Chuyện buồn 2013: Tự lên kế hoạch thua lỗ
Hàng loạt DN lên kế hoạch lỗ, không lãi, không cổ tức… Trước khó khăn, nhiều DN dường như không có phương án giải quyết cứ báo lỗ cho đỡ sức ép.
- 19-03-2013Thua lỗ, đại gia lẩn trốn cổ đông
- 12-03-2013Thua lỗ, ông chủ xe máy bán đại lý trốn nợ
- 04-02-2013Hà Nội: Hàng loạt doanh nghiệp ì ạch cổ phần hóa, thua lỗ liên miên
- 30-01-2013Nhiều tập đoàn lớn bán trụ sở vì thua lỗ
- 09-11-2012Thua lỗ, đại gia ào ào đi điều trị tâm thần
Bế tắc
Công ty Dầu khí Sao Mai - Bến Đình (PSB) vừa chuyển phương án kinh doanh 2013 đến cổ đông. Theo đó, doanh thu dự kiến chỉ đạt hơn 56 tỷ đồng, giảm so với mức hơn 88 tỷ đồng trong năm trước; lợi nhuận âm hơn 12 tỷ đồng, so với mức lãi 6,9 tỷ đồng.
Công ty Cổ phần vận tải biển Hải Âu (SSG) cũng vừa gửi tài liệu họp đại hội cổ đông thường niên năm 2013 với doanh thu giảm gần 10% nhưng lợi nhuận tiếp tục âm, dự kiến lỗ 5 tỷ đồng (so với mức lỗ -1,9 tỷ đồng năm trước) và không chi cổ tức và không trích lập các quỹ.
Kế hoạch được đưa ra trong bối cảnh doanh dự báo tình hình trong nước tiếp tục gặp khó khăn, thị trường và môi trường kinh doanh của các công ty tiếp tục bị ảnh hưởng đáng kể.
Thậm chí, Công ty in Diên Hồng (DHI) vừa thông qua nghị quyết đại hội cổ đông với quyết định giải thể do không thể tổ chức sản xuất kinh doanh, nếu công ty tiếp tục tồn tại thì sẽ thua lỗ thêm và mất dần vốn của cổ đông. Trong hai năm trước đó, doanh nghiệp này đều thua lỗ và hiện chỉ còn 19 người lao động bao gồm cả lao động trực tiếp và lao động gián tiếp sau khi giải quyết nghỉ việc, nghỉ chế độ cho 102 công nhân.
Nhiều doanh nghiệp chỉ tính đến phương án duy trì hoạt động như Viglacera Từ Sơn với kế hoạch lợi nhuận 0 đồng; Viglacera Tiên Sơn VIT dự kiến lỗ trong quý I...
Viễn cảnh kinh doanh của nhiều DN trong năm 2013 là khá tiêu cực. Đây cũng là lý do khiến việc trông chờ vào cổ tức của năm 2012 và 2013 của hàng vạn cổ đông có lẽ là khá xa vời trong bối cảnh năm 2012 có cả trăm doanh nghiệp niêm yết trên hai sàn ghi nhận lợi nhuận âm và 2013 được dự báo "còn rất nhiều khó khăn".
Ngay cả các doanh nghiệp trong hai ngành trồng cây cao su và mía được đánh giá khá vững và không bị ảnh hưởng nhiều bởi khủng hoảng cũng đang khiến cổ đông lo ngại khi mà giá cao su được dự báo sẽ giảm mạnh, trong khi ngành mía đường đối mặt với tốn kho tăng mạnh gần 100% trong khi tổng nợ phải trả của các doanh nghiệp trong ngành tăng mạnh.
Đánh giá về triển vọng kinh tế 2013, một đại diện của Bộ Công thương cuối tuần qua cho rằng, năm nay nền kinh tế có nhiều khó khăn tiềm ẩn phía trước, nhìn thấy rõ. Khó khăn của Việt Nam nằm trong bối cảnh nhiều nước lớn vẫn đang chìm trong khủng hoảng, lòng tin người tiêu dùng chưa hồi phục. Và khó khăn nội tại của nền kinh tế Việt Nam và doanh nghiệp Việt Nam ngày càng bộ lộ. Năng lực cạnh tranh chậm được cải thiện.
Chia sẻ quan điểm trên, một đại diện của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, các doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung còn khó khăn và ông không tự tin về khả năng xoay chuyển tình thế do hạn chế về nguồn lực, về nhân lực...
Thoát đường nào?
Các DN trong ngành sản xuất đồng loạt lo ngại bức tranh kinh tế toàn cầu chưa hồi phục, trong nước nguy cơ bất ổn và lạm phát tiềm tàng với tình trạng nợ xấu chưa được giải quyết, chi phí đầu vào tăng cao, hàng tồn kho nhiều, sức cầu rất yếu trong khi thu nhập của người dân thấp và có xu hướng giảm.
Ngành dịch vụ cũng chịu ảnh hưởng chung của tình hình kinh tế khó khăn, sức cầu suy giảm, cạnh tranh tăng cao, đầu vào đắt đỏ hơn...
Khó khăn được nhận diện, dự báo xấu được đưa ra nhưng trong phần lớn kế hoạch 2013 của các doanh nghiệp niêm yết đều không đề cập tới phương hướng tháo gỡ các khó khăn gặp phải, tìm hướng thoát ra khủng hoảng, ổn định lại sản xuất và phát triển.
Trong trường hợp In Diên Hồng, DN này đã không còn một lối thoát và đã chuẩn bị cho sự kiện giải thể từ trước đó với việc cho công nhân nghỉ việc, nghỉ chế độ... để đảm bảo quyền lợi cho cổ đông, không phải tiếp tục chứng kiến cảnh mất vốn.
Trên thực tế, đây là kết cục của quy luật cạnh tranh và đào thải. Trong năm vừa qua, hàng chục ngàn doanh nghiệp cũng đã rơi vào tình trạng này. Nhiều doanh nghiệp đã buộc phải hủy niêm yết do thua lỗ ba năm liên tiếp hoặc vốn chủ sở hữu âm...
Tuy nhiên, sai lầm vẫn có thể sửa chữa và trong khủng hoảng vẫn có nhiều cơ hội. Một số doanh nghiệp đã có những bước chuyển mình tái cấu trúc khá ấn tượng trong năm vừa qua.
Không chỉ vượt qua khủng hoảng, một số doanh nghiệp còn phát triển trong bối cảnh khó khăn. Họ không chờ đợi các chính sách hỗ trợ. Trong lúc các nước đều khó khăn, doanh nghiệp nội chủ động hút vốn quốc tế. Trong lúc thị trường trong nước chao đảo, doanh nghiệp chủ động cắt giảm chi phí để giảm giá thành, chiếm lĩnh, mở rộng thị trường.
Theo nhiều đánh giá, cuộc khủng hoảng kinh tế vẫn còn đang tiếp diễn và có thể còn kéo dài. Mặc dù vậy, sự chủ động chính là yếu tố quyết định giúp DN đi lên và chớp được cơ hội trong khủng hoảng. Quan trọng là doanh nghiệp đánh giá đúng tình hình, đưa ra đúng giải pháp, quyết định đầu tư đúng, điều hành đúng để tranh thủ được cơ hội.
Theo Mạnh Hà