McDonald's đã 'chinh phục' nước Pháp như thế nào?
15 năm trước, chính những người nông dân Pháp đã cướp phá một trong những nhà hàng của McDonald’s để biểu tình phản đối thịt bò của hãng. Giờ đây hãng đã có tới 1.200 cửa hàng ở đây.
- 10-10-2012McDonald′s và thử thách tại Việt Nam
- 24-06-2012Bí mật quảng cáo burger McDonald
- 23-07-2011McDonald lãi lớn dù kinh tế toàn cầu tăng trưởng kém
Pháp hiện là thị trường ở bên ngoài nước Mỹ sinh lợi nhiều nhất cho McDonald’s. Với doanh thu 7 tháng đầu năm tăng 4,8%, CEO Jean-Pierre Petit – người đã đảm nhiệm vai trò lãnh đạo của McDonald’s tại Pháp suốt 10 năm nay – cho rằng 2014 sẽ là năm tuyệt vời nhất của McDonald’s trên đất Pháp. Năm 2013, doanh thu đạt 4,46 tỷ euro.
Mỗi năm McDonald’s tuyển thêm 3.000 nhân viên và hiện đã tuyển dụng tổng cộng 69.000 nhân viên ở Pháp. Năm ngoái, hãng cũng tuyên bố sẽ đầu tư 200 triệu euro để mở rộng hoạt động. Trên khắp nước Pháp có 1.200 cửa hàng McDonald’s – nhiều nhất ở châu Âu và nhiều thứ tư trên thế giới.
Các cửa hàng McDonald's xuất hiện dày đặc ở Pháp.
Tuy nhiên, bạn cũng đừng quên rằng 15 năm trước, chính những người nông dân Pháp đã cướp phá một trong những nhà hàng của McDonald’s để biểu tình phản đối thịt bò của hãng. Vậy thì, McDonald’s đã chinh phục người Pháp như thế nào?
Vạn sự khởi đầu nan
McDonald's đến Pháp lần đầu tiên năm 1972, sau khi một chủ nhà hàng người Pháp có tên Raymond Dayan thuyết phục Chicago rằng ông có thể giải quyết được vấn đề tăng trưởng của McDonald’s ở châu Âu.
Không lâu sau khi cửa hàng đầu tiên mở cửa (ở ngoại ô Paris), một nhà báo viết rằng chuỗi cửa hàng ăn nhanh của Mỹ sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn bởi McDonald’s phải thuyết phục người Pháp “ăn bằng tay”.
Tuy nhiên, trái ngược với dự đoán này, đến năm 1978 Dayan đã mở tổng cộng 14 cửa hàng McDonald’s ở Pháp, phục vụ 6 triệu bữa ăn mỗi năm. Sau đó, một phóng viên của tờ Le Point viết rằng McDonald's sẽ thành công ở Pháp nhờ vấp phải rất ít sự cạnh tranh. Đến tận năm 1980, Quick – chuỗi cửa hàng ăn nhanh của Bỉ - mới có mặt ở Pháp.
Thế nhưng, trong thời kỳ 1978 – 1982, Dayan từ chối lời đề nghị mua lại từ Chicago bởi McDonald’s chỉ đưa ra mức phí nhượng quyền 1% thay vì mức tối thiểu 5%. Sau đó các nhà hàng của Dayan bị buộc tội không đảm bảo vệ sinh. Dayan có gắng đưa vụ việc ra tòa nhưng ông thua kiện. Giờ đây mọi tài liệu đều ghi rằng McDonald’s lần đầu tiên xuất hiện ở Pháp vào năm 1979.
Phải đến năm 1988, người Pháp mới thực sự chú tâm đến McDonald’s để hãng đồ ăn nhanh của Mỹ có thể mở cửa hàng McDrive đầu tiên ở ngoại ô Paris.
