Câu chuyện đằng sau những trái dưa tiền tỉ của Nhật Bản: Căn nguyên từ tình yêu bất diệt của người trồng cây
Chuyện thực khách sẵn sàng trả hàng ngàn đô cho một bữa ăn trong một khách sạn hạng sang là bình thường. Riêng trả giá cao ngất cho người nông dân trồng ra sản phẩm thì hơi hiếm, chỉ phổ biến ở Nhật.
- 17-11-2019Du lịch Dubai và 9 điều cấm kị khiến du khách ngỡ ngàng: Mang thuốc có thể bị phạt, hôn nhau ở nơi cộng cộng bị xem là phạm luật!
- 17-11-2019Những chế độ ăn chay đang được nhiều người ưa chuộng
- 17-11-2019Mọi sản phẩm từ quả dừa có thực sự tốt cho sức khỏe?
Ở Nhật Bản, loại quả được vinh danh "vua trái cây" chính là dưa lưới (Cucumis melo). Chúng không quá lạ đối với người Việt Nam cũng như các cư dân Châu Á khác. Có điều, giá cả thì khác đấy.
Cặp dưa lưới 5 triệu yên của Nhật Bản
Cặp dưa lưới gây chấn động thế giới: Đáng giá những 5 triệu yên (tương đương 1,07 tỷ VNĐ)
Tháng 5/2019, chợ Sapporo (Nhật Bản) từng khiến cả thế giới sốc đến ngơ cả người. Chỉ với 2 quả dưa lưới Yubari, mà họ chốt giá đấu giá ở mức cao kỷ lục, 5 triệu yên (tương đương 1,07 tỷ VNĐ).
Cũng vào dịp này năm ngoái, tại phiên đấu giá trái cây đầu tiên của năm, một cặp dưa lưới "tiền bối" đã được bán với giá 3,2 triệu yên (tương đương 683 triệu VNĐ).
Cặp dưa lưới 5 triệu yên của Nhật Bản
Đừng vội lắc đầu, lè lưỡi, nghĩ mình chẳng đời nào nếm nổi hương vị dưa lưới Nhật Bản. Mức giá "ngất ngưởng" trên chỉ là một cách để các tập đoàn thực phẩm tại Nhật kiếm quảng cáo không mất tiền mà thôi. Với một cặp dưa lưới đáng giá hàng triệu yên, họ được giới báo chí chuyên nghiệp và các blogger thi nhau đưa tin. Chẳng có phương pháp giới thiệu nào lại tiện lợi và rộng khắp hơn cách này.
Ở Nhật, chuyện lợi dụng đấu giá nông-ngư phẩm quảng cáo khá phổ biến. Đầu năm nay, tháng 1.2019, Tokyo cũng từng tổ chức một buổi đấu giá cá ngừ. Con cá ngừ to kỷ lục, 278 kg đã "giật giá" 333,6 triệu yên (tương đương 71,2 tỷ VNĐ).
Giá thường thì "mềm" thôi, dù vẫn cỡ 3,2 triệu VNĐ/quả
Dưa lưới (hay còn gọi dưa nứt, dưa bở) là một loại trái cây quen thuộc ở Châu Á. Trong đất nước Việt Nam của chúng ta, cây dứa lưới cũng được trồng tương đối nhiều. Giá dưa lưới cũng bình thường, chỉ dưới 100.000đ/kg, thường rơi vào tầm bảy, tám chục ngàn một cân.
Chỉ riêng ở Nhật, loại quả "bình dân" này mới trở thành "vua" và "phá giá". Cứ việc vào bất cứ chợ trái cây nào của xứ sở Mặt trời mọc, bạn đều thấy dưa lưới được đóng hộp đẹp đẽ. Giá bán rơi vào khoảng 15.000 yên/quả (tương đương 3,2 triệu VNĐ). Tùy vào cân nặng, chúng có thể đắt hoặc rẻ hơn vài ngàn yên.
Kỳ thực, dưa lưới không phải loại trái cây duy nhất đắt đỏ ở Nhật Bản. Người dân của đất nước Hoa anh đào vốn đã quen với việc 1 chùm nho cỡ 15 quả có giá 8000 yên (tương đương 1,7 triệu VNĐ), hay mỗi một quả dâu tây trắng đã tận 3000 yên (640.000 VNĐ).
