MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cặp vợ chồng U70 dưỡng già: "Tuổi tác chỉ là con số, học hỏi là việc của cả đời"

03-10-2024 - 09:38 AM | Sống

Sống là phải có "lửa", tuổi nào cũng phải "chill" là châm ngôn của cặp vợ chồng 74 tuổi.

Người ta thường nghĩ cuộc sống của người già thường gắn liền với những gam màu trung tính, thế nhưng bước vào căn hộ của cặp vợ chồng 67 tuổi Trần Lệ Na và Khổng Quân ở ngoại ô Thiên Tân, Trung Quốc, nhiều người không khỏi bất ngờ bởi lối thiết kế trẻ trung và hiện đại, khác xa với hình dung về một ngôi nhà dành cho người lớn tuổi. Ở đây, chúng ta không nói đến việc xây nhà hay thiết kế nhà theo các chỉ số xây dựng mà chúng ta nói đến cách đôi vợ chồng già cùng con gái đã "hô biến" căn hộ thành không gian sống đầy màu sắc, ngập tràn niềm vui và sự lạc quan như thế nào.

"Chúng tôi muốn sống một cuộc đời tràn ngập màu sắc"

Bước vào ngôi nhà của vợ chồng cô Trần Lệ Na và Khổng Quân, chẳng ai nghĩ rằng đây là nơi dưỡng già của cặp đôi thế hệ 5x: Màu hồng, cam, vàng tươi,... được phối màu táo bạo, từ đồ nội thất đến thùng rác, chai lọ gia vị,... mỗi món đồ vừa toát lên vẻ thời thượng vừa tinh nghịch.

Căn nhà được chính vợ chồng cô Trần Lệ Na (thế hệ 5x) cùng con gái (thế hệ 8x) và nhà thiết kế trẻ tuổi Cao Vân Hạo (9x) dành gần 3 năm để cải tạo. Bên cạnh việc dành thời gian tìm kiếm những món đồ trang trí độc đáo, cả hai còn học chơi guitar, piano, nhiếp ảnh. Thậm chí, sau khi nghỉ hưu, họ còn cùng những người trẻ tuổi tham gia các dự án ở Thượng Hải, Tân Cương, Thường Châu. "Chúng tôi không có kế hoạch nghỉ hưu, cũng không muốn làm phiền con cái, chỉ là dám thử thách bản thân, để cuộc sống luôn có những điều mới mẻ", cô Trần Lệ Na chia sẻ.

Cặp vợ chồng U70 dưỡng già: "Tuổi tác chỉ là con số, học hỏi là việc của cả đời"- Ảnh 1.
Cặp vợ chồng U70 dưỡng già: "Tuổi tác chỉ là con số, học hỏi là việc của cả đời"- Ảnh 2.

Cô Na năm nay 67 tuổi, đã nghỉ hưu được 12 năm. Căn hộ này nằm ở khu đô thị sinh thái Trung-Singapore, ngoại ô Thiên Tân, rộng 146m2, được thiết kế theo kiểu nhà gác lửng. Đây là món quà con gái mua cho vợ chồng cô để an hưởng tuổi già. Có thể nói, căn hộ này là thành quả sáng tạo chung của vợ chồng cô (thế hệ 5x), con gái (thế hệ 8x) và nhà thiết kế (thế hệ 9x).

Cô Na đã tâm sự về tổ ấm mà con gái mua cho hai vợ chồng cô dưỡng già thế này.

Ban đầu, căn hộ được thiết kế theo kiểu thông tầng. Chúng tôi đã cho xây dựng thêm tầng lửng để có thêm một phòng ngủ. Nhờ đó, mỗi khi con gái và gia đình ghé thăm sẽ có không gian riêng, không ảnh hưởng đến nhau.

Ngoài ra, kết cấu nhà không thay đổi nhiều, chủ yếu là chiều rộng, độ cao của cầu thang, thiết kế nhà vệ sinh phù hợp với người lớn tuổi, lối đi lại... Tất cả được bố trí lại hợp lý hơn. Chúng tôi cũng yêu cầu thêm một số chi tiết theo phong cách nhà cổ như sàn lát gỗ hình xương cá, họa tiết vân gỗ ở lối vào…

Cặp vợ chồng U70 dưỡng già: "Tuổi tác chỉ là con số, học hỏi là việc của cả đời"- Ảnh 3.

Tuy nhiên, phần lớn thời gian và công sức được dành cho việc trang trí nội thất. Quá trình này diễn ra rất thú vị. Bốn người chúng tôi lập một nhóm trò chuyện chung, mỗi ngày đều chia sẻ những ý tưởng độc đáo bắt gặp trong cuộc sống, trên mạng xã hội hoặc những chuyến du lịch, công tác... Cuối cùng, tôi và chồng sẽ là người quyết định.

Bên cạnh ghế sofa là bể cá hình chú mèo Garfield. Bên trong bể cá có gắn bóng đèn, có thể sử dụng như một chiếc đèn bàn độc đáo. Trên tường phòng khách nhỏ là bức tranh cuộn. Thoạt nhìn, bức tranh mang đậm phong cách Trung Hoa cổ điển, nhưng khi nhìn kỹ, bạn sẽ thấy hình ảnh chú mèo Tom tinh nghịch. Ngoài ra, khắp nhà còn có rất nhiều món đồ ngộ nghĩnh khác như radio Lego, đèn bàn hình bánh hamburger, bát đựng thức ăn cho mèo bằng gỗ, tăm hình nhân vật hoạt hình, móc chặn cửa hình người tí hon... Mỗi món đồ đều rất tinh xảo và đáng yêu.

Cặp vợ chồng U70 dưỡng già: "Tuổi tác chỉ là con số, học hỏi là việc của cả đời"- Ảnh 4.
Cặp vợ chồng U70 dưỡng già: "Tuổi tác chỉ là con số, học hỏi là việc của cả đời"- Ảnh 5.

Có lúc con gái tôi hỏi: "Mẹ có chấp nhận được phong cách này không?!". Tôi cười và nói rằng ưu điểm lớn nhất của tôi và chồng là khả năng thích nghi rất tốt, luôn sẵn sàng đón nhận và trải nghiệm những điều mới mẻ mà thế hệ trẻ mang lại.

Ví dụ như bộ bàn ăn, mỗi chiếc ghế đều có kiểu dáng và màu sắc khác nhau. Tôi thấy chúng rất đáng yêu và mới mẻ, không ngờ mình cũng có thể ngồi trên chiếc ghế được in 3D như vậy.

Nhà bếp được thiết kế theo phong cách mở. Ban đầu, tôi khá lo lắng về vấn đề khói dầu mỡ. Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng, tôi thấy thiết kế này khá tiện lợi, có thể vừa nấu ăn vừa xem tivi.

Cầu thang được thiết kế thêm giếng trời. Thoạt nhìn, chi tiết này có vẻ không thiết thực nhưng lại giúp giải quyết vấn đề ánh sáng. Hai chú mèo cũng rất thích chui ra chui vào khu vực này. Nhìn chúng nghịch ngợm, tôi lại thấy vui trong lòng.

Cặp vợ chồng U70 dưỡng già: "Tuổi tác chỉ là con số, học hỏi là việc của cả đời"- Ảnh 6.
Cặp vợ chồng U70 dưỡng già: "Tuổi tác chỉ là con số, học hỏi là việc của cả đời"- Ảnh 7.

Từ tầng 1 lên đến gác mái, màu sắc càng trở nên phong phú và rực rỡ hơn. Tôi thấy như vậy cũng rất ổn, đặc biệt là khu vực gác mái vốn có không gian thấp. Nếu bài trí theo phong cách quá đơn điệu sẽ tạo cảm giác bức bối, ngột ngạt. Giờ đây, tôi thường thích ngồi thiền định trên gác mái. Con gái tôi còn tặng cho chúng tôi một chiếc bộ đàm để tiện liên lạc giữa các tầng, đỡ phải leo lên leo xuống…

Tôi nghĩ cuộc sống của người già thực sự nên có thêm một chút bất ngờ, miễn là không phải là những điều đáng sợ. Chúng tôi đã sống đủ lâu với những điều quen thuộc, cứng nhắc. Đã đến lúc cần thêm một chút cá tính, để cuộc sống luôn tràn đầy sự mới mẻ.

Cặp vợ chồng U70 dưỡng già: "Tuổi tác chỉ là con số, học hỏi là việc của cả đời"- Ảnh 8.

