Masan: Đặc sản cho khối ngoại
Kể từ khi niêm yết trên TTCK, CP MSN của CTCP Tập đoàn Masan đóng vai trò là một trụ cột chống đỡ cho VN Index. Sự vững chãi của MSN có đóng góp lớn từ những giao dịch của khối ngoại.
- 30-07-2013Masan Group lý giải chủ trương thay đổi Tổng giám đốc
- 31-07-2013Tỷ phú Chandler và những khoản đầu tư trị giá 500 triệu USD vào FPT, Masan và Hoàn Mỹ
- 03-07-2013Động cơ nào để TPG rót tiếp 50 triệu USD vào mảng nông nghiệp của Masan?
- 02-07-2013Quỹ đầu TPG mua lại 49% mảng nông nghiệp của Masan
Kể từ khi niêm yết trên TTCK, CP MSN của CTCP Tập đoàn Masan đóng vai trò là một trụ cột chống đỡ cho VN Index. Sự vững chãi của MSN có đóng góp lớn từ những giao dịch của khối ngoại.
Room ngoại luôn đầy
Với hơn 705 triệu CP niêm yết, giá trị vốn hóa hơn 3,5 tỉ USD, MSN luôn được các NĐT ngoại quan tâm bởi nhiều nguyên nhân, trong đó lý do chính là sự tăng trưởng hàng năm của MSN giai đoạn 2009-2012 rất ấn tượng. Cụ thể, doanh thu thuần tăng 62,2%, còn LNST tăng trưởng 115%. Để có được tăng trưởng ngoạn mục như vậy, MSN đã xây dựng cơ cấu phát triển trên thế “kiềng 3 chân” là hàng tiêu dùng, tài chính NH và khoáng sản. Mặc dù các lĩnh vực có vẻ khác nhau nhưng lại bổ trợ cho nhau chiến lược tài chính của cả Tập đoàn.
Masan Consumer (MSC) đơn vị kinh doanh ngành hàng tiêu dùng, hiện là DN dẫn dắt thị trường tiêu dùng của Việt Nam với 5 mặt hàng chính là gia vị, mỳ ăn liền, đồ uống, ngũ cốc và cafe hòa tan. Những thương hiệu nổi tiếng của MSC như nước mắm Chinsu, nước tương Thái tử, mỳ Tiến Vua. Cuối năm 2011, MSC mua Vinacafe Biên Hòa, sau đó tháng 3.2013 kiểm soát Vĩnh Hảo để thâm nhập thị trường nước giải khát.
Đến nay, MSC có 176 ngàn điểm bán hàng nhiều hơn đối thủ cạnh tranh Unilever hơn 16.000 điểm và gấp đôi các DN khác như Trung Nguyên, Nestle... MSC đang trong quá trình mua Beer Phú Yên - đơn vị sản xuất bia cho Sabeco.
Mảng đầu tư tài chính, Masan sở hữu gần 20% số cổ phần Techcombank, NH lớn thứ 4 về tổng tài sản trong hệ thống NHTMCP. Chủ trương theo đuổi chiến lược NH bán lẻ, Techcombank lọt vào top 3 NH bán lẻ hàng đầu tại Việt Nam. Từ năm 2009 đến nay, Techcombank luôn duy trì được tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu cao hơn mức tối thiểu 9% theo quy định của NHNN nhờ đóng góp của 2 đối tác chiến lược HSBC, Masan.
Tỉ lệ cho vay trên huy động rất thấp, chỉ đạt 56,2% so với 70-100% của các NH khác. Ngoài ra, Techcombank cũng đang chuyển dần từ cho vay chứng khoán và DN sang khách hàng cá nhân. Điều này giúp NH giảm rủi ro từ cho vay DN trong thời gian suy thoái kinh tế. Dự báo LNTT của Techcombank trong năm 2013 có thể đạt 1.502 tỉ đồng, tăng 47,6 % so với cùng kỳ và hoàn thành 97,4 % kế hoạch lợi nhuận.
Cuối cùng là mảng khai khoáng tại mỏ Núi Pháo. Với trữ lượng vonfram lớn thứ 2 thế giới, vì vậy Masan tập trung nhiều nguồn lực cho dự án này. Đến 31.3.2013, MSN đã đầu tư 380 triệu USD trên tổng vốn 500 triệu USD cho Núi Pháo (không bao gồm số tiền mua mỏ). Masan sở hữu mỏ Núi Pháo thông qua Cty con là Masan Resources (MSR). Ngoài vonfram, mỏ Núi Pháo còn cung cấp nhiều sản phẩm là kim loại cần thiết cho các ngành công nghiệp, mỹ phẩm, y tế... như flourspar, bismuth và đồng.
Để trả các khoản nợ đến hạn mà không cần tiền mặt, MSN đã thực hiện chuyển đổi trái phiếu đến hạn thành CP phổ thông cho các chủ nợ. Ngày 17.10, MSN điều chỉnh room ngoại từ 49% xuống 43,7% để phát hành hơn 39 triệu CP cho các NĐT ngoại.
Định giá CP MSN theo P/E và PEG là 96.994 đồng/CP và 126.425 đồng/CP nên với giá thị trường loanh quanh 81.000 đồng/CP, với tiềm năng tăng trưởng mạnh từ M&A, các NĐT ngoại đánh giá MSN là CP nên sở hữu trong danh mục, nhất là đầu tư dài hạn.
Cá nhân: Ít hứng thú
Khác với các NĐT ngoại, NĐT trong nước quan tâm nhiều tới diễn biến thị giá CP trên sàn. Mặc dù có nền tảng cơ bản tốt nhưng KQKD năm 2013 giảm mạnh so với cùng kỳ. 6 tháng, LNTT đạt 583,6 tỉ đồng, giảm 56% so với cùng kỳ 2012 khiến nhiều NĐT nghi ngờ khả năng sinh lời của MSN trong tương lai gần.
Mặc dù MSN đã sử dụng nhiều công cụ tài chính đa dạng để tài trợ hoạt động đầu tư nhưng trong ngắn hạn Cty vẫn chịu áp lực trả các khoản vay ngắn hạn. Ngoài ra, trong 4 năm liên tiếp MSN không có hoạt động chi trả cổ tức nào, do vậy dù tăng trưởng ấn tượng nhưng các cổ đông, nhất là cổ đông nhỏ không còn hào hứng sở hữu MSN.
Hơn nữa, TTCK vẫn chưa thực sự khởi sắc, MSN giao dịch lình xình, chủ yếu trong khoảng 80-90.000 đồng/CP nên MSN kém hấp dẫn trong mắt NĐT cá nhân.
Có thể nói, với NĐT nước ngoài, MSN thực sự là “đặc sản” còn với các NĐT cá nhân trong nước thì dường như hiện tại MSN vẫn chỉ là CP “bình dân”!
Theo Lê Tuấn