Quy trình trồng trọt nâng niu hơn nâng trứng
Cũng như ở Việt Nam, một quả dưa lưới tại Nhật Bản cần khoảng 3 tháng để phát triển và chín. Tuy nhiên, nông dân Nhật Bản không để dây dưa lưới thoải mái ra sai quả như cô bác nhà nông của chúng ta. Họ chỉ để mỗi cây đúng 1 quả.
Quả dưa lưới độc nhất trên mỗi một dây được chăm chút cẩn thận trong đúng 100 ngày. Người trồng liên tục dùng đôi tay (có đeo găng tay) xoa nắn chúng. Hành động "cưng nựng" này giúp kích thích sự tăng trưởng và "lên đường" (ngọt hơn).
Nông dân Nhật chỉ để 1 quả/1 dây dưa lưới
Ngày nắng, họ cẩn thận cho dưa lưới đội mũ, ngăn tia UV phiền hà. Sau khi thu hoạch, dưa lưới được phân loại theo hình dáng và độ đẹp của vỏ. Trái dưa lưới càng to, tròn, không xây xát, thì càng được giá.
Bạn có thể giật mình vì giá bán 3,2 triệu VNĐ/quả dưa lưới. Nhưng nếu tính toán công trồng, công chăm, nó cũng chỉ "của nào tiền nấy" thôi.
Quả dưa lưới to, tròn, không xây xát là "được giá" nhất
Đỉnh cao của thái độ "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây"
Người Nhật Bản thường nhắc nhở con cái rằng, mỗi hạt cơm đều có 7 vị thần. "Cơm gạo là phúc căn", tuyệt đối không được phép để thừa hay rơi vãi.
Với thế giới phương Tây quan trọng năng suất, sản lượng hơn chất lượng, sự trân trọng này có phần… thái quá. Song với thế giới phương Đông, thái độ tôn kính với thức ăn của Nhật Bản là bài học vỡ lòng. Tại Việt Nam, trẻ em được dạy, mỗi hạt gạo đều là hạt mồ hôi, công sức của cha mẹ. Từ thuở xa xưa, ông bà ta đã không quên nhắc nhở, ăn quả phải nhớ công người trồng.
Nông dân Nhật chăm chỉ xoa dưa để kích thích quả mau lớn và ngọt
Tiếc rằng, lòng tham đã phá vỡ không ít nguyên tắc đạo đức. Từ phương Tây xa xôi, xu thế sản xuất nông nghiệp "nhiều và rẻ" tràn sang phương Đông. Nền nông nghiệp thâm canh, tự cung tự cấp buộc phải nhường chỗ cho độc canh thương mại. Các đồn điền, khu vực chuyên trồng chỉ một loại cây mở rộng, cung cấp sản lượng nông phẩm khổng lồ.
Tham năng suất, người trồng ồ ạt bón phân, dùng thuốc trừ sâu, chất kích thích… Trong khi sản lượng nông phẩm gia tăng không ngừng, chất lượng lại tụt dốc không phanh. Riêng Nhật Bản lại vẫn ngoài xu thế "số lượng hơn chất lượng" ấy.
Ngoại trừ các phiên đấu giá giúp người nông dân quảng bá sản phẩm địa phương, chính phủ Nhật Bản còn nhiều sự hỗ trợ khác. Họ ưu tiên các khoản vay lãi thấp, cho phép nhà nông có nguồn vốn đầu tư phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao.
Nếu đến các vùng nông thôn ở Nhật Bản, bạn sẽ phải xuýt xoa bởi hệ thống tưới tiêu tự động, nhà kính, điều hòa không khí, điều tiết độ ẩm, nhiệt độ… tương ứng với từng mùa và mỗi loại cây trồng. Đặc biệt, nông dân Nhật Bản tuyệt đối không dùng thuốc bảo vệ thực vật. Nông sản của họ luôn cực kỳ sạch, có thể ăn sống ngay tại vườn.
Tất nhiên là với "công trồng" tốn kém cả tiền lẫn sức ấy, giá nông sản phải cao. Chỉ một bó rau bình thường, có sẵn quanh năm như rau muống hay rau cải cũng 100-250 yên/bó (tương đương 21.000-53.000 VNĐ). Người Nhật chẳng phàn nàn gì cả. Họ sẵn sàng trả nhiều tiền, miễn có nguyên liệu chất lượng, chế biến những món ăn ngon, bổ mỗi ngày.
Helino