Cuộc nổi dậy của người chăn cừu
Khi McDonald’s dần dần tiến sâu hơn vào bữa ăn của người Pháp đồng thời Mỹ và EU đạt được thỏa thuận hạ thuế đánh vào thực phẩm, các cuộc biểu tình phản đối McDonald’s lên đến đỉnh điểm.
Năm 1992, người biểu tình đã đốt một đám lửa ở bên ngoài cửa hàng McDonald’s để phản đối thỏa thuận Blair House. Đây là thỏa thuận cho phép các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ thâm nhập “lục địa già”.
Làn sóng phản đối lên đến đỉnh điểm vào năm 1999, khi người chăn cừu José Bové dẫn đầu một nhóm người phá hủy nhà hàng McDonald’s đang được dựng lên ở miền Nam nước Pháp.
Bové biểu tình để phản đối các biện pháp trừng phạt trả đũa mà chính quyền cựu Tổng thống Clinton áp đặt lên phômai Roquefort và gan ngỗng sau khi EU cấm nhập khẩu thịt bò Mỹ có chứa hormone.
Mặc dù bị kết án 3 tháng tù giam, Bové trở thành biểu tượng của phong trào chống toàn cầu hóa. Sự kiện cũng củng cố ý tưởng cho rằng người Pháp không thể chấp nhận McDonald’s. Kể cả Thủ tướng Pháp lúc đó là Lionel Jospin cũng cho rằng đây là cuộc biểu tình chính đáng.
McDonald's "Pháp hóa"
Sự kiện Bové hóa ra lại mang đến những hiệu ứng tích cực cho McDonald’s bởi hơn lúc nào hết, McDonald’s phải xóa bỏ những hiểu nhầm của người dân Pháp cũng như giải quyết ổn thỏa những chỉ trích gay gắt.
Giải pháp mà McDonald’s đưa ra là nhấn mạnh rằng hầu hết các nguyên liệu làm nên đồ ăn trong các cửa hàng đều được sản xuất ở Pháp, đồng thời McDonald’s đang mang đến lượng lớn cơ hội việc làm cho giới trẻ Pháp.
Năm 2004, Jean-Phillipe Petit bắt đầu chèo lái con thuyền McDonald’s ở Pháp. Dưới thời Petit, McDonald’s tập trung vào các sản phẩm có nguyên liệu từ Pháp như thịt bò Charolais, phô mai và khoai tây đều được làm ra ở Pháp.
Ông cũng mở rộng sản phẩm theo hướng gắn liền với các món ăn truyền thống của Pháp như thêm vào thực đơn bánh mì baguettes và bánh ngọt hay mở chuỗi McCafes để phục vụ món bánh macaron đặc trưng của nước Pháp.
Charolais là giống bò nổi tiếng của nước Pháp.
Cuối cùng, ông đã định vị được McDonald’s là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời của những người Pháp trẻ tuổi. McDonald’s thông báo sẽ tạo ra 9.000 việc làm trong giai đoạn 2012 – 2014 và sẽ duy trì tốc độ này trong giai đoạn 2015 – 2017. Các cửa hàng McDonald’s cũng trở thành nguồn việc làm ổn định cho những người trẻ tuổi không có bằng cấp và thất nghiệp.
Vẫn còn những thách thức
Đầu năm nay, nhà báo Emmanuel Paquette của tờ L’Express đã có bài báo gây chấn động cho rằng McDonald’s cố tình sử dụng một công ty ở Luxembourg để tránh thuế ở Pháp. McDonald’s cho rằng họ không làm gì phạm pháp nhưng hãng đang phải đối mặt với nhiều hoài nghi.
McDonald’s cũng phải đối mặt với nhiều thách thức khác. Thị phần ở Pháp chỉ ở mức 12,5% và tăng trưởng đang chững lại. Người Pháp cũng chỉ ra hàng ăn 1 bữa trong 7 ngày trong tuần, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 30% hay 50% ở Anh và Mỹ.
Theo Thu Hương