MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cạnh tranh với Uber và Grab, taxi truyền thống hợp tác với đối tác ngoại

Một ứng dụng nước ngoài đã cùng lúc hợp tác với hai hãng taxi trong nước. Động thái này cho thấy, các hãng taxi truyền thống đã cầu viện tới các doanh nghiệp công nghệ chứ "không lấy truyền thống đấu với 4.0",

Taxi truyền thống huy động sự trợ giúp về công nghệ

Cuối tháng 10/2017, hai hãng taxi trong nước đã ký biên bản ghi nhớ về ứng dụng đặt xe với đối tác nước ngoài. Theo đó, Kyyti - một doanh nghiệp Phần Lan - sẽ là đơn vị cung cấp giải pháp công nghệ cho Mai Linh và hãng taxi Tiên Sa (Đà Nẵng).

Động thái này cho thấy, các hãng taxi truyền thống đang cần sự trợ giúp mạnh mẽ từ doanh nghiệp công nghệ, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt với Uber, Grab. Trên thực tế, Mai Linh và nhiều hãng taxi khác cũng đã sở hữu ứng dụng đặt xe và hệ thống quản lý vận hành điện tử của riêng mình. Nhưng giá cước không thấp hơn nhiều so với trước và cao hơn nhiều nếu Uber, Grab đưa ra các chương trình khuyến mại.

Với việc hợp tác với đơn vị công nghệ, nhiều chi phí về tổng đài, điểm tiếp thị,... của các hãng taxi truyền thống có thể được cắt giảm. Trả lời báo chí, ông Hồ Huy, Chủ tịch Tập đoàn Mai Linh cho rằng, phần mềm này là sự hỗ trợ kịp thời khi doanh nghiệp đang thiếu công nghệ và không muốn tiêu tốn nhiều tiền bạc cho việc viết phần mềm. Chi phí để trả lương cho đội ngũ nhân viên tổng đài và thu ngân của hãng đang ở mức gần 10 tỷ đồng/tháng.

Trước khi ký kết biên bản ghi nhớ với doanh nghiệp công nghệ nước ngoài, nhiều hãng taxi đã bắt tay với những doanh nghiệp công nghệ trong nước. Một số doanh nghiệp công nghệ trong nước viết ứng dụng theo yêu cầu của từng hãng taxi. Một số khác liên kết với hãng taxi để đưa ra dịch vụ đi chung, đi ghép với giá cước rẻ hơn. Tuy nhiên, sự liên kết này chưa mang đến sức mạnh vượt trội trong cuộc cạnh tranh với Uber, Grab.

Thêm một ứng dụng ngoại cạnh tranh cùng Uber, Grab

Đối với Kyyti, việc hợp tác với các hãng taxi trong nước cũng giúp doanh nghiệp này tham gia vào thị trường Việt Nam. Đây là cách thâm nhập khác biệt của Kyyti nếu so sánh với những doanh nghiệp nước ngoài khác trước đó. Khi Uber và Grab đến Việt Nam, họ chọn cách thu hút các ô tô nhàn rỗi. Sau đó, Uber, Grab hợp tác với các hộ kinh doanh và hợp tác xã vận tải và tăng được số lượng xe trong mạng lưới chỉ trong thời gian ngắn.

Để nhanh chóng có được số lượng xe lớn trong mạng lưới, Kyyti buộc phải liên kết với các hãng taxi. Theo Sở Giao thông Vận tải TP.HCM và Hà Nội, số lượng ô tô tham gia mạng lưới của Uber và Grab đã chạm mức 50.000 xe, hơn gấp đôi lượng xe của tất cả các hãng taxi trên địa bàn. Không còn nhiều xe “nhàn rỗi” để Kyyti có thể liên kết. Thêm vào đó, công ty Phần Lan cũng khó có thể đưa ra chính sách ưu đãi vượt trội để lôi kéo số lượng lớn tài xế trong mạng lưới của đối thủ.

Cạnh tranh với Uber và Grab, taxi truyền thống hợp tác với đối tác ngoại  - Ảnh 1.

Mai Linh hiện có 10.000 phương tiện và sẽ là sự bổ sung lớn vào mạng lưới của một hãng có ứng dụng mới trên thị trường Việt Nam. Đây cũng là số lượng phương tiện khiến nhiều startup trong nước phải quan tâm. Bởi lẽ, số lượng xe trong mạng lưới quá ít chính là một trong các lý do khiến hàng chục ứng dụng đặt xe Việt chưa thể trở thành đối thủ xứng tầm với Uber, Grab.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô, Hiệp hội Taxi TP.HCM và Hiệp hội Taxi Hà Nội đã nhiều lần đưa ra ý kiến về việc liên kết giữa các hãng taxi và startup, tiến tới dùng chung một ứng dụng. Việc này vừa giúp startup phát triển, vừa giúp các hãng taxi đỡ tốn nhiều chi phí phát triển ứng dụng từ đầu. Đặc biệt, người tiêu dùng sẽ có một ứng dụng đặt xe taxi chuyên nghiệp có mạng lưới rộng khắp.

Tuy nhiên, việc liên kết mới chỉ diễn ra giữa một vài hãng taxi và công ty công nghệ, chưa đạt được sự hợp nhất nêu trên. Với việc một hãng công nghệ nước ngoài thâm nhập thị trường bằng cách bắt tay với doanh nghiệp taxi, có thể quá trình này sẽ được đẩy nhanh. Nhưng thị phần của nhiều startup có thể sẽ bị ảnh hưởng. Cuộc cạnh tranh giữa các ứng dụng đặt xe đang tăng nhiệt từng ngày.

Vương Diệu Quân

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên