Cạnh tranh với Trung Quốc, Mỹ sẽ ký thoả thuận chiến lược với hai đảo quốc Thái Bình Dương
Một góc đảo quốc Palau. (Ảnh: Reuters)
Mỹ sẽ ký thoả thuận chiến lược mới với hai đảo quốc Palau và Micronesia trong đầu tuần tới, và hy vọng tiếp theo có thể ký thoả thuận tương tự với Quần đảo Marshall, đặc phái viên Mỹ cho biết.
- 21-05-2023Đám cưới xa hoa lên tới cả triệu USD bất chấp kinh tế khó khăn ở Ấn Độ
- 21-05-2023CLB đầu tư trong trường đại học: Quản lý hàng triệu USD, nói không với bán khống, margin, tuyển chọn thành viên khó như thi tuyển chuyên gia phân tích ở phố Wall
- 21-05-2023Nga vừa mở lại cảng Vladivostok, Trung Quốc hủy ngay đơn hàng 832.000 tấn ngô Mỹ: Tất cả chỉ là trùng hợp?
Đặc phái viên Joseph Yun nói với Reuters rằng thoả thuận với Palau sẽ được ký với sự chứng kiến của Ngoại trưởng Antony Blinken và Tổng thống Palau Surangel Whipps Jr. tại Papua New Guinea ngày 22/5, còn thoả thuận với Micronesia sẽ được ký ngày 23/5 tại Micronesia. Ông Yun đã ký tắt các thoả thuận nhân chuyến thăm Micronesia và Palau tuần trước.
Những thoả thuận này là một phần trong nỗ lực của Mỹ để lấy lòng các đảo quốc Thái Bình Dương trong sự cạnh tranh với Trung Quốc. Đúng như dự đoán, ông Yun vẫn chưa thể hoàn tất thoả thuận với Quần đảo Marshall.
“Chúng tôi đã đạt được tiến triển trong chuyến thăm 3 ngày đến Quần đảo Marshall, và chúng tôi hy vọng sẽ ký được thoả thuận này trong những tuần tới”, ông Yun cho biết.
Washington ký Hiệp ước liên kết tự do (COFA) với 3 đảo quốc từ những năm 1980, trong đó Mỹ có trách nhiệm bảo vệ quốc phòng và hỗ trợ kinh tế cho 3 đảo quốc để đổi lấy quyền tiếp cận độc quyền khu vực chiến lược rộng lớn ở Nam Thái Bình Dương.
Mỹ nỗ lực làm mới thoả thuận này nhằm đối phó với việc Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng ở khu vực. Các nhà ngoại giao Trung Quốc đang tích cực “tấn công quyến rũ” các đảo quốc, trong khi các công ty xây dựng và khai mỏ Trung Quốc mở rộng hoạt động ở nhiều đảo quốc Thái Bình Dương.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đáng lẽ sẽ dự lễ ký kết thoả thuận tại Port Moresby, nhưng đã huỷ lịch trình vì cuộc khủng hoảng trần nợ trong nước.
Ngoại trưởng Blinken sẽ đi thay để chứng kiến lễ ký các thoả thuận quốc phòng và hàng hải với Papua New Guinea và gặp các lãnh đạo khu vực tại Diễn đàn đảo quốc Thái Bình Dương. Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng cho biết, ông Biden sẽ sắp xếp một hội nghị thượng đỉnh với các lãnh đạo đảo quốc Thái Bình Dương trong năm nay, sau khi việc ông huỷ chuyến thăm gây thất vọng ở khu vực.
COFA với Quần đảo Marshall sẽ hết hạn trong năm nay. Ông Yun không cho biết lý do cản trở việc làm mới, nhưng một cuộc bầu cử quốc hội sẽ diễn ra ở đảo quốc này vào tháng 11 năm nay.
Ông Yun cho biết, thoả thuận với 3 đảo quốc “quan trọng về chiến lược”.
Thoả thuận sẽ cung cấp cho 3 đảo quốc tổng số khoảng 6,5 tỷ USD trong 20 năm tiếp theo.
Năm ngoái, hơn 100 nhà hoạt động môi trường và chống vũ khí thúc giục chính quyền Biden chính thức xin lỗi Quần đảo Marshall vì tác động của các vụ thử hạt nhân và bồi thường xứng đáng.
Người dân Quần đảo Marshall vẫn hứng chịu tác động môi trường và sức khoẻ từ 67 vụ thử bom hạt nhân của Mỹ từ năm 1946-1958, trong đó có quả bom “Castle Bravo” tại đảo san hô vòng Bikini năm 1954. Đó là quả bom lớn nhất của Mỹ từng được kích hoạt.
Tiền Phong