Tôi sinh năm 1957, trải qua thời kỳ 3 năm khó khăn, phong trào "Vận động thanh niên xung phong đi xây dựng vùng kinh tế mới". Cuộc sống khi đó rất vất vả và đơn điệu, chỉ có những thước phim là mang lại chút lãng mạn. Tuy nhiên, con người luôn yêu cái đẹp, yêu những điều dễ thương, đó là bản năng.

Năm 1977, sau khi kỳ thi tuyển sinh đại học được khôi phục, tôi lập tức đăng ký tham gia. Tôi thi đỗ vào Đại học Thiên Tân, chuyên ngành Kỹ thuật thiết bị. Sau khi tốt nghiệp, tôi làm việc trong lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí.

Lương lúc bấy giờ không cao. Tuy nhiên, tôi vẫn cố gắng mua những cuốn tạp chí thời trang, học cách tự tay may váy áo cho bản thân, con gái và cả chồng tôi nữa. Những chiếc váy xòe, quần yếm, áo khoác ngắn tay... Có lẽ, căn nhà này đã phần nào bù đắp cho những thiếu thốn về vật chất trong quá khứ của tôi.

Cặp vợ chồng U70 dưỡng già: "Tuổi tác chỉ là con số, học hỏi là việc của cả đời"- Ảnh 9.
Cặp vợ chồng U70 dưỡng già: "Tuổi tác chỉ là con số, học hỏi là việc của cả đời"- Ảnh 10.

"Tuổi tác chỉ là con số, học hỏi là việc của cả đời"

Năm 2012, tôi nghỉ hưu. Không lâu sau, tôi được công ty mời về làm việc. Tôi lại một mình đến Thường Châu, Thượng Hải, Tân Cương... để làm việc, cùng những người trẻ tuổi cống hiến trên cùng một "mặt trận". Tôi học cách xây dựng mô hình, thực hiện các dự án. Thậm chí, tôi còn cùng mọi người tăng ca vào những dịp lễ Tết.

Hiện tại, tôi đã trở về Thiên Tân, công việc chính là đánh giá hồ sơ dự thầu cho công ty. Nhìn chung, tốc độ và thị lực của tôi không thể bằng những người trẻ tuổi. Chính vì vậy, tôi luôn chuẩn bị kỹ càng, "muốn nên sự nghiệp phải cần cù". Tôi cảm thấy rất vui khi có thể bắt kịp nhịp độ làm việc của những đồng nghiệp trẻ. Tôi thực sự nghĩ rằng phương pháp dưỡng sinh tốt nhất là làm việc, để trí não luôn được hoạt động.

Cặp vợ chồng U70 dưỡng già: "Tuổi tác chỉ là con số, học hỏi là việc của cả đời"- Ảnh 11.
Cặp vợ chồng U70 dưỡng già: "Tuổi tác chỉ là con số, học hỏi là việc của cả đời"- Ảnh 12.

Chồng tôi rất thích ca hát. Ông ấy tham gia hai câu lạc bộ hợp xướng, thường xuyên tự mình luyện tập các tiết mục văn nghệ, quay video. Chúng tôi cũng thường xuyên đi du lịch, tham quan triển lãm, xem múa ba lê, xem phim...

Cặp vợ chồng U70 dưỡng già: "Tuổi tác chỉ là con số, học hỏi là việc của cả đời"- Ảnh 13.
Cặp vợ chồng U70 dưỡng già: "Tuổi tác chỉ là con số, học hỏi là việc của cả đời"- Ảnh 14.

Tại trường học dành cho người cao tuổi, ông ấy tham gia lớp học guitar, còn tôi học piano. Ngoài ra, cả hai vợ chồng đều đăng ký lớp học nhiếp ảnh. Chúng tôi đã học được rất nhiều điều bổ ích, dám thử thách bản thân và luôn tìm kiếm niềm vui trong cuộc sống.

Giới trẻ ngày nay đều muốn được nghỉ hưu sớm, "nằm im hưởng thụ". Chắc hẳn, nhiều người sẽ không hiểu được lối sống của vợ chồng chúng tôi. Tôi nghĩ, do ảnh hưởng của thời đại, thế hệ chúng tôi khi xưa không có nhiều lựa chọn. Khi muốn đi học thì không được đi học, khao khát được học tập. Khi muốn làm việc thì phải về nông thôn, khao khát được cống hiến... Chính vì vậy, khi về già, chúng tôi muốn cố gắng hết sức để làm những điều mình thích, tạo ra những giá trị cho bản thân, dù chỉ là một phần nhỏ bé.

Hãy chấp nhận việc bản thân già đi, nhưng đừng để tâm hồn "lão hóa"

Cao Vân Hạo (nhà thiết kế) từng chia sẻ rằng cậu ấy luôn ao ước được nghỉ hưu trước năm 42 tuổi. Tuy nhiên, sau khi gặp chúng tôi, cậu ấy đã có thêm rất nhiều động lực. Con gái tôi thi thoảng gặp áp lực trong công việc, cảm thấy chán nản, cũng thường tâm sự với tôi. Tôi luôn cố gắng động viên con.

Tuy nhiên, tôi luôn nói với con cái rằng mỗi người đều có hoàn cảnh, điều kiện và trải nghiệm sống khác nhau. Câu chuyện của chúng tôi chỉ là một ví dụ nhỏ. Nó có thể mang đến cho mọi người một vài gợi ý hay ho, nhưng không có nghĩa là đúng hoàn toàn, cũng không phải là cách sống tốt nhất. Cuối cùng, chúng ta vẫn phải tôn trọng sự lựa chọn của bản thân.

Cặp vợ chồng U70 dưỡng già: "Tuổi tác chỉ là con số, học hỏi là việc của cả đời"- Ảnh 15.
Cặp vợ chồng U70 dưỡng già: "Tuổi tác chỉ là con số, học hỏi là việc của cả đời"- Ảnh 16.

Thực ra, tôi thấy giới trẻ bây giờ sống vất vả hơn chúng tôi ngày xưa rất nhiều. Bởi vì chúng tôi lớn lên trong thời kỳ thiếu thốn nên không có nhiều ham muốn, cũng không có nhiều thất vọng. Tâm lý là yếu tố rất quan trọng. Khi bạn có thể kiểm soát được cảm xúc của mình thì mọi khó khăn, thử thách đều có thể vượt qua.

Giống như tôi, trước đây tôi từng nói với bạn thân rằng tôi sợ tuổi già hơn cả cái chết. Nhìn bạn bè xung quanh bắt đầu lên kế hoạch an hưởng tuổi già, tôi cũng lo lắng: "Liệu có phải khi già yếu, không thể tự chăm sóc bản thân thì phải vào viện dưỡng lão? Bao nhiêu tiền mới đủ để trang trải cuộc sống khi về già?".

Tuy nhiên, giờ đây, khi đã bước vào tuổi xế chiều, tôi nhận ra rằng: Thứ nhất, tuổi già không đáng sợ như vậy. Thứ hai, điều quan trọng là cách bạn đối diện với nó. Tôi là người sống khá thực tế. Tôi không muốn nghĩ đến những điều đau buồn, đáng sợ. Bệnh tật có thể chữa khỏi thì tôi sẽ cố gắng chữa trị. Trường hợp xấu nhất, tôi ủng hộ cái chết êm ái. Tôi chỉ muốn làm những điều mình thích, sống thật vui vẻ và lạc quan.

Cặp vợ chồng U70 dưỡng già: "Tuổi tác chỉ là con số, học hỏi là việc của cả đời"- Ảnh 17.

Ngoài ra, thế hệ chúng tôi luôn quan niệm rằng chăm sóc cha mẹ là trách nhiệm của con cái. Tuy nhiên, đến thế hệ con cháu chúng tôi, tôi sẽ không hoàn toàn chấp nhận sự chăm sóc của con gái. Tôi không muốn trở thành gánh nặng của con cái, để con được tự do tận hưởng cuộc sống của mình.

Tôi nghĩ, bạn nên chấp nhận việc bản thân mình già đi nhưng không được đầu hàng trước sự lão hóa đó. Đừng bao giờ tự nhủ với bản thân rằng mình già rồi không làm được đâu. Thay vào đó, hãy luôn nhắc nhở bản thân rằng bạn vẫn có thể làm được.

Theo Châu Anh

Phụ nữ số

Trở lên trên