Cắt giảm lãi suất điều hành vào lúc này sẽ giúp gì cho Việt Nam?
SSI cho rằng, các lãi suất điều hành không tác động trực tiếp tới lãi suất huy động và cho vay doanh nghiệp và dân cư nhưng có thể kéo giảm lãi suất trên liên ngân hàng, hỗ trợ thanh khoản cho các NHTM.
Phát biểu tại cuộc họp hôm 12/3, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú tiết lộ, bên cạnh những giải pháp được đưa ra gần đây nhằm đối phó với dịch Covid-19, NHNN đang nghiên cứu và sẽ sớm đưa ra quyết định về lãi suất điều hành thời gian tới, trong xu hướng giảm.
Theo Phó Thống đốc, giảm lãi suất điều hành là một cơ chế chính sách, giải pháp giúp TCTD có thanh khoản dồi dào, có thêm điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp. Lãnh đạo NHNN không nói cụ thể thời điểm ban hành, nhưng hé lộ sẽ sớm đưa ra thời gian tới, mức giảm lãi suất "tương đối tích cực".
Nhóm phân tích của chứng khoán SSI cho rằng việc giảm lãi suất sẽ thực hiện ngay trong tháng 3/2020 và mức giảm là 50 điểm cơ bản với các lãi suất OMO, Tín phiếu, Tái cấp vốn, chiết khấu – cao hơn so với mức cắt giảm 25 điểm cơ bản vào 9/2019.
SSI cho rằng, các lãi suất điều hành không tác động trực tiếp tới lãi suất huy động và cho vay doanh nghiệp và dân cư nhưng có thể kéo giảm lãi suất trên liên ngân hàng, hỗ trợ thanh khoản cho các NHTM.
Trong khi đó, TS. Cấn Văn Lực và nhóm chuyên gia của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho rằng, việc Fed và NHTW các nước liên tiếp hạ lãi suất cơ bản trong thời gian qua sẽ tạo áp lực rất lớn trong việc giảm lãi suất điều hành đối với cơ quan quản lý của Việt Nam.
Tuy nhiên, TS. Cấn Văn Lực cho rằng việc NHNN dùng công cụ hạ lãi suất trong thời gian tới sẽ không hỗ trợ nhiều, do trong bối cảnh chịu cú sốc ngắn hạn như hiện nay, cái mà người dân và doanh nghiệp đang cần chính là dòng tiền, thanh khoản hỗ trợ tức thì, trong khi việc giảm lãi suất có độ trễ.
Vì vậy, các cơ quan quản lý của Việt Nam nên khẩn trương thực hiện các nhóm giải pháp tại Chỉ thị 11 ngày 4/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, tập trung nhóm giải pháp giãn, hoãn các nghĩa vụ trả nợ của người dân, doanh nghiệp (như miễn giảm phí/thuế, giãn-hoãn nợ vay và tiền thuế, không chuyển nhóm nợ, cho vay mới với lãi suất thấp hơn, tăng chi tiêu đầu tư công…).
Theo đó, ông Lực cho rằng, có thể cơ quan quản lý xem xét giảm nhẹ lãi suất điều hành, nhưng cần lưu ý là tác động sẽ không nhiều (như nêu trên) và dư địa giảm lãi suất của Việt Nam hiện nay khá eo hẹp do áp lực lạm phát vẫn rất lớn. Chỉ số CPI bình quân 2 tháng đầu năm 2020 đã tăng 5,91% so với cùng kỳ năm trước, mức cao nhất trong 7 năm (cách xa mục tiêu 4%) trong khi lạm phát cơ bản tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2019 (cách khá xa mức điều hành thông thường khoảng 2-2,5%). Ngoài ra, việc giảm lãi suất hiện nay cũng sẽ không hỗ trợ nhiều đối với việc cho vay mới khi mà khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu (tín dụng toàn hệ thống ngân hàng trong 2 tháng đầu năm 2020 chỉ tăng 0,1% (cùng kỳ tăng 0,85%, theo NHNN).