MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cao tốc Hoài Nhơn - Quy Nhơn khó về đích đúng tiến độ

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Nghị quyết về điều chỉnh chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa hai vụ trở lên của Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025.

Mặc dù “điểm nghẽn” vướng đất rừng được tháo gỡ nhưng hiện nay, một số nhà thầu, chủ đầu tư thực hiện Dự án cao tốc Bắc - Nam, đoạn qua tỉnh Bình Định vẫn lo lắng vì khối lượng còn lại rất lớn.

Gói thầu 11-XL, dự án thành phần đoạn Hoài Nhơn - Quy Nhơn đang được Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn, Binh đoàn 12, Bộ Quốc phòng tập trung thi công. Gói thầu này có tổng mức đầu tư hơn 2.900 tỷ đồng nhưng do thiếu đất đắp đã chậm tiến độ so với kế hoạch.

Cao tốc Hoài Nhơn - Quy Nhơn khó về đích đúng tiến độ- Ảnh 1.

Dự án cao tốc vướng đất rừng tự nhiên qua xã Ân Tường Đông, huyện Hoài Ân và xã Mỹ Trinh, huyện Phù Mỹ trong thời gian dài.

Theo Hợp đồng giữa Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn với Ban Quản lý Dự án 85 (Bộ Giao thông Vận tải) thì đến tháng 10/2025 phải hoàn thành dự án. Theo đó, trong năm 2024, nhà thầu phải hoàn thành cơ bản công tác đắp đất nền đường và móng cấp phối đá dăm. Gói thầu này có hơn 2,4km rừng tự nhiên ở xã Ân Tường Đông, huyện Hoài Ân và xã Mỹ Trinh, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định chưa chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng nên việc điều phối 2,5 triệu mét khối đất đá thi công đang gặp trở ngại.

Cao tốc Hoài Nhơn - Quy Nhơn khó về đích đúng tiến độ- Ảnh 2.

Nhà thầu Tổng Công ty Trường Sơn kiểm tra tiến độ dự án.

Ông Hồ Sỹ Biên, Phó Giám đốc Ban Điều hành Trường Sơn 5, Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn cho biết, vào mùa khô, đơn vị đã huy động nhân lực, phương tiện, thiết bị nhưng do vướng đất rừng, thiếu nguồn vật liệu tận dụng của dự án nên thi công cầm chừng. Đoạn rừng tự nhiên ở xã Ân Tường Đông, huyện Hoài Ân và xã Mỹ Trinh, huyện Phù Mỹ hiểm trở càng khó huy động phương tiện thi công cùng một lúc:

“Chậm tiến độ là nguyên nhân không có vật liệu để làm. Còn 3 tháng nữa thôi mà miền Trung đang bước vào mùa mưa. Tháng 10/2024, Ủy ban Thường vụ thông qua Nghị quyết về điều chỉnh chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa hai vụ trở lên, chúng tôi sẽ sắp xếp, định hướng các mũi thi công và đang tập tập kết các trạm sản xuất vật liệu và bổ sung thêm mũi thi công để đón đầu. Chúng tôi cũng mong là xuyên suốt từ xã đến UBND tỉnh quan tâm, vừa hỗ trợ, vừa giúp đỡ chúng tôi hoàn thành các công việc trên dự án này. Đặc biệt là các công tác bố trí, lắp đặt thiết bị đón đoạn rừng tự nhiên được giải phóng”.

Cao tốc Hoài Nhơn - Quy Nhơn khó về đích đúng tiến độ- Ảnh 3.

Khu vực do Tổng Công ty Trường Sơn thi công thiếu đất đắp.

Dự án cao tốc Bắc - Nam, đoạn Hoài Nhơn - Quy Nhơn, tỉnh Bình Định dài hơn 70km, tổng mức đầu từ hơn 12.400 tỷ đồng gồm 2 gói thầu. Trên tuyến này có 103 mũi thi công, 637 đầu thiết bị máy móc và hơn 1.350 người đang thi công dự án. Theo Ban Điều hành dự án thành phần đoạn Hoài Nhơn - Quy Nhơn, tiến độ của dự án đạt 53,5%, đảm bảo tiến độ được giao; riêng gói thầu 11-XL chậm tiến độ do vướng đất rừng không thể thi công trong một thời gian dài.

Ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Giám đốc Ban Điều hành dự án thành phần đoạn Hoài Nhơn - Quy Nhơn, Ban Quản lý dự án 85, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, “điểm nghẽn” về diện tích đất rừng tại dự án vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị Quyết số 1216, ngày 8/10/2024 tháo gỡ cho các vướng mắc. Đơn vị đang phối hợp chặt chẽ với các địa phương của tỉnh Bình Định có cao tốc đi qua khẩn trương thực hiện các thủ tục liên quan đến chuyển mục đích sử dụng rừng, khai thác tận thu, sớm bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công:

“Dự án này thì làm xong hồ sơ chuyển đổi rừng rất sớm, tuy nhiên Nghị quyết của Quốc hội đang tháo gỡ chung cho 12 dự án thành phần nên dẫn đến phải chờ các phương án cụ thể. Nếu như thời gian tới được thi công song song với thực hiện hồ sơ chuyển mục đích sử dụng rừng của tỉnh Bình Định thì thuận lợi rất nhiều và vượt qua được một phần của mùa mưa. Chúng tôi mong muốn được triển khai thi công qua đoạn rừng tự nhiên song song với thực hiện thủ tục liên quan để đáp ứng được tiến độ".

Cao tốc Hoài Nhơn - Quy Nhơn khó về đích đúng tiến độ- Ảnh 4.

Thi công cao tốc đoạn Hoài Nhơn - Quy Nhơn

Ngày 08/10/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Nghị quyết về điều chỉnh chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa 2 vụ trở lên của dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025. Theo đó, tỉnh Bình Định có tổng diện tích diện đất rừng được chấp thuận chủ trương chuyển đổi là 92,26 héc ta để thực hiện dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Cũng trong ngày 08/10/2024, UBND tỉnh Bình Định có văn bản về việc khẩn trương triển khai thủ tục chuyển đổi rừng, đất rừng, đất lúa phục vụ thi công dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 qua địa bàn tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định yêu cầu các địa phương liên quan khẩn trương hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục chuyển đổi rừng, đất rừng và đất trồng lúa từ 2 vụ trở lên phục vụ dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh. Các địa phương báo cáo đề xuất UBND tỉnh Bình Định xem xét chỉ đạo thực hiện trước ngày 15/10/2024.

Cao tốc Hoài Nhơn - Quy Nhơn khó về đích đúng tiến độ- Ảnh 5.

Thi công cao tốc Bắc-Nam qua huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan thực hiện kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc khai thác tận dụng lâm sản đúng diện tích, vị trí chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác của dự án; không để lợi dụng việc chuyển mục đích sử dụng rừng để phá rừng, khai thác lâm sản ngoài vị trí cho phép, lấn chiếm rừng và đất lâm nghiệp. Ông Bùi Tấn Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Định cho biết:

“Các địa phương và chủ đầu tư phải lập các hồ gồm: Đề nghị chuyển mục đích sử dụng rừng; thủ tục trồng rừng thay thế. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quyết định chuyển mục đích. Sau khi có quyết định chuyển mục đích rồi, các chủ rừng sẽ xây dựng phương án để khai thác tận thu. Các hồ sơ, công tác chuẩn bị là phải rà soát các nội nghiệp và ngoại nghiệp những địa bàn liên quan. Khi có chủ trương này thì chúng tôi sẽ cho triển khai ngay. Kiểm tra lại các ranh giới, mốc giới đã giao để làm các hồ sơ. Đẩy nhanh tiến độ, làm sao hồ sơ rút thời gian ngắn nhất để đảm bảo các bước tiếp theo để bên thi công tổ chức thực hiện”.

Theo Thanh Thắng/VOV-Miền Trung

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên