"DN Thái mua lại Metro sẽ không tác động quá lớn tới thị trường bán lẻ Việt Nam"
Trong quá trình hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, nhất là việc mở cửa thị trường bán lẻ thì các doanh nghiệp phân phối bán lẻ phải sẵn sàng đón nhận sự cạnh tranh là việc đương nhiên.
- 24-08-2014Những chuyện cực vui về IKEA mà nhiều người không biết
- 21-08-20146 xu hướng sẽ thay đổi ngành bán lẻ mãi mãi (Phần 2)
- 21-08-20146 xu hướng sẽ thay đổi ngành bán lẻ mãi mãi (Phần 1)
- 21-08-2014Metro Việt Nam vẫn đang làm ăn tốt?
Đây là khẳng định của TS Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam về sức ép cạnh tranh ngày càng lớn của doanh nghiệp bán lẻ Việt trước nguy cơ bị thâu tóm thị phần.
Trước hết, xin được nói về sự kiện mới đây nhất trên thị trường bán lẻ, đó là việc đại gia bán lẻ đến từ Thái Lan đã mua lại Metro tại Việt Nam. Nhiều ý kiến nói rằng, đây là một thách thức lớn đối với hàng Việt khi phải cạnh tranh với hàng Thái. Vậy quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?
Tôi nghĩ, việc doanh nghiệp bán lẻ Thái mua lại Metro Việt Nam sẽ không có tác động quá lớn đối với thị trường bán lẻ Việt Nam bởi không chỉ doanh nghiệp Thái mà bất kể một doanh nghiệp nào ở các nước khác khi đã đầu tư vào lĩnh vực bán lẻ thì họ đều đưa thêm hàng từ nước đó vào là đương nhiên.
Hơn nữa, theo tôi được biết, không riêng gì ở Việt Nam mà bất cứ doanh nghiệp nào ở các nước kinh doanh bán buôn hay bán lẻ thì tỷ lệ % hàng hóa địa phương của nước sở tại vẫn chiếm phần đa số.
Vì vậy, nếu các sản phẩm hàng Việt từ trước tới nay vẫn có chỗ đứng và đã kinh doanh tốt trong hệ thống mạng lưới 19 trung tâm siêu thị Metro không có lý do gì phải lo ngại sẽ không được tiếp tục bán ở Metro như nhiều người vẫn nghĩ.
Nhưng nếu hàng Thái Lan chiếm tỷ lệ lớn trên thị trường Việt Nam thì chắc chắn hàng Việt sẽ bị lép vế thực sự và khi đó không chỉ doanh nghiệp phân phối bán lẻ mà cả các doanh nghiệp sản xuất trong nước cũng sẽ ảnh hưởng, thưa bà?
Không chỉ dừng lại ở khâu phân phối mà hàng hóa có trong các siêu thị hàng Việt vẫn chiếm tỷ trọng nhỏ. Đặc biệt, đối với phân khúc khách hàng cao cấp, trong các boutique hàng hiệu, hầu như thiếu vắng thương hiệu Việt. Trong các siêu thị điện máy cũng như vậy.
Từ năm 2009, Việt Nam đã mở cửa thị trường phân phối bán lẻ, đây là thị trường còn rất tiềm năng vì thế chắc chắn sẽ diễn ra nhiều các hoạt động sáp nhập, thâu tóm trong lĩnh vực bán lẻ.
Hiện nay các doanh nghiệp bán lẻ từ nước ngoài đang có những hoạt động nhằm thâm nhập vào thị trường Việt Nam. Do vậy, doanh nghiệp bán lẻ nội không chỉ cạnh tranh với hàng Thái mà còn nhiều hàng hóa từ các nước khác nữa.
Đây là điều bình thường trong quá trình hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, chúng ta cũng phải sẵn sàng tinh thần chờ đón, cạnh tranh với các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài bằng cách nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, không chỉ doanh nghiệp phân phối bán lẻ mà cả các doanh nghiệp sản xuất cũng phải sẵn sàng đón nhận điều đó.
Nói như vậy thì việc cạnh tranh là không thể tránh khỏi. Nhưng theo bà, trước sức ép cạnh tranh ngày càng lớn, các doanh nghiệp phân phối bán lẻ cũng như doanh nghiệp sản xuất Việt phải làm thế nào để có thể cạnh tranh được với hàng ngoại và giữ vững thị phần của mình?
Tôi nghĩ, nếu như các doanh nghiệp trong nước không nhanh nhạy xây dựng hệ thống bán lẻ, phân phối, nâng cao chất lượng sản phẩm thì tới đây không chỉ hàng Thái mà còn nhiều mặt hàng từ các nước khác sẽ lấn át hàng Việt.
Trong kinh doanh, bất cứ doanh nghiệp nào cũng có quyền chủ động lựa chọn nhà cung cấp, nguồn sản phẩm cho địa điểm kinh doanh của họ, hệ thống siêu thị, trung tâm mua sắm cũng vậy.
Có thể nói, so với các nhà bán lẻ ngoại thì doanh nghiệp nội có nhiều yếu điểm hơn. Trước hết là công nghệ bán hàng, năng lực quản trị còn yếu, thiếu mặt bằng logictis, kho bãi, điểm bán hàng, thậm chí nhân viên tại một số siêu thị vẫn chưa coi người tiêu dùng làm trung tâm để được chăm sóc.
Để cạnh tranh được, doanh nghiệp Việt cần nâng sức cạnh tranh bằng các sản phẩm mới như mẫu mã phong phú, chất lượng hàng hóa tốt, an toàn. Bên cạnh đó phải có chiến lược quảng bá thiết thực, mạnh mẽ tới người tiêu dùng bằng các hoạt động khuyến mại Thay vì ngồi chờ đợi sự ưu tiên đối với hàng việt, doanh nghiệp phải giữ sự công bằng trong việc kinh doanh.
Thay vì chỉ tập trung mở rộng mạng lưới kinh doanh, các doanh nghiệp nên tập trung nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu tốt và phải coi người tiêu dùng là trung tâm, mọi hoạt động là để phục vụ chứ không phải chỉ là kinh doanh, làm sao để phục vụ người tiêu dùng một cách tốt nhất và có trách nhiệm với cộng đồng. Đây là yếu tố tiên quyết quyết định sự thành công của các nhà bán lẻ.
Nói doanh nghiệp nội cạnh tranh phải công bằng, nhưng thực tế các doanh nghiệp bán lẻ ngoại cũng chưa “chơi đẹp” trong cuộc cạnh tranh này. Đơn cử như trường hợp của MetroViệt Nam chẳng hạn, trong thời gian kinh doanh ở Việt Nam, dù giấy phép đăng ký kinh doanh của Metro Việt Nam là hình thức bán buôn, song thực tế doanh nghiệp này vẫn triển khai dịch vụ bán lẻ. Bà nghĩ sao về điều này?
Về vấn đề này, chúng tôi cũng đã nhận được rất nhiều ý kiến phản ánh của các doanh nghiệp, và Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cũng đã có ý kiến chính thức gửi các cơ quan quản lý Nhà nước, yêu cầu thanh kiểm tra các cơ sở kinh doanh của Metro.
Thực tế, trong thời gian kinh doanh tại Việt Nam tuy được cấp phép bán buôn, song Metro Việt Nam vẫn bán lẻ thông qua hình thức để người mua hàng thoải mái, không kiểm tra và làm hóa đơn dưới hình thức hộ kinh doanh có thẻ cho các cá nhân mua bán.
Thưa bà, nhiều doanh nghiệp bán lẻ cho biết, mặt bằng là yếu tố rất quan trong giúp doanh nghiệp bán lẻ kinh doanh thành công. Tuy nhiên, hiện nay, hầu như các nhà bán lẻ ngoại khi vào Việt Nam đều dễ dàng tìm được cho họ những vị trí đắc địa trong khi doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam lại rất khó khăn để có được địa điểm để kinh doanh. Liệu có hay không câu chuyện ưu ái doanh nghiệp ngoại mà quên mất doanh nghiệp trong nước không?
Mặc dù không có chính sách ưu đãi cụ thể đối với doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài, nhưng trên thực tế, ở một số địa phương các doanh nghiệp này vẫn được ưu ái. Chẳng hạn như, các doanh nghiệp nội phải chờ đợi rất lâu để xin mặt bằng ở tỉnh, nhưng vị trí đó lại rất dễ “rơi” vào tay doanh nghiệp ngoại.
Đơn cử như Metro Việt Nam chẳng hạn, ngay khi vào thị trường đã được sở hữu nhiều khu đất có vị trí đắc địa. Trong khi, với tính chất kinh doanh bán buôn và mô hình “cash & carry” ở các nước, thông thường phải ở cách xa trung tâm.
Đây có thể là chiến lược “trải thảm đỏ” của địa phương để ưu đãi cho doanh nghiệp nước ngoài. Tôi cho rằng, cần có cách nhìn nhận lại và công bằng hơn giữa doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước.
Theo Minh Ngân