Câu chuyện về những công nghệ thay đổi cuộc đời hàng trăm nghìn người
Những doanh nghiệp mục đích vì cộng đồng, nhờ vào sự phát triển công nghệ, đã tìm ra nhiều cách tốt hơn để giải quyết các vấn đề xã hội.
- 22-01-2014Cô gái Việt tới Diễn đàn kinh tế thế giới và những ấp ủ về doanh nghiệp xã hội
- 18-12-2012Sẽ đưa 'doanh nghiệp xã hội' vào Luật Doanh nghiệp
- 17-05-2012Các doanh nghiệp xã hội cần một chính sách riêng
Những cái chớp mắt 10 năm
Công nghệ cho phát triển là nội dung nhận được nhiều sự quan tâm tại Hội thảo quốc tế: Một thập kỷ phát triển doanh nghiệp xã hội Việt Nam và châu Á.
Chọn cách bắt đầu bằng việc nhắc lại "bánh mỳ chuyển ngữ" của Doremon, Tạ Minh Tuấn, Chủ tịch TMT Group, từng được Forbes vinh danh 30 Under 30 Asia, nói rằng ngoại ngữ sẽ sớm không còn là rào cản đối với con người.
"10 năm nữa có thể chúng ta chưa có bảo bối hoàn hảo như Doremon như máy dịch có thể làm thay việc này", anh nói và nhấn mạnh những mô hình kinh doanh ngoại ngữ đang tồn tại sẽ bị xoá bỏ.
"Giống như Uber, nếu chỉ tập trung vào việc kết nối hành khách cũng sẽ sập tiệm", Tuấn nói thêm. Nguyên nhân, tương lai sẽ là thời của công nghệ tự lái. Bởi vậy, nếu không muốn huỷ hoại chính mình, tự thân Uber phải tập trung cho các công nghệ mới.
Mốc thời gian, giả định 10 năm, không quá ngắn cũng như quá dài, được Chủ tịch TMT sử dụng như một đơn vị đo lường cho sự thay đổi của những thói quen con người trong thời đại công nghệ.
"Có vẻ xa nhưng 10 năm trước chúng ta chưa có iPhone, chưa có thói quen gọi Uber, đặt phòng trên Agoda, AirBnB và chúng ta cũng chưa mất đi thói quen nhắn tin bằng SMS...", anh nói.
Công nghệ, bằng nhiều cách, đã tạo ra sự thay đổi lớn. Và các hoạt động xã hội, hoạt động thiện nguyện cũng được hưởng lợi từ đó.
Tạ Minh Tuấn cho biết đầu năm 2018, anh đã sáng lập ra tổ chức Light Charity, hoạt động theo tiêu chuẩn CSR (corporate social responsibility), trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Light Charity cũng đồng thời giải quyết các vấn đề của từ thiện thông qua công nghệ, theo Tuấn.
Ví dụ như Lightone, Tuấn mô tả đơn giản là trung gian kết nối giữa những người muốn cho và những người yếu thế muốn nhận quần áo.
"Luôn có người muốn cho", Tuấn nói và cho biết tổ chức của anh thu nhận áo quần và giúp nó đến tay những người cần. Tuy nhiên, những bộ áo quần này không miễn phí mà được bán với giá tượng trưng.
"Người nghèo có lòng tự trọng của họ", anh nói. Số tiền thu về từ bán áo quần sẽ được dùng để hỗ trợ trẻ em ung thư máu. Việc làm này theo Tuấn sẽ giúp nâng cao khả năng sống sót của bệnh nhân.
Lightone đã tạo ra sự luân chuyển cho 300.000 lượt quần áo và tác động đến hàng trăm người, Tuấn ước tính. Anh cũng cho biết đã hỗ trợ được 50 bệnh nhân máu trắng không lo về tài chính mỗi tháng.
Số lượng người muốn cho và người cần nhận là không xuể, tuy nhiên, không dễ gì để hai đầu mối này gặp nhau. Và công nghệ đã giải quyết vấn đề này, giúp người cho biết được dòng tiền, quà tặng của mình đi về đâu, được sử dụng vào việc gì.
"Cơ hội cho doanh nghiệp ở đây, khi áp dụng công nghệ blockchain hay smart contract", Tuấn nói và nhấn mạnh "Bức tranh từ thiện Việt Nam nhờ vậy mà minh bạch, hiệu quả hơn, giúp được nhiều người hơn".
Turbin gió và phần mềm học chống tham nhũng
Lê Vũ Cường, sáng lập viên và Giám đốc của 1516 Green Archi lại mang đến Hội thảo câu chuyện về những chiếc turbin gió cho người nghèo ở sông Hồng, Hà Nội. Dự án của Cường nhằm cung cấp nguồn điện bền vững cho người nghèo sống trên thuyền ở sông Hồng.
Lê Vũ Cường
"Đây không phải ý tưởng mới", Cường cho biết. Dù vậy ở trường hợp dự án của anh, công nghệ điện gió là đúng thời điểm khi mang lại cho người nghèo nguồn điện cơ bản. Dự án tuy có quy mô nhỏ nhưng được tích hợp công nghệ hệ thống để có thể quan sát và kiểm soát qua app.
Giá thành của những turbin này được Cường đánh giá là hợp lý, dao động trong khoảng 200 USD cho toàn bộ hệ thống lắp mới. "Chúng tôi không bán cho người nghèo mà cho các tổ chức NGO", anh nói.
Patipat Susumpao, người Thái Lan, Giám đốc Opendream lại quan tâm đến việc trao lại quyền quyết định cho công dân thông qua công nghệ. Cùng với vợ mình, Patipat thành lập một doanh nghiệp về dự báo công nghệ cho xã hội trong lĩnh vực về y tế và giáo dục.
Đối với lĩnh vực y tế, Patipat đã xây dựng app Doctor me cho phép người dùng tự chẩn đoán bệnh. "Ở Thái có chương trình phổ cập về y tế", anh nói. Theo đó, thông qua app, hệ thống bệnh viện của Thái Lan có thể giảm tải do người bệnh nhẹ không nhất thiết phải trực tiếp đến khám.
"Nếu muốn can thiệp vào quá trình người dân đến bệnh viện thì cần đưa ra những thông tin quan trọng về sức khoẻ cá nhân và quá trình điều trị của họ", anh nói. Bên cạnh đó, thông qua dữ liệu thu nhận, công ty có thể phân tích xu hướng bệnh tật.
Hiện app này có 800.000 người dùng và 500.000 người sử dụng hàng ngày.
Patipat có một ứng dụng khá thú vị, liên quan đến giáo dục, thông qua việc chơi game nhập vai.
"Chúng tôi có chương trình như phòng chống tham nhũng với 5 trường hợp tham nhũng thực tế được sử dụng để người chơi nhập vai", Patipat nói.
Tổng cộng, anh có 78.000 người chơi với thời gian chơi lên đến 34 năm. "Đây là cách đẩy mạnh việc giáo dục người dân", anh nói và giải thích "thử nghiệm làm người xấu cũng hay, nó giúp người dân hiểu rõ tình hình, hành vi xấu như thế có được không, có rủi ro gì, từ đó, họ chống lại nó".