Cảnh tượng trái ngược đến xót xa tại phố lụa sầm uất Hà Nội, lác đác hàng rong nghỉ chân
Con phố dài vài trăm mét có đến hàng chục cửa hàng kinh doanh lụa, đồ lưu niệm từng nhộn nhịp, sáng đèn đến đêm muộn giờ im lìm đóng cửa, ảm đạm vì khó khăn.
- 04-08-2020Khách sạn phố cổ Hà Nội ngậm ngùi đóng cửa, nghĩ cách tồn tại qua mùa dịch
- 29-07-2020Nhiều khách sạn tại Đà Nẵng "thả tim" trên những tòa nhà, thể hiện tinh thần chống Covid-19
- 28-07-2020TP HCM chính thức chọn 8 khách sạn làm điểm cách ly có tính phí
Nhiều tháng kể từ khi được mở cửa trở lại sau đợt giãn cách xã hội nhưng hàng chục cửa hàng tại hàng Bông, hàng Gai vẫn "cửa đóng, then cài". Hiếm hoi có hàng mở cửa nhưng vắng lặng, không người mua sắm. Càng tiến sát gần ngã tư Lương Văn Can, cảnh tượng cửa hàn, kiot san sát nhau đồng loạt nghỉ bán, treo biển cho thuê mặt bằng , chuyển địa điểm càng nhiều hơn.
Sức tiêu thụ giảm mạnh, tình hình kinh doanh sa sút do Covid-19 và sự thiếu vắng khách du lịch quốc tế khiến cho khu phố vốn sầm uất, tấp nập kinh doanh đồ lưu niệm và đồ lụa "đóng băng". Mặt tiền trước cửa hàng giờ thành nơi nghỉ chân của hàng rong, cánh xe ôm.
Cửa hàng san sát nhau trên phố hàng Gai, Hà Nội đóng cửa.
Cảnh tượng "đóng băng" hiếm thấy tại những con phố sầm uất Hà Nội.
Hiếm hoi có cửa hàng hé cửa nhưng không có khách mua sắm.
Vỉa hè trước cửa hàng đóng cửa thành nơi bán hàng, nghỉ chân của các gánh hàng rong.
Cũng tại đây, giá cho thuê mặt bằng những các cửa hàng có diện tích khoảng 10m2, giảm 2–3 triệu đồng so với trước Covid-19 về còn 12 triệu đồng/tháng.
Các căn có diện tích từ 15 – 18m2, có gác xép, mặt tiền từ 3 – 3,5m đang rao thuê 35 triệu đồng/tháng, giảm 4 triệu đồng so với hồi tháng 2. Các mặt bằng càng có diện tích lớn, càng giảm giá thuê nhiều hơn, nhưng vẫn không tránh được việc gặp khó khi tìm khách thuê.
"Nhiều khách chỉ thuê mặt bằng nhỏ để lấy địa điểm, làm kho hàng còn lại họ bán online. Một số khác trả mặt bằng lớn, thuê mặt bằng nhỏ hơn để thu nhỏ uy mô, giảm chi phí và cầm cự nên chủ nhà như chúng tôi cũng đang khó tìm được người thuê", ông Phạm Thắng, chủ một mặt bằng cho thuê trên phố hàng Gai chia sẻ.
Cảnh tượng "cửa đóng, then cài" của hàng loạt kiot trên phố Lương Văn Can.
Mặt bằng trống treo biển cho thuê tại phố Lương Ngọc Quyến, Hà Nội.
Thực tế, các mặt bằng bán buôn, kinh doanh bỏ trống đang trở nên phổ biến tại những tuyến phố thương mại đắc địa bậc nhất Hà Nội. Số lượng mặt bằng trống xuất hiện nhiều tại các con phố từng mệnh danh "phố không sang nhượng", "phố vàng" như hàng Ngang, hàng Đào, Mã Mây, hàng Bè... Trong đó, đa phần là các cửa hàng kinh doanh spa, du lịch.
Sau dịch bệnh, việc chuyển nhượng hợp đồng cho thuê mặt bằng cũng gặp khó hơn. Chủ một cửa hàng kinh doanh đồ lưu niệm trên phố hàng Gai cho biết, đã rao cho thuê lại cửa hàng 2 tầng, diện tích 50m2/tầng và một nhà kho 50m2 gần hai tháng nay nhưng chưa có khách.
"Hợp đồng cho thuê còn 1 năm nữa, nếu có người thuê lại, tôi sẽ miễn 2 tháng tiền thuê cho họ", chủ hàng cho biết.
Cũng trong tình trạng tương tự, Chi Anh, chủ một hàng lưu niệm ở hàng Bông cho hay, cô đang mắc kẹt với cửa hàng, bởi tình trạng kinh doanh ảm đạm nhất là khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
"Tiến lên không được mà lùi không xong, có lẽ phải chấp nhận thanh lý giá rẻ để bớt lỗ, nhanh ngày nào hay ngày đó", Chi Anh nói.
Báo cáo mới đây của Batdongsan.com.vn cho thấy trong 3 tháng vừa qua, giá thuê mặt phố tiếp tục giảm ở nhiều quận tại cả hai thị trường TP.HCM và Hà Nội. Ở Hà Nội giá chào thuê nhà phố, nhà riêng giảm từ 2-7% trong khi tại TP.HCM con số này cũng lần lượt từ 5-16%.
Các chuyên gia cũng nhận định tình hình của phân khúc bất động sản cho thuê có thể sẽ còn gặp khó trong 6 tháng cuối năm 2020 khi dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, thị trường bán lẻ dần hồi phục nhưng chưa thực sự khởi sắc.
Nhịp sống Việt