MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cấp phép dự án thủy điện: Cần tính toán lại việc cấp phép dự án

Bàn luận về thủy điện trong phiên thảo luận về kinh tế xã hội sáng nay, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng phải tính toán lại việc cấp phép thủy điện. Đại biểu đặt vấn đề, vậy một dòng sông có thể chịu được bao nhiêu thủy điện?

Tại phiên thảo luận sáng 5/11, liên quan đến vấn đề rừng, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP. HCM) cho biết, trước đây có 9 triệu ha rừng, nhưng đến nay đã tăng lên được 14,3 triệu ha rừng. Đây là điều tốt, song những con số này chưa phản ánh được tỷ lệ rừng tự nhiên và rừng trồng thay đổi thế này. Do vậy, cần tách bạch rõ ràng rừng tự nhiên và rừng trồng. "Chỉ có rừng tự nhiên mới có năng lực bảo vệ đất đai, tích lũy nước ngầm tốt, khác với rừng trồng vì mục đích kinh tế, cứ trồng 3 năm có thể khai thác 1 lần", ông phát biểu.

Cấp phép dự án thủy điện: Cần tính toán lại việc cấp phép dự án - Ảnh 1.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa

Đối với vấn đề thủy điện, ông Nghĩa khẳng định phải tính toán lại việc cấp phép thủy điện. Ông nêu vấn đề, một dòng sông có thể chịu được bao nhiêu thủy điện? Chặn hạn dòng sông chỉ chịu được 4 dự án, nhưng cấp đến 8 dự án thì sẽ ra sao? Khi xét duyệt cần có quy trình cụ thể cho từng dự án. Nếu đơn giản hóa thì không thấy trách nhiệm của Nhà nước ở đâu.

Đối với kinh tế thị trường, đại biểu Nghĩa nhận định vai trò làm kinh tế chủ yếu là của doanh nghiệp tư nhân. Theo ông, doanh nghiệp tư nhân nhạy bén, tối đa hóa được nguồn lực tốt. Tuy nhiên, doanh nghiệp tư nhân có thể xung đột lợi ích với các tầng lớp khác. Họ chỉ có thể nghĩ đến lợi ích kinh tế chứ không tính đến lợi ích chính trị, văn hóa, xã hội. Do vậy, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh, cần có sự điều tiết của Nhà nước. Theo ông, Nhà nước phải làm "trọng tài" trong xử lý các xung đột lợi ích để làm hài hòa các xung đột đó.

Cấp phép dự án thủy điện: Cần tính toán lại việc cấp phép dự án - Ảnh 2.

Đại biểu Lê Thanh Vân - Ảnh: Quốc hội

Cũng tại đây, đại biểu Lê Thanh Vân (Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách) cho rằng có 3 bài học có giá trị nên tổng kết. Đầu tiên là bài học về đồng thuận của nhân dân, thể hiện rõ nhất khi đại dịch Covid-19 bùng nổ. Khi chuyển sang trạng thái cách ly xã hội thì người dân đều chấp hành.

Thứ hai là đợt bão lũ vừa rồi đã thể hiện tinh thần dân tộc khi hàng đoàn xe trên cả nước về ủng hộ miền Trung. Thứ ba là sự phản ứng kịp thời của hệ thống chính trị.

Đồng thời, đại biểu Lê Thanh Vân cũng đã đưa ra những góp ý về nhiệm vụ, giải pháp cho phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, ông Vân nhấn mạnh cần tập trung xây dựng chiến lược thu hút, trọng dụng nhân tài. Đặc biệt, cần ưu tiên thu hút nhân tài trong 5 lĩnh vực: lãnh đạo quản lý quốc gia, làm giàu trên mọi phương diện, KHCN, quản trị giáo dục và văn hóa nghệ thuật.

Bên cạnh đó, đại biểu Vân đề xuất Chính phủ khẩn trương ban hành tiêu chí đánh giá cán bộ công chức, viên chức, đặc biệt người đứng đầu. Trong đó bao gồm tiêu chí khả năng trọng dụng nhân tài, có sản phẩm đầu ra định kỳ đầu năm.

Ngoài ra, ông cũng đề xuất Chính phủ nghiên cứu ban hành loạt chính sách ưu đãi, mở đường cho một số doanh nghiệp đầu tàu có công nghệ cao, bởi chỉ có công nghệ mới có thể thay đổi diện mạo đất nước.

Cuối cùng, ông cho rằng cần thay đổi các quan hệ xã hội đang bị điều chỉnh bởi đạo đức thành các quan hệ điều chỉnh bởi quy định pháp luật. "Ứng xử của con người trong mọi phương diện là nguồn lực vô hình tạo nên sức mạnh dân tộc của người Việt Nam, vì thế, phải cụ thể hóa bằng các đạo luật và giải pháp của Chính phủ", đại biểu Vân kết luận.

Q.L

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên