MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cao tốc 128km tại Việt Nam chính thức được rót 25.540 tỷ đồng, mở ra "chân trời mới" cho 2 vùng kinh tế

Với 95,47% đại biểu Quốc hội tán thành, tuyến cao tốc dài 128km nối tỉnh Bình Phước với Đắk Nông chính thức được rót số vốn 'khủng' để xây dựng.

Sáng 28/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) với 464/469 đại biểu tán thành (chiếm 95,47%).

Nghị quyết của Quốc hội nêu rõ sơ bộ tổng mức đầu tư của Dự án là 25.540 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương hơn 10.500 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương hơn 2.200 tỷ đồng và 12.770 tỷ đồng là vốn do nhà đầu tư thu xếp.

"Dự án thực hiện từ năm 2024, cơ bản hoàn thành năm 2026, đưa vào khai thác, vận hành năm 2027", theo nghị quyết của Quốc hội.

Cao tốc 128km tại Việt Nam chính thức được rót 25.540 tỷ đồng, mở ra

Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước). Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội

Cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành sẽ được hưởng nhiều chính sách đặc biệt

Nghị quyết của Quốc hội nêu rõ việc đầu tư tuyến cao tốc này nhằm mục đích tạo liên kết giữa hai khu vực kinh tế trọng điểm là Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, đồng thời kết nối các tỉnh như Bình Phước và Đắk Nông cùng những địa phương lân cận với TP.HCM, nhằm mở ra khoảng không gian mới và động lực cho sự phát triển của hai vùng này.

Bên cạnh đó, tuyến cao tốc này cũng hỗ trợ phát triển ngành du lịch và các ngành công nghiệp chế biến, khai thác khoáng sản, qua đó định hình lại bộ mặt kinh tế của Tây Nguyên.

Dự án này có tổng chiều dài 128,8km và được chia thành 5 phần dự án nhỏ. Phần đầu tiên của dự án được triển khai theo mô hình đối tác công - tư (PPP), với hình thức hợp đồng BOT, và có những cơ chế bảo lãnh đầu tư cũng như cơ chế phân chia lợi nhuận theo những quy định hiện hành của luật đầu tư.

Theo dự kiến, dự án sẽ sử dụng khoảng 1.111ha đất, gồm khoảng 12ha đất trồng lúa, khoảng 1.000ha đất nông nghiệp khác, 12ha đất ở và 46ha đất rừng sản xuất. Nghị quyết của Quốc hội đã quyết định tiến hành giải phóng mặt bằng một lần cho toàn bộ tuyến đường theo quy hoạch đã được duyệt.

Cao tốc 128km tại Việt Nam chính thức được rót 25.540 tỷ đồng, mở ra

Ảnh minh họa đường cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành đoạn qua Bình Phước bằng ứng dụng AI ChatGPT

Đường cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành sẽ được xây dựng với những công nghệ tiên tiến và hiện đại để đảm bảo an toàn, đồng bộ và hiệu quả. Khi hoàn thành, dự án sẽ áp dụng hệ thống thu phí không dừng.

Ngoài ra, Quốc hội cũng đã quyết định áp dụng nhiều chính sách và cơ chế đặc biệt cho dự án này, trong đó có việc kéo dài thời gian giải ngân ngân sách được phân bổ từ nguồn thu ngân sách trung ương năm 2022 cho đến hết năm 2026.

Cũng theo quyết định của Quốc hội, người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền có quyền xem xét và quyết định việc chỉ định thầu cho các gói thầu tư vấn, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trong quá trình triển khai dự án.

Trong quá trình thi công dự án, các nhà thầu không cần thực hiện thủ tục để cấp Giấy phép khai thác khoáng sản thông thường, theo quy định trong Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng, cho đến khi dự án hoàn thành. Nếu không cần thiết lập dự án đầu tư khai thác khoáng sản, thì không yêu cầu phải thực hiện thủ tục lập báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Bộ trưởng Bộ GTVT nói gì về tính khả thi dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành?

Trong kỳ họp Quốc hội ngày 17/6, việc đầu tư xây dựng đoạn đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây từ Gia Nghĩa (Đắk Nông) đến Chơn Thành (Bình Phước) đã được thảo luận. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, đã giải trình về khả năng thực hiện dự án này.

Dự án đường cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành, dự kiến có 6 làn xe, sẽ bắt đầu với việc đầu tư 4 làn xe đạt chuẩn trong giai đoạn đầu, và giải phóng mặt bằng dự kiến thực hiện một lần cho cả 6 làn xe.

