MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cảnh sát biển có thuộc lực lượng vũ trang?

08-06-2018 - 15:35 PM | Xã hội

Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm và còn có quan điểm trái chiều là quy định về vị trí của cảnh sát biển Việt Nam...

Sáng 8/6 Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Cảnh sát biển Việt Nam.

Đều nhất trí với sự cần thiết ban hành luật, song một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm và còn có quan điểm trái chiều là quy định về vị trí của cảnh sát biển Việt Nam.

Khoản 1 điều 8 dự thảo luật quy định cảnh sát biển Việt Nam thuộc lực lượng vũ trang nhân dân là lực lượng chuyên trách của nhà nước, làm nòng cốt thực thi pháp luật và bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn trên biển.

Đồng tình với quy định này, đại biểu Đỗ Văn Bình (Hải Phòng) nhìn nhận, thực tế thời gian qua, cảnh sát biển thực thi nhiệm vụ trong điều kiện phải đấu tranh với các diễn biến ngày càng phức tạp của các hoạt động xâm phạm chủ quyền, các hành vi vi phạm luật pháp của các đối tượng có vũ trang trên biển.

Mặt khác, tại mục 5 điều 3 Luật An ninh quốc gia khẳng định cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia thuộc lực lượng vũ trang nhân dân. Khoản c điều 22 của luật này cũng khẳng định cảnh sát biển là cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia.

Như vậy, việc quy định cảnh sát biển thuộc lực lượng vũ trang nhân dân là phù hợp, đại biểu Đỗ Văn Bình thể hiện quan điểm.

Dự thảo đã xác định: "Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng với tính cách là thành viên của Chính phủ trực tiếp quản lý điều hành và hoạt động, đồng thời khi có xung đột vũ trang trên biển thì đây là lực lượng trực tiếp chiến đấu bảo vệ chủ quyền quốc gia trong thế trận chiến tranh nhân dân trên biển". Bởi vậy, quy định Cảnh sát biển Việt Nam thuộc lực lượng vũ trang nhân dân là phù hợp, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) phát biểu.

Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Phương Tuấn (Ninh Bình) thì không nên ghi trong luật là cảnh sát biển thuộc lực lượng vũ trang nhân dân.

Cho rằng đây là "vấn đề nhạy cảm", ông Tuấn lập luận, nếu đưa cảnh sát biển thuộc vào lực lượng vũ trang nhân dân thì vô hình chung sẽ phải sử dụng lực lượng vũ trang, tức là sử dụng quân đội để xử lý những xung đột trên biển về mặt dân sự.

Đại biểu Tuấn phân tích, hiện nay trên thế giới cũng có rất nhiều nước có lực lượng giống như cảnh sát biển của Việt Nam, họ có những tên gọi khác nhau nhưng không bao giờ họ đặt trực thuộc vào Bộ Quốc phòng. Ví dụ ở Mỹ thì người ta gọi là lực lượng tuần duyên trực thuộc vào Bộ An ninh nội địa, ở Trung Quốc lực lượng hải cảnh trực thuộc Cục Hải dương quốc gia...

Tranh luận lại, đại biểu Nguyễn Minh Hoàng (Tp.HCM) nhấn mạnh xác định cảnh sát biển là lực lượng vũ trang "không ngại gì với quốc tế". Bởi hiện nay tình hình vùng biển của Việt Nam diễn biến hết sức phức tạp và khó lường, nếu như không xác định là lực lượng vũ trang, tăng cường sức mạnh và phương tiện, trang bị, quản lý vùng biển trong đó có cảnh sát biển thì rõ ràng đánh mất vai trò của lực lượng cảnh sát biển.

Điều hành phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cũng bày tỏ quan điểm cá nhân: cảnh sát biển tương tự như biên phòng trên đất liền, một anh làm nhiệm vụ chấp pháp trên biển và một anh làm chấp pháp trên đất liền. Hai lực lượng này liên quan đến phòng thủ đất nước, khi có chiến tranh xảy ra, khi đất nước bị tấn công thì lực lượng cảnh sát biển, lực lượng biên phòng bao giờ cũng phải nổ súng đầu tiên.Từ xưa đến nay biên phòng đã là lực lượng vũ trang rồi nên cảnh sát biển không lý gì không xác định là lực lượng vũ trang được.

Bên cạnh nội dung trên, có đại biểu băn khoăn về quy định được nổ súng của cảnh sát biển.

Đai biểu Đỗ Văn Bình dẫn khoản 2 điều 15  quy định "cán bộ, chiến sĩ cảnh sát biển Việt Nam không được nổ súng vào tàu thuyền mặc dù biết rõ tàu này là do đối tượng phạm tội điều khiển chở vũ khí, vật liệu nổ trái phép, tài liệu phản động, khi trên tàu thuyền đó có chở người hoặc các con tin để dừng tàu thuyền đó".

Theo ông Bình, quy định như trên là không rõ, không nổ súng vào tàu thuyền có các con tin có thể hiểu là để đảm bảo an toàn cho con tin đang chở trên tàu, nhưng còn quy định trên tàu thuyền đó có chở người là chưa rõ, vì có thể người là hành khách, không bắn vào tàu thuyền là để bảo đảm an toàn cho hành khách, nhưng cũng có thể người ở đây là đối tượng phạm tội. Đại biểu Bình đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, làm rõ quy dịnh này.

Theo Nguyễn Lê

Vneconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên