Cảnh tượng như thời bao cấp tại phố bánh Trung thu truyền thống nổi tiếng Hà Nội
Nhu cầu mua bánh Trung thu cúng Rằm tháng 7 tăng, khiến cho nhiều cửa hàng bán bánh truyền thống đón lượng khách đông hơn so với đầu tuần vừa rồi, rất đông khách phải xếp hàng chờ mua.
- 26-08-2020Bánh Trung thu vào mùa: Phát hiện hàng chục nghìn chiếc nhập lậu từ Trung Quốc
- 22-08-2020Bánh trung thu ‘đìu hiu’ dù đua nhau tung hàng sớm trước cả tháng
- 18-08-2020Bánh trung thu tạo hình con vật “gây sốt” thị trường
Thị trường bánh Trung thu bắt đầu nhộn nhịp hơn khi gần sát ngày Rằm tháng 7 nhiều người có nhu cầu sắm lễ. Ngoài ra, bánh được khách mua về thưởng thức sớm hoặc làm quà biếu, cũng giúp cho vài điểm bán loại bánh cổ truyền có tiếng ở Hà Nội đông khách trở lại.
Trên phố Thụy Khuê, Hà Nội, từ sáng sớm, rất đông người xếp hàng dài như thời bao cấp trước cửa hàng bánh Trung thu Bảo Phương, Đức Hiền, Tuấn Anh, Tuyết Lan… chờ tới lượt mua hàng.
Năm nay, các cửa hàng không tăng giá sản phẩm, trong đó, bánh thập cẩm vẫn ở mức dao động từ 50.000 đồng/chiếc, bánh đậu xanh hạt dưa từ 40.000 đồng/chiếc. Với nguyên liệu như gà quay, giăm bông, trứng muối, bánh có giá từ 90.000 đồng/chiếc.
Tại Bảo Phương, do lượng khách đông nên phải xếp hàng chờ từ 10 phút mới tới lượt mua bánh. Khách đa phần mua đơn hàng từ 200.000 đồng đến cả triệu đồng. Tại đây, bánh nướng có thời gian sử dụng 15 ngày kể từ ngày sản xuất có in trên bánh, trong khi bánh dẻo có thời hạn sử dụng ít hơn, là 7 ngày.
"Do đơn hàng nhiều nên hiện tại, cửa hàng Bảo Phương cơ sở 1 đang tạm dừng nhận các đơn ship hàng từ ngày 28/8 (10/7 âm lịch) đến hết giằm tháng 7 Âm lịch, khách mua sẽ đến trực tiếp cửa hàng", nhân viên tại cửa hàng cho biết.
Cảnh rồng rắn xếp hàng mua bánh Trung thu trên phố Thụy Khuê, Hà Nội.
Hình ảnh khách xếp hàng như thế này đã không nhiều sau khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến đời sống, kinh doanh.
Nhiều vị khách cho biết, bánh được mua sớm để cúng Rằm tháng 7 .
Ai cũng kiên nhẫn chờ khá lâu để mua được hương vị bánh yêu thích.
Sản phẩm liên tục được "tiếp tế" về cửa hàng để kịp bán cho khách.
Trái ngược với cảnh tấp nập ở phố bánh truyền thống, các gian hàng bánh Trung thu của nhiều hàng bánh kẹo nổi tiếng trên các tuyến đường của Hà Nội như Lê Văn Lương, Láng Hạ, Văn Cao, Trần Phú… buôn bán khá đìu hiu.
Có nhiều điểm bán hàng, kênh phân phối nên hiếm khi có cảnh rồng rắn xếp hàng tại các gian hàng bánh Trung thu của các hãng bánh kẹo. Tuy nhiên, năm nay, nhiều điểm bán vắng khách hơn cùng thời điểm năm trước, dù rằng các hãng đã tung rất nhiều loại bánh ngon, mức giá vừa phải và đầu tư mẫu mã bắt mắt.
Trong đó, bánh lẻ có giá từ 40.000 đồng/chiếc (tùy trọng lượng, nguyên liệu và thương hiệu). Nếu được bán theo hộp gồm từ 4 chiếc, bánh có giá từ 200.000 – 300.000 đồng. Dòng cao cấp có giá từ 730.000 đồng đến 1,5 triệu đồng, gồm bánh trung thu kèm rượu, trà.
Theo nhân viên bán hàng tại quầy bánh Trung thu trên đường Mễ Trì, Hà Nội, khách mua bánh thường đông từ ngày mùng 10 Âm lịch đến Rằm tháng 7, sau đó hơi chững lại một chút và sẽ bán rất chạy khi trước Trung thu 1 tuần lễ. Tuy nhiên, ghi nhận đầu vụ lượng hàng đang bán khá chậm, đa phần khách mua lẻ, số lượng ít, với đơn hàng từ 100.000 – 200.000 đồng.
"Năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên chúng tôi cũng lường trước được sức mua sẽ giảm nhiều so với mọi năm nên không nhập hàng về nhiều. Có ngày số khách đến mua chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hi vọng cuối tuần và đúng ngày Rằm sẽ bán tốt hơn", chị Hoài Thu, quản lý quầy bánh trên đường Văn Cao chia sẻ.
Lượng khách tại quầy bánh trên đường Nguyễn Chí Thanh không đột biến do chưa vào chính vụ.
Quầy bánh trên đường Văn Cao cũng trong cảnh tương tự.
Bên cạnh những thương hiệu bánh nổi tiếng, các loại bánh tự làm, bánh Trung thu của các khách sạn 5 sao, bánh nội địa Trung Quốc siêu rẻ hay hàng xách tay cũng được rao bán từ rất sớm.
Không chỉ vậy, nhiều đơn vị kinh doanh đồ uống cũng cho ra mắt các bộ sản phẩm theo mùa trăng 2020, nhiều trong số đó có bánh làm từ rau củ quả hoặc đồ chay, giúp người dùng có đa dạng lựa chọn hơn. Tuy nhiên, do chưa vào chính vụ nên nhiều nơi cho biết, lượng tiêu thụ vẫn chưa thực sự đột biến.
Thị trường xuất hiện nhiều loại bánh vị mới để hút khách.
"Tầm 10 ngày nữa sẽ là chính vụ, khi đó chúng tôi sẽ tùy theo sức mua của khách để có thêm phương án ưu đãi, khuyến mại", anh Huỳnh Anh, chủ cửa hàng bánh trung thu tự làm trên phố Đê La Thành chia sẻ.
Báo Dân Sinh