Bộ trưởng cho biết dự án này có hiệu quả tài chính và thời gian thu hồi vốn tương tự như ba dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông vừa hoàn thành và sắp được đưa vào thu phí. Ông cũng chỉ ra rằng đã có nhà đầu tư quan tâm và đề xuất thực hiện, từ đó đánh giá dự án là rất khả thi.

Một phương án khác được đề cập là việc Nhà nước tự đầu tư toàn bộ và sau đó nhượng quyền thu phí, nhưng Bộ trưởng Thắng cho biết không nhất thiết phải áp dụng.

Cao tốc 128km tại Việt Nam chính thức được rót 25.540 tỷ đồng, mở ra

Ảnh minh họa đường cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành đoạn qua Đắk Nông bằng ứng dụng AI ChatGPT

Về ảnh hưởng của dự án đối với các dự án BOT khác dọc theo Quốc lộ 14, ông Thắng cho biết Chính phủ đã dự liệu trước và Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải thực hiện các giải pháp để giải quyết các vấn đề phát sinh, đặc biệt là do quá trình Nhà nước đầu tư vào các dự án BOT cao tốc Bắc - Nam phía Đông và các tuyến đường ngang, bao gồm dự án này.

Bộ trưởng cũng nói về việc có thể phải kéo dài thời gian thu phí nếu các dự án BOT khác bị ảnh hưởng, nhưng vẫn đảm bảo lưu lượng xe và khả năng tài chính. Nếu thu quá thời hạn dự kiến, có thể sẽ phải cân nhắc và báo cáo Quốc hội, Chính phủ để có thêm hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho các dự án này.

Về tiến độ dự án, ông Thắng thông tin rằng dựa trên kinh nghiệm từ giai đoạn 2 của dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, thời gian hoàn thành dự kiến không quá 1,5 năm, và 2 năm là khá dài. Khả năng cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành sẽ bắt đầu xây dựng vào năm 2025 và hoàn thành vào cuối năm 2026.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cũng nhấn mạnh sự thuận lợi từ việc không cần đấu thầu để tìm nhà thầu xây dựng và sự quyết tâm của địa phương trong việc giải phóng mặt bằng. Ông Thắng khẳng định, sau khi Quốc hội thông qua, Chính phủ sẽ chỉ đạo, và hai địa phương sẽ tích cực giải phóng mặt bằng để khởi công dự kiến trong năm 2024.

Hai địa phương đã có kế hoạch đầy đủ cho các nguồn nguyên vật liệu và mỏ dự kiến sử dụng, cũng như các cơ chế đặc thù cho quá trình giải phóng mặt bằng và chỉ định thầu cho việc xây dựng cơ sở tái định cư, bố trí nguồn nguyên liệu.

Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước), nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng việc triển khai tuyến đường này là rất cần thiết, bởi khi đi vào khai thác sẽ mở ra “chương mới” cho khu vực Tây Nguyên mà còn các khu vực lân cận.

Cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) là niềm mơ ước, sự khao khát của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Nông. Trong suốt thời gian qua, tỉnh Đắk Nông đã phối hợp tích cực với tỉnh Bình Phước và các bộ, ngành Trung ương để xúc tiến cho dự án này sớm triển khai.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk R’lấp (tỉnh Đắk Nông) Trần Công Dũng cho biết trên báo Đắk Nông rằng khi có cao tốc sẽ nâng cao vai trò cạnh tranh của cả vùng Tây nguyên nói chung, Đắk Nông nói riêng. “Cao tốc là mơ ước ấp ủ của chính quyền và Nhân dân các dân tộc huyện Đắk R’lấp nói riêng, tỉnh Đắk Nông nói chung nên nhận được sự đồng thuận cao”, ông Dũng nhấn mạnh.

Còn ông Trịnh Đình Đông (người dân trú tại bon Buzarah, xã Nghĩa Thắng, huyện Đắk R’lấp) chia sẻ: "Có đường cao tốc người dân chúng tôi rất mong chờ, rất mừng. Được cao tốc thì đường trên đất nước Việt Nam mình sẽ giàu mạnh".

Cao tốc 128km tại Việt Nam chính thức được rót 25.540 tỷ đồng, mở ra

Ảnh minh họa bằng ứng dụng AI Chat GPT



Theo Thái Hà

Đời sống & pháp luật

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên