MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cậu bé lớp 6, học trường công, thi TOEIC đạt 920 điểm, trước đó được loạt công ty mời thực tập: Nghe cách dạy của bố mà nể!

02-03-2024 - 08:59 AM | Sống

Nam Long khiến nhiều người lớn trầm trồ khi chinh phục thành tích đáng nể.

Bạn còn nhớ Nam Long, cậu bé ở TP.HCM từng nhận được khoảng 6 lời mời đề nghị thực tập từ các công ty cách đây 2 năm, lúc chỉ mới 10 tuổi? Thời điểm đó, Nam Long "gây sốt" bởi những thành tích đáng nể về lập trình. Em trở thành "thầy giáo" dạy lập trình online cho một số bạn Việt kiều ở Canada và Úc. Ngoài ra, Long còn có thành tích học tập tốt, em tham dự tất cả 16 cuộc thi Toán, khoa học bằng tiếng Anh đều giành giải.

Mới đây, Nam Long khiến nhiều người lớn trầm trồ khi chinh phục một thành tích đáng nể. Dù 6 năm học trường công, chưa từng ôn luyện, cậu bé vẫn đạt TOEIC 920/990 với điểm nghe gần như tuyệt đối 485/495. Hiện Long là học sinh lớp 6, trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa.

Cậu bé lớp 6, học trường công, thi TOEIC đạt 920 điểm, trước đó được loạt công ty mời thực tập: Nghe cách dạy của bố mà nể!- Ảnh 1.

Nam Long vừa khiến ai nấy trầm trồ khi chinh phục một thành tích đáng nể.

Anh Nguyễn Bình Nam - ba của Nam Long đã có những chia sẻ xung quanh việc học hành và quan điểm dạy con của mình.

Không học tiếng Anh mà là sử dụng tiếng Anh

Anh Nam cho biết, năm lớp 4, Nam Long có thi thử, điểm số TOEIC được khoảng 900. Lên lớp 6, con không ôn luyện, chỉ làm hai bài thi thử trước cùng ba, hai cha con trao đổi kinh nghiệm, kiểm tra lại những điểm còn chưa chắc chắn rồi sau đó vào "thi thật".

Anh Nam đánh giá, con có năng khiếu học tiếng Anh, yêu thích tiếng Anh ngay từ lần đầu tiên có cơ hội trò chuyện cùng người nước ngoài. Quá trình tiếp xúc và nâng cao kỹ năng tiếng Anh của Nam Long trải qua nhiều giai đoạn, và đằng sau đó đều có sự đồng hành của gia đình.

Giai đoạn 2 đến 4 tuổi, Nam Long được làm quen với tiếng Anh ở trường mẫu giáo. Con học một số từ vựng trên trường, ở nhà được ba dạy thêm một số từ vựng cơ bản về số, màu sắc, đồ vật...

4 đến 6 tuổi được anh Nam nhận định là giai đoạn tăng tốc. Anh thường xuyên nói chuyện, tiếp xúc với con. Bên cạnh đó, anh còn dạy cho con nhiều từ ngữ mới, từ nghĩa bóng và chơi với con trò nối từ bằng tiếng Anh hay thường áp dụng cách vẽ hình minh họa ra như sơ đồ cây, sơ đồ liên kết để con có thể hình dung được, nhớ lâu hơn và tiếp thu dễ hơn. Anh khuyến khích con giao tiếp tiếng Anh với các bạn.

Từ khoảng 6 tuổi đến 8 tuổi: Nam Long có học thêm tiếng Anh với thầy giáo nước ngoài khoảng 3 - 4 tháng, kiểu 1:1 online để tăng cường ngữ pháp. Một lợi thế của Nam Long đó là hè lớp 1 con bắt đầu học lập trình, tiếp xúc được với nhiều tiếng Anh hơn. Em xem phim Netflix có phụ đề từ lúc lớp 2. Sau đó thì ba tắt luôn phụ đề. Năm lớp 3, Nam Long tăng cường xem nhiều clip hướng dẫn lập trình bằng tiếng Anh. Quá trình Long tìm hiểu về lập trình cũng là khoảng thời gian cậu bé trau dồi khả năng ngoại ngữ. Theo anh Nam, giai đoạn này con đã có phản xạ nên anh giúp con duy trì phản xạ đó.

Anh Nam nhận định, tiếng Anh đến với con một cách tự nhiên, như người Việt học nói tiếng Việt. Nam Long chưa bao giờ coi tiếng Anh như một môn học mà là một sở thích, em không học tiếng Anh mà "use English" - sử dụng tiếng Anh. Em ưu tiên tiếng Anh khi tìm kiếm (hiện giờ vẫn luôn dùng tiếng Anh khi tìm). Với cậu bé này, tiếng Anh đã trở thành phản xạ nên mọi việc sau đó khá dễ dàng.

Nhiều người cho rằng, học sinh trường công sẽ có phần thua thiệt về tiếng Anh. Anh Nam không phủ nhận quan điểm này. Tuy nhiên, ông bố cũng cho biết, khoảng thời gian Nam Long tăng tốc sử dụng tiếng Anh là giai đoạn 4 đến 6 tuổi nên sau 6 tuổi, mọi việc trở thành phản xạ. Con không có thua thiệt gì so với các bạn học trường tư dù học trường công 6 năm.

"Việc Nam Long giỏi tiếng Anh phụ thuộc vào 2 yếu tố: Thứ nhất là chọn đúng thời điểm để đầu tư cho con. Thứ hai là tạo điều kiện để con sử dụng tiếng Anh như một ngôn ngữ. Chẳng hạn, mình đưa cho con những đề tài để con tự nghiên cứu, cho con xem phim, nghe nhạc, xem Youtube để nghe tốt, dẫn đến từ vựng nhiều, viết khá", anh Nam nói.

Quan trọng nhất là hiểu con

Ngay từ hè lớp 1, Nam Long đã "sống cùng lập trình" nên việc tiếp xúc với thiết bị công nghệ là không tránh khỏi. Anh Nam cho biết, mỗi ngày con đều dùng máy tính để chơi game, xem phim, học tập, nghiên cứu học hỏi... khoảng 2 -3 tiếng. Thế hệ Gen Z, gen Alpha… chắc chắn không thể tách rời với máy tính. Quan trọng là dạy con biết phân bổ thời gian phù hợp. Vợ chồng anh cho con tự chủ động nhưng Nam Long không quá mê, vẫn có ý thức dừng lại đúng lúc để không phụ thuộc thiết bị điện tử.

Từ nhỏ Nam Long đã rất ngưỡng mộ ba (xem ba là siêu anh hùng), nên anh Nam cho biết, việc dạy dỗ con cũng không khó. Quan trọng nhất là hiểu con. Anh thuộc tên tất cả các bạn trong lớp, hiểu tính cách từng bạn mà con chơi thân. Mỗi tối, trước khi đi ngủ, 2 ba con đều tâm sự 30 phút tới 1 tiếng về chuyện ở trường lớp lẫn ở công ty ba. Theo anh Nam, một khi mình hiểu, mình sẽ là người bạn, người đồng hành chứ không phải áp đặt.

"Thành công của mình chính là xây dựng hình ảnh một ông bố, một người bạn đáng tin cậy của con. Để làm được điều đó chính là sự quan tâm và kiên nhẫn. Bất kỳ ông bố, bà mẹ nào thật sự dành 3-4 tiếng một ngày để cùng trò chuyện, vui chơi, tâm sự cùng đứa trẻ 4-5 tuổi cho tới khi nó lớn đều sẽ có sức ảnh hưởng cực lớn với nó. Khi đó, mọi việc nuôi dạy đều trở nên dễ dàng", anh Nam nói.

Cậu bé lớp 6, học trường công, thi TOEIC đạt 920 điểm, trước đó được loạt công ty mời thực tập: Nghe cách dạy của bố mà nể!- Ảnh 2.

Hiện Long là học sinh lớp 6, trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa.

Được biết, Nam Long hiện tại vẫn đang lập trình game, nhưng không dành quá nhiều thời gian mà tập trung nhiều hơn vào game design. Anh Nam cho con tự chủ động lựa chọn hướng đi của mình.

Nam Long không có tài khoản mạng xã hội, em cũng không biết mình nổi tiếng. Ở nhà mọi người đều không tỏ ra quá vui vẻ, hào hứng với việc con/cháu mình được nhiều người biết đến. Anh Nam muốn giữ một cuộc sống bình thường cho con. Thời gian rảnh, Nam Long không đi học thêm, thay vào đó, em tham gia rèn luyện các môn thể thao như cầu lông, bóng bàn hay tìm hiểu thêm về lịch sử và địa lý. Thỉnh thoảng anh Nam cho con tham gia các cuộc thi Toán quốc tế, nhưng không áp lực thành tích.

Mục tiêu lâu dài của Nam Long là giành học bổng đi du học. Bên cạnh đó, Nam Long sẽ tự rèn luyện thêm về kỹ năng viết để chinh phục điểm IELTS tốt nhất. Tuy nhiên, anh Nam cho biết, gia đình không ép con, chỉ đặt những cột mốc cụ thể để con có mục tiêu phấn đấu. "Được thì tốt, không thì cũng không sao", anh Nam nói.

Theo Hiểu Đan

Phụ nữ mới

Trở lên trên