'Ông Tây' ví xây thương hiệu giống nấu phở Hà Nội
Nấu phở ngon phải có cách gia giảm đặc biệt, song để xây thương hiệu mạnh, doanh nghiệp cần thể hiện nhất quán bộ nhận diện thương hiệu.
“Xây thương hiệu giống như nấu một bát phở. Hầu hết mọi người đều biết thành phần cơ bản của phở nhưng những hàng phở nổi tiếng có cách gia giảm đặc biệt. Quan trọng hơn, họ thể hiện một cách nhất quán các yếu tố nhận diện thương hiệu”, Richard Moore – Giám đốc điều hành sáng tạo của Công ty Richard Moore Associates cho hay.
Thương hiệu không đơn giản là một cái tên, một phong cách mà còn thể hiện sự khác biệt trong tư duy và chiến lược kinh doanh của mỗi doanh nghiệp. Ví như “báu vật” của doanh nghiệp, thương hiệu không chỉ giúp công ty khẳng định tên tuổi, mà còn tạo nên bản sắc riêng. Rất nhiều công ty có logo, bộ nhận diện thương hiệu và một cái tên dễ nhớ nhưng vẫn không thành công, vì sao?
Khó kiểm soát 100% hình ảnh thương hiệu
Nhiều công ty uy tín trên thế giới chỉ ra rằng nếu kiểm soát hệ thống nhận diện thương hiệu nhất quán và thiết kế yếu tố nhận diện thương hiệu dựa trên những chiến lược lâu dài sẽ giúp doanh nghiệp xây dựng thương hiệu mạnh trong tâm trí khách hàng. Tuy nhiên đa phần các doanh nghiệp làm bộ nhận diện thương hiệu chưa hiệu quả xuất phát từ một lỗi lớn, đó là vấn đề chiến lược.
Nhiều chủ doanh nghiệp vẫn nhầm lẫn về hình ảnh thương hiệu. Hình ảnh thương hiệu là cách ví của khách hàng về doanh nghiệp, được hình thành trong đầu khách hàng. Vì thế, doanh nghiệp rất khó kiểm soát 100% hình ảnh thương hiệu mình.
Trong một buổi chia sẻ về thương hiệu tại Dự án Money Rain, công ty IDT, ông Richard Moore, một chuyên gia có tiếng trong lĩnh vực này tại Việt Nam, cho biết: “Vấn đề thương hiệu đang hình thành nơi khách hàng khiến doanh nghiệp rất khó kiểm soát. Điều đầu tiên, doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược khác biệt hóa thương hiệu, từ đó phát triển các yếu tố nhận diện thương hiệu”.
Có nhiều mô hình xây dựng chiến lược khác biệt hóa thương hiệu nhưng tựu chung lại trước khi bắt tay vào làm doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ nội bộ, tìm ra các yếu tố cảm xúc, tinh thần thương hiệu mà người chủ gửi gắm tới khách hàng về lâu dài. Điều tiếp theo là nghiên cứu đối tượng khách hàng mục tiêu xem họ nghĩ gì về thương hiệu, về đối thủ của doanh nghiệp. Để biết được một thương hiệu thế nào là hoàn hảo trong tâm trí khách hàng, doanh nghiệp cần làm việc với khách hàng, tìm hiểu về những lợi ích, đặc điểm lý tính và cảm tính nơi họ.
Đơn cử thương hiệu nước khoáng Thạch Bích, trong quá trình phỏng vấn ban lãnh đạo công ty, ông Richard Moore biết được điểm khác biệt lớn nhất là nguồn nước khoáng được khai thác ở địa tầng rất sâu hơn 1 km. Địa tầng này đảm bảo nguồn nước có hàm lượng chất khoáng tốt cho sức khỏe người tiêu dùng. Chính vì thế, Richard Moore đã đưa hình ảnh địa tầng lên hình ảnh nhận diện thương hiệu của Thạch Bích để nhắc nhở khách hàng về nguồn gốc nước khoáng, thể hiện sự khác biệt về lý tính.
Còn với dòng sản phẩm CAO của công ty vàng bạc đá quý PNJ, Richard Moore lại khai thác yếu tố cảm tính của thương hiệu này. Khi đưa tên sản phẩm này ra ngoài nghiên cứu, nhiều người chê đấy là cái tên “cộc lốc”. Nhưng nhận thấy cái tên ngắn, dễ nhớ và có tiềm năng để thể hiện logo phù hợp, Richard Moore đã tư vấn công ty này thiết kế hình ảnh mềm mại, nữ tính giống “cành vàng lá ngọc” khiến người xem liên tưởng ngay đến đồ trang sức. Ông Moore rút kinh nghiệm: “Không phải khách hàng bảo gì làm nấy, doanh nghiệp cũng cần có nhiệm vụ dẫn dắt thị trường, xử lý thông tin khéo léo hơn”.
Coi thương hiệu như con người
Trong số tất cả các mẫu hình trong tâm lý học, người làm thương hiệu cần chọn mẫu hình phù hợp nhất thông điệp muốn truyền tải tới khách hàng. Nói đến hãng mô tô Harley Davidson là nhắc nhớ đến những người có cá tính mạnh, thích phá cách. Điều này ảnh hưởng đến các thiết kế, hình đồ họa. Tương tự, hãng đồ lót cao cấp Victoria’s Secret lại nhắm đến những phụ nữ muốn thể hiện sự quyến rũ của mình. Theo đó, phong cách thiết kế cũng phải phù hợp và trở thành tiêu chí truyền thông dài hạn.
Theo khảo sát của công ty ông Moore trên 120.000 người trên thế giới, khi được hỏi tất cả đều mô tả những nét đặc trưng của các thương hiệu nổi tiếng giống như một con người. Chính vì thế, việc đón đầu, thể hiện nhất quán các yếu tố nhận diện thương hiệu sẽ giúp mối quan hệ giữa khách hàng và thương hiệu cũng giống như mối quan hệ giữa người với người.
Sống và làm việc lâu năm ở Việt Nam, ông Moore quan sát nhiều thương hiệu Việt Nam và thẳng thắn bày tỏ quan điểm của mình. Ông Moore từng thẳng thừng chê slogan (câu định vị thương hiệu) của một số doanh nghiệp bất động sản được xem là có tên tuổi tại Việt Nam “chẳng có gì đặc biệt, nếu không muốn nói là không có ý nghĩa” hoặc quan tâm đến lợi ích của mình hơn lợi ích khách hàng,…
Ông ví quá trình xây thương hiệu giống như nấu phở. Hầu hết mọi người đều biết thành phần cơ bản của phở nhưng những hàng phở nổi tiếng có cách gia giảm đặc biệt. Quan trọng hơn, họ thể hiện một cách nhất quán các yếu tố nhận diện, điều làm nên thành công của mỗi thương hiệu.
Tân Hoa