Cao tốc 9.000 tỷ qua cánh đồng điện gió sắp thông xe, thời gian đi từ TP HCM đến Nha Trang chỉ còn 5 giờ
Đoạn cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo đi vào hoạt động sẽ rút ngắn thời gian từ TP HCM đến Nha Trang dự kiến còn khoảng 4- 5 giờ, giảm một nửa so với đi quốc lộ 1.
- 18-04-2024Cảnh làm việc 24/7 đào hầm dài nhất trong dự án lớn nhất cao tốc Bắc - Nam
- 17-04-2024Đề xuất đầu tư hơn 25.000 tỉ đồng xây cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành
- 17-04-2024Gấp rút xây dựng thế nào trạm dừng nghỉ tạm thời trên cao tốc Bắc - Nam?
Ông Nguyễn Văn Vinh, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Ninh Thuận cho biết trên báo Giao thông hôm 16/4, hiện tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo đã cơ bản hoàn thành và đủ điều kiện thông xe. Để đảm bảo an toàn giao thông, đoàn công tác đã đề nghị nhà đầu tư bổ sung thêm biển chỉ dẫn đường tại hai nút giao Phan Rang trên QL27 và nút giao Du Long giao với QL1.
"Phương án tổ chức giao thông và bổ sung biển báo, biển chỉ dẫn đường sẽ hoàn thành trước ngày 21/4, trước ngày thông xe", ông Vinh thông tin thêm.
Được biết, tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo là một trong 3 dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 1, có chiều dài 78,5 km. Cao tốc đi qua 3 tỉnh gồm: Khánh Hoà (gần 5 km), Ninh Thuận (63 km), Bình Thuận (gần 12 km) và do liên doanh Tập đoàn Đèo Cả - Công ty 194 làm chủ đầu tư. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 8.925 tỷ đồng, thời gian thực hiện là 24 tháng, riêng hạng mục hầm núi Vung là 30 tháng, dự kiến sẽ thông xe vào dịp lễ 30/4-1/5 năm nay.
Trên tuyến có tất cả 34 cầu, gồm 22 cầu trên cao tốc, 11 cầu vượt cao tốc và một cầu kết nối cao tốc với quốc lộ 1A, được thiết kế theo tiêu chuẩn thiết kế đường cao tốc Việt Nam, tốc độ cho phép tối đa 90km/h.
Trong đó, hầm núi Vung có chiều dài 2,2km, quy mô 3 làn xe, bề rộng hầm 14m. Sau khi hoàn thành, đây sẽ là hầm dài thứ 4 cả nước sau các hầm Hải Vân, Đèo Cả và Cù Mông. Hầm đã được đào thông 2 nhánh từ tháng 8/2023. Giai đoạn 1 hầm chỉ vận hành nhánh phải. Hầm bên trái sử dụng vào mục đích thoát hiểm và cứu hộ cứu nạn trong tình huống khẩn cấp.
Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo đi qua tỉnh Ninh Thuận có 2 nút giao quan trọng là nút giao ra vào TP Phan Rang - Tháp Chàm tại huyện Ninh Sơn và nút giao Du Long ra vào quốc lộ 1A tại huyện Thuận Bắc.
Điều đặc biệt là đoạn cao tốc ở phía bắc tỉnh Ninh Thuận chạy qua nhiều cánh đồng điện gió, điện mặt trời ở huyện miền núi Thuận Bắc tạo nên ấn tượng cho đoạn cao tốc này.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Vinh, tuyến cao tốc đi qua địa bàn tỉnh có chiều dài 63km, gồm 3 nút giao sau thông xe sẽ kết nối rút ngắn đáng kể hành trình và thời gian từ TP.HCM đi Ninh Thuận và ngược lại. Trước đây từ Ninh Thuận vào TP.HCM phải mất 8 giờ, sau thông xe sẽ rút ngắn khoảng một nửa thời gian còn khoảng 3,5 - 4 giờ.
Bên cạnh đó, khi đưa vào khai thác, đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo giúp kết nối thông suốt từ Nha Trang tới TP HCM bằng cao tốc, thông qua các tuyến Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, Dầu Giây - Long Thành - TP HCM ở phía nam. Tuyến giúp rút ngắn thời gian từ Nha Trang tới TP HCM còn 4-5 giờ, giảm một nửa so với đi quốc lộ 1.
Hàng ngàn công nhân, kỹ sư đưa tuyến cao tốc về đích
Để có thể cán đích sớm hơn kế hoạch đề ra, hàng nghìn công nhân, kỹ sư đã được huy động làm việc ngày đêm. Theo thông tin trên Thanh Niên, để thực hiện phân đoạn KM54+000-Km 92+260, sau lễ khởi công, chủ đầu tư là Công ty 194 đã huy động 600 công nhân và kỹ sư cùng với phương tiện, thiết bị ngày đêm triển khai 35 mũi thi công, gồm: 15 mũi thi công đường, 14 mũi thi công cầu; 3 mũi thi công hệ thống ITS, 3 mũi thi công điện chiếu sáng, 5 mũi thi công hệ thống an toàn giao thông, ATGT (Hàng rào, hộ lan, dải phân cách).
Còn ở phân đoạn Km92+260-Km134+000, từ ngày khởi công cho đến nay, chủ đầu tư là Tập đoàn Đèo Cả đã huy động hơn 800 công nhân và kỹ sư cùng với phương tiện máy móc, thiết bị để triển khai 25 mũi thi công, gồm: 4 mũi thi công đường, 1 mũi thi công cầu, 14 mũi thi công hầm, 6 mũi thi công ITS và cơ điện.
Quá trình thực hiện dự án Cam Lâm – Vĩnh Hảo phải đối mặt với cả vấn đề địa chất yếu tại phía Nam hầm Núi Vung khi không được đơn vị tư vấn dự báo trong thiết kế kỹ thuật, dẫn đến giảm 2/3 tốc độ đào hầm.
Đứng trước nguy cơ chậm tiến độ dự án, Công ty CP cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo nhiều lần báo cáo Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị điều chỉnh hồ sơ thiết kế phù hợp với điều kiện địa chất thực tế, mời đại diện Hội đồng Kiểm tra Nhà nước, Ban Quản lý dự án 85, thiết kế kỹ thuật, các chuyên gia tham gia đánh giá và tìm giải pháp xử lý.
Ông Đặng Tiến Thắng – Phó Giám đốc công ty chia sẻ trên báo Đảng Cộng Sản rằng nhà đầu tư Đèo Cả đã nghiên cứu áp dụng phương pháp đào gương hầm nửa trên, đồng thời kết hợp làm vòm ngược, chống tạm kết cấu trong khi thi công, kiểm soát biến dạng 2 giờ/lần đo, thi công 24/7. Đơn vị này cũng tăng cường tổ chức các mũi thi công ở phía Bắc hầm để bù tiến độ.
Nhờ sự chuyên nghiệp của nhà đầu tư có kinh nghiệm mà khối lượng công việc khổng lồ với nhiều khó khăn đều ứng phó, xử lý được để đưa dự án về đích đúng dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, thời điểm người dân di chuyển tăng cao đột biến.
Đời sống & pháp luật