫn còn tồn tại có nhiều nguyên nhân, trước hết là do sự hấp dẫn bởi mức lãi suất người huy động. Ngoài ra, do một số người vay cần vốn nhưng không đủ điều kiện tiếp cận ngân hàng nên họ tìm đến “tín dụng đen”.
Người dân thất thần, tập trung tại nhà một con nợ để mong gỡ lại đồng vốn. |
Luật sư Nguyễn Trọng Hải, Trưởng văn phòng luật sư Trọng Hải và Cộng sự tại Nghệ An, cho rằng việc huy động vốn dưới hình thức phát hành sổ tiết kiệm là vi phạm pháp luật về tài chính ngân hàng, vi phạm luật tổ chức tín dụng. Hành vi huy động vốn, phát hành thẻ tiết kiệm, thực hiện việc chi trả lãi suất cao hơn lãi suất cơ bản của ngân hàng để chiếm đoạt tiền của khách hàng thông qua hoạt động có thể bị xử lý hình sự về hành vi "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".
Theo luật sư Hải, vấn đề này "không còn là một giao dịch dân sự thông thường, mà là một hoạt động kinh doanh tài chính".
Theo tìm hiểu, chỉ trong vòng 5 năm, từ năm 2012 - 2015, toàn tỉnh Nghệ An xảy ra gần 200 vụ vỡ nợ, vỡ phường hụi tại 14/21 huyện, thành thị. Hàng loạt địa phương xảy ra vỡ tín dụng đen với số tiền thiệt hại ước tính trên 1.000 tỷ đồng. Mặc dù đã được cảnh báo nhưng tình trạng vỡ nợ liên quan đến tín dụng đen vẫn liên tiếp diễn ra trong những năm gần đây, các vụ vỡ nợ sau số tiền và số nạn nhân luôn cao hơn những vụ trước khiến sự việc nằm ngoài tầm kiểm soát của cơ quan chức năng.
Có thể kể đến như tháng 2-2015, chủ hụi Nguyễn Thị Loan ở xã Tân Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An) vỡ nợ 24 tỷ đồng. Tại xã Diễn Thành, huyện Diễn Châu vào tháng 9-2016, bà Trần Thị Soa vỡ hụi hơn 8 tỷ đồng. Trước đó không lâu, tại xã Quỳnh Thanh, huyện Quỳnh Lưu vợ chồng "trùm phường" Hồ Thị Sáng và Trần Văn Mạnh cũng "bể" đường dây phường, hụi với số tiền hơn 80 tỷ đồng.
Mới đây nhất, vào tháng 4-2018, Cơ quan CSĐT Công an huyện Thanh Chương đã khởi tố, bắt tạm giam chủ hụi Trần Thị Oanh (SN 1970) trú tại xã Thanh Mỹ, huyện Thanh Chương khi lừa đảo 124 người, với số tiền 8 tỷ đồng. Thống kê chưa đầy đủ cho thấy, trong năm 2016 tại địa bàn tỉnh Nghệ An, chỉ tính riêng 4 vụ vỡ nợ, vỡ phường hụi tại các huyện Quỳnh Lưu, Yên Thành, Diễn Châu và Con Cuông, số tiền đã lên đến 163 tỷ đồng. 4 tháng đầu năm 2018, Nghệ An tiếp tục xảy ra 6 vụ vỡ nợ tại các huyện Yên Thành, Thanh Chương, TX. Cửa Lò và TP Vinh, với số tiền hàng trăm tỉ đồng.
Trước đây, các vụ vỡ nợ, vỡ phường hụi chủ yếu xảy ra tại các khu vực thành thị. Tuy nhiên, gần đây hoạt động này lại có xu hướng lan về các làng quên nghèo, đến lúc xảy ra việc vỡ nợ đã để lại hậu quả rất lớn. Phần lớn số tiền của các nạn nhân là đi vay mượn, thu gom từ anh em bạn bè, chủ yếu để hưởng lãi suất chênh lệch.
Như trường hợp bà Nguyễn Thị Danh, người đã bỏ 1,2 tỷ đồng vào DNTN vàng bạc Phúc Nhiên, số tiền này là của em gái và người thân đi XKLĐ ở châu Âu tích cóp được, gửi về nhờ bà này giữ giùm để về nước có vốn làm ăn sau này. Giờ doanh nghiệp tuyên bố phá sản, người đàn bà này như đứng ngồi trên đống lửa vì thời hạn về nước của người thân đang cận kề. Đã có hàng trăm gia đình tan nát, vợ chồng ly tán, con cái ly hương và hàng chục người phải bán nhà đi ở trọ để lấy tiền trả nợ vì liên quan đến phường, hụi.
Cũng liên quan đến vụ việc này, ông Nguyễn Trọng Nam, Phó trưởng Công an xã Bảo Thành cho rằng, hơn 1 năm nay, người dân liên tục bao vây, tập trung đông người tại căn nhà kiêm địa chỉ giao dịch của doanh nghiệp Phúc Nhiên để đòi tiền. Mỗi lần như thế, lực lượng chức năng lại phải có mặt để giữ trật tự, tránh xảy ra xô xát. Hiện tại chưa xảy ra sự việc nào đáng tiếc, nhưng nếu để kéo dài thì không lường trước được.
Tương tự, vụ vỡ nợ của bà Trần Thị Soa tại xã Diễn Thành, trong suốt thời gian dài Công an huyện Diễn Châu đã phải cắt cử lực lượng túc trực thường xuyên vì từng tốp người liên tục kéo đến, đập phá nhà cửa để lấy đi mọi vật dụng còn sót lại trong căn nhà của vợ chồng bà này ngay sau khi hai vợ chồng bỏ trốn khỏi địa phương. Hàng chục chủ nợ chen lấn, tranh cướp nhau tài sản dẫn đến lời qua tiếng lại, thậm chí xảy ra xô xát làm cho tình hình ANTT trên địa bàn hết sức phức tạp.
Tình cảnh này cũng là thực trạng chung của các vụ vỡ nợ, vỡ phường hụi trong thời gian đầu, khiến cơ quan công an phải hết sức vất vả để bảo vệ tài sản cho công dân, vừa đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn. Theo nhận định, những hệ lụy này cũng chưa phải là những thiệt hại cuối cùng của người dân liên quan đến tín dụng đen trong thời gian vừa qua.
Do vậy, trước khi có các chế tài, quy định xử lý từ các cơ quan chức năng, không ai khác, người dân phải nâng cao tinh thần cảnh giác, tránh rơi vào cạm bẫy tín dụng đen, để tránh xa được những hệ lụy khôn lường.
Công an nhân dân