Trao đổi với VTC News ngay sau khi những thông tin về việc nợ nần của tập đoàn bung ra, ông Hồ Huy, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Mai Linh chua chát: "Cuộc khủng hoảng lần này quá mạnh, toàn diện, thời gian quá dài lại không biết đâu là đáy, lại không có nơi bấu víu, nên chúng tôi đành chịu trận".
Ông Hồ Huy chia sẻ: Cũng giống như tất cả các doanh nghiệp trong nước khác, Mai Linh đang đối mặt với khó khăn chưa từng có trong lịch sử gần 20 năm kinh doanh và phát triển. Các cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính năm 1997, đại dịch SARS năm 2005... trước đây dù tác động khá mạnh nhưng kéo dài không lâu và quan trọng Mai Linh lại được các gói hỗ trợ của Nhà nước nên đã vượt qua khá nhanh.
Khó khăn thực tại của chúng tôi tập trung vào việc xoay nguồn tiền trả nợ cho 800 tổ chức và cá nhân đã cho chúng tôi vay khoảng 500 tỷ đồng. Trong khi doanh thu từ taxi không tăng (do khó khăn về kinh tế nên nhiều người dân phải thắt lưng buộc bụng ít sử dụng taxi hoặc chuyển sang dùng phương tiện khác) mà những nhà đầu tư lại kéo đến rút tiền đồng loạt nên chúng tôi xoay xở không kịp.
Mặt khác trong quá trình huy động vốn, lãi suất quá cao với mức trung bình từ 18 - 25% cũng khiến cho việc kinh doanh của Tập đoàn rất khó có lãi.
- Từ khi thành lập tới nay, Mai Linh đã trải qua những thăm trầm như thế nào? Xin ông chia sẻ về quá trình hình thành, xây dựng thương hiệu Mai Linh? Trong quá khứ, đã có thời điểm nào khó khăn như hiện nay hay chưa? Công ty đã vượt qua khó khăn như thế nào?
Qua gần 20 năm kinh doanh và phát triển, Mai Linh đã có những năm tháng phát triển khá ngoạn mục. Công ty được thành lập vào ngày 13/7/2993, với vẻn vẹn có 300 triệu đồng tiền vốn và 2 chiếc xe ô tô...
"Đã có những sai lầm trong việc đầu tư sang các lĩnh vực 'không thuận tay' như bất động sản. Đây là bài học đắt giá mà chúng tôi phải trả." Ông Hồ Huy Chủ tịch HĐQT, TGĐ Tập đoàn Mai Linh |
Ngày nay Mai Linh đã trở thành một thương hiệu nổi tiếng với "Màu xanh cuộc sống!", với đội xe 12.000 chiếc và 28.000 cán bộ công nhân viên. Hệ thống xe taxi và vận tải của Mai Linh hiện có mặt trên 54 tỉnh thành trong cả nước.
Chúng tôi còn có tuyến vận chuyển sang Campuchia và Lào. Đặc biệt, Mai Linh còn có công ty taxi tại Thủ đô Washington DC của Hoa Kỳ.
Còn về những thăng trầm thì thực tế chúng tôi đã từng đối mặt với hai cuộc khủng hoảng do suy thoái kinh tế năm 1997 và ảnh hưởng của đại dịch SARS năm 2005. Tuy nhiên như đã nói ở trên, do tác động của hai cuộc khủng khoảng này không kéo dài lại có sự hỗ trợ của nhà nước nên chúng tôi đã dễ dàng vượt qua, còn lần này thực sự là khó khăn nhất mà chúng tôi từng gặp phải.
- Với khó khăn như hiện nay, Mai Linh có kế hoạch gì cho năm sau?
Để vượt qua khó khăn hiện nay, chúng tôi định hướng tập trung vào các nhóm giải pháp chính là tuyên truyền vận động để toàn tập đoàn chung lưng đấu sức vượt qua khó khăn, tìm cách cơ cấu lại nợ bằng cách đàm phán lại với các tổ chức, cá nhân cho vay tiền.
Chúng tôi sẽ cố gắng thuyết phục các nhà đầu tư chuyển nợ thành vốn góp và trở thành cổ phần được hưởng ưu đãi cổ tức hoặc dãn thời gian trả nợ 1 - 2 năm và giảm lãi suất xuống mức cao hơn lãi suất do Ngân hàng Nhà nước quy định 3% đồng thời liên hệ với Công ty mua bán nợ Nhà nước để tìm cơ hội hợp tác.
Bên cạnh đó, để giải quyết phần nào sự thiếu hụt nguồn tiền, chúng tôi sẽ cố gắng bán tất cả các loại tài sản mà tập đoàn Mai Linh đang sở hữu đồng thời đàm phán cũng như kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào Mai Linh.
Ngoài ra, để tiết giảm chi phí sản xuất, chúng tôi cũng sẽ tái cơ cấu tổ chức, rút gọn tối đa nhân viên, các nhân sự dôi dư sẽ bổ sung cho đội ngũ đòi nợ và thực hiện tiết kiệm tối đa các khoản chi phí hành chính, hội họp.
Chúng tôi cũng kêu gọi cán bộ công nhân viên chia sẻ khó khăn với công ty bằng cách cho công ty vay các nguồn tiền nhàn rỗi hoặc cho vay lương không tính lãi…
- Có ý kiến cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng khó khăn của Mai Linh hiện nay là do tâm lý chủ quan, không tự lượng sức mình khi ở trên đỉnh cao thành công, đặc biệt là việc đầu tư sang lĩnh vực không thuận tay như bất động sản và một số lĩnh vực khác... điều đó có đúng?
Hội đồng quản trị đã họp và nghiêm túc đánh giá tình hình, nguyên nhân: đã có những sai lầm trong việc đầu tư sang các lĩnh vực "không thuận tay" như bất động sản.
Đây là bài học đắt giá mà chúng tôi phải trả. Nhận thức sớm việc này, mấy năm trước chúng tôi đã triển khai đàm phán để bán các bất động sản và dừng ngay các dự án thua lỗ, do vậy chúng tôi cũng đã tránh được những thiệt hại lớn nhất.
- "Thất bại là mẹ thành công", ông có nghĩ thế?
Thất bại là Mẹ thành công! Ai nên khôn mà chẳng dại một lần!
Chúng tôi đang hành động theo phương châm biến "Nguy Cơ" thành "Cơ hội" trong nguy nan.
- Để nói một câu trong lúc này làm an lòng nhà đầu tư và nhân viên, ông muốn nói gì?
Lúc này đây, không còn là lời nói suông nữa mà chúng tôi đã tổ chức họp, tuyên truyền, quán triệt sâu rộng trong toàn thể cán bộ công nhân viên Mai Linh: Mai Linh đang đứng trước thử thách cam go, 28.000 cán bộ nhân viên đồng tâm hiệp lực, phát huy nội lực, thắt lưng buộc bụng cùng nhau vượt qua khó khăn hiện nay.
Mặt khác chúng tôi sẽ tiến hành gặp gỡ, trao đổi, thông báo tình hình thực tế với các nhà đầu tư để họ thấu hiểu và đồng hành cùng Mai Linh.
Xin cám ơn ông đã trò chuyện!
Theo Khánh Hòa
VTC News