MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cặp anh em sinh đôi giống hệt nhau nói được 26 ngôn ngữ

29-10-2024 - 19:10 PM | Sống

Cùng nhau học ngoại ngữ từ bé, cặp song sinh người Đức không chỉ nói được 26 thứ tiếng mà còn tự mình sáng tạo ra một ngôn ngữ riêng ngay từ thời mẫu giáo.

Cặp song sinh Matthew và Michael Youlden (người Đức) đang điều hành công ty ngôn ngữ của riêng mình. Họ quan tâm đến việc học ngoại ngữ từ khi còn nhỏ và còn tạo ra một ngôn ngữ riêng chỉ dùng cho hai anh em, gọi là Umeri.

"Umeri không bao giờ bị thu hẹp thành một ngôn ngữ dùng để giữ bí mật. Nó chắc chắn có giá trị tình cảm rất lớn đối với chúng tôi, vì nó phản ánh mối liên kết sâu sắc mà chúng tôi chia sẻ với tư cách là cặp song sinh giống hệt nhau", họ chia sẻ với BBC .

Cặp anh em sinh đôi giống hệt nhau nói được 26 ngôn ngữ- Ảnh 1.

Matthew và Michael Youlden nói được 26 ngôn ngữ. (Ảnh: Instagram/@superpolyglotbros)

Gia đình Youldens không thể nhớ được hai anh em giao tiếp bằng ngôn ngữ Umeri từ khi nào, chỉ biết rằng từ khi còn học mẫu giáo, Matthew và Michael đã khiến những người giám hộ bối rối khi ríu rít kể chuyện cười cho nhau nghe bằng tiếng Umeri.

Cặp song sinh học tiếng Tây Ban Nha trong một kỳ nghỉ gia đình khi họ mới 8 tuổi, tiếp theo là tiếng Ý, tiếng Scandinavia và hơn 20 ngoại ngữ khác.

“Chúng tôi rất có động lực học vì là anh em sinh đôi. Chúng tôi thúc đẩy lẫn nhau để thực sự giỏi ngoại ngữ đó. Nếu em tôi nhận thấy tôi giỏi hơn cậu ấy, cậu sẽ cảm thấy hơi ganh tỵ và lại cố gắng để vượt tôi. Quá trình học cứ tiếp diễn như thế”, Matthew nói về bí quyết học nhiều ngoại ngữ.

Cặp anh em sinh đôi giống hệt nhau nói được 26 ngôn ngữ- Ảnh 2.

Họ học nhiều ngoại ngữ từ khi còn nhỏ. (Ảnh: Instagram/@superpolyglotbros)

Cặp anh em sinh đôi giống hệt nhau nói được 26 ngôn ngữ- Ảnh 3.

Cả hai đang điều hành một công ty ngôn ngữ. (Ảnh: Instagram/@superpolyglotbros)

Trong suốt thời gian đó, họ vẫn phát triển cấu trúc ngữ pháp cho ngôn ngữ Umeri của mình. Mặc dù Michael và Matthew không có ý định truyền lại ngôn ngữ Umeri cho người khác nhưng họ vẫn tiếp tục phát triển và tinh chỉnh nó.

Theo BBC , ước tính có khoảng 30-50% cặp song sinh có hình thức giao tiếp đặc biệt, hiện tượng này được gọi là chứng bí ẩn ngôn ngữ. "Những đứa trẻ sinh đôi có chung ngôn ngữ nhưng đến một lúc nào đó sẽ ngừng sử dụng, như kiểu 'chúng tôi cảm thấy xấu hổ vì điều đó", Matthew nói với BBC.

Nancy Segal, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về các cặp song sinh tại Đại học bang California, Mỹ cảnh báo với các phụ huynh rằng, việc anh chị em sinh đôi thể hiện các kiểu nói chuyện riêng tư theo thói quen như vậy có thể tác động tiêu cực đến xã hội. "Một vấn đề với cặp song sinh là cha mẹ có xu hướng để chúng một mình vì chúng giải trí với nhau, nhưng sau đó chúng không giao tiếp bằng ngôn ngữ dành cho người bình thường nữa", bà nói.

Đó là trường hợp của cặp song sinh người Barbados June và Jennifer Gibbons, lớn lên ở xứ Wales vào những năm 1970. Hai chị em bị bắt nạt từ khi còn nhỏ vì cùng mắc chứng nói lắp. Họ trở nên xa lánh xã hội đến mức chỉ nói chuyện với nhau. Đến năm 19 tuổi, lời nói của họ trở nên khó hiểu. Hai chị em đã dấn thân vào con đường tội lỗi trước khi bị bắt và bị đưa đến một cơ sở tâm thần an ninh cao ở Broadmoor, Anh.

“Chúng tôi tuyệt vọng vì bị mắc kẹt trong mối quan hệ song sinh và bị mắc kẹt trong ngôn ngữ đó, chúng tôi đã thử mọi cách để tách mình ra nhưng không được", June chia sẻ về cuộc sống của họ trong một  podcast của BBC năm 2023.

Có rất ít nghiên cứu về ngôn ngữ song sinh vì hầu hết các cặp sinh đôi đều quên ngôn ngữ đặc biệt của mình, theo Karen Thorpe, người nghiên cứu sự phát triển ngôn ngữ ở cặp song sinh tại Viện Não bộ của Đại học Queensland.

Tuy nhiên, nhiều cặp sẽ giữ lại biệt danh đặc biệt và tín hiệu phi ngôn ngữ mà chỉ họ mới có thể dịch được. "Họ có thể không có thứ mà chúng ta gọi là ngôn ngữ độc quyền, nhưng họ có thứ gì đó khá đặc biệt", bà nói.

Bà Nancy Segal nhấn mạnh: "Những đứa trẻ sinh đôi không phát minh ra ngôn ngữ mới, chúng có xu hướng tạo ra những dạng thức không điển hình của ngôn ngữ mà chúng tiếp xúc. Mặc dù không thể hiểu được, chúng vẫn hướng ngôn ngữ đó đến những người khác".

Theo Nhật Thùy/VTCnews

VTCnews

Trở